Politico tiết lộ bất ngờ về thái độ của người Triều Tiên với tổng thống Trump

Ngọc Nguyễn |

Trong 1 năm qua, học giả Susanne DiMaggio từ Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ mới (New America), đã bí mật gặp gỡ những người dân Triều Tiên tại Geneva, Bình Nhưỡng, Oslo và Moskva.

Bà DiMaggio chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sâu chuyên sâu trên trang Politico, chủ đề thảo luận chính của các buổi gặp gỡ này hầu hết quay về bàn luận về vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ - Donald Trump.

Những người Triều Tiên được phỏng vấn đều nói về các chủ đề liên quan tới tổng thống Trump, bao gồm những thông tin về các vấn đề nội bộ của Nhà Trắng và những diễn biến trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.

DiMaggio tin rằng người Triều Tiên từng có thời điểm sẵn sàng nối lại các vòng đàm phán chính thức với Mỹ về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo. Tuy nhiên, những nhận xét của tổng thống Trump về lãnh đạo Kim Jong Un hồi cuối tuần qua đã khiến khả năng đàm phán gần như trở về con số 0.

"Họ (người Triều Tiên) liên tục theo sát tin tức phát đi trên kênh truyền hình CNN. Họ còn đọc các dòng tweet của tổng thống Trump nữa," bà cho biết.

Được biết, trong nhiều năm qua, bà Suzanne DiMaggio và học giả Joel Wit, nhà sáng lập trang web 38 North chuyên đưa tin về các vấn đề của Triều Tiên, đã bí mật gặp gỡ với nhiều người dân Triều Tiên để ghi nhận quan điểm của họ về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong quá khứ, họ hiếm khi thừa nhận sự tồn tại của các cuộc đối thoại này. Tuy vậy, tình hình đã thay đổi đáng kể sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Trong các cuộc gặp với người dân Triều Tiên, cả bà DiMaggio và ông Wit đều nhận thấy sự dè chừng và bối rối tăng lên sau những diễn biến căng thẳng giữa tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bên cạnh những vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Politico tiết lộ bất ngờ về thái độ của người Triều Tiên với tổng thống Trump  - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Trump phát biểu trước các binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản ngày 5/11 (Ảnh: AP)

Rủi ro xung đột đã leo thang

Việc bà Di Maggio và ông Wit công bố những thông tin thu được từ người dân Triều Tiên được công bố tại thời điểm tổng thống Donald Trump vừa kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, từ ngày 3 đến 14/11.

Trong chuyến đi này, tổng thống Mỹ nói rằng ông để ngỏ khả năng đàm phán với phía Triều Tiên, đồng thời gây sức ép với Trung Quốc để yêu cầu Bắc Kinh siết chặt các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên.

Nhưng hi vọng đã trở nên mong manh hơn khi tổng thống Trump dùng Twitter để đăng nhận xét về lãnh đạo Triều Tiên.

Phản ứng với bài phát biểu của tổng thống Mỹ ở Hàn Quốc, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cảnh báo nước Mỹ đang đối mặt với một "vực thẳm của sự diệt vong", nếu không vô hiệu hóa quyền lãnh đạo của tổng thống Trump và từ bỏ "chính sách ngoại giao thù địch".

Ông Trump đã viết trên Twitter rằng ông đang cố gắng để "làm bạn" với lãnh đạo Triều Tiên, và nhấn mạnh rằng tuy bị gọi là "ông già" nhưng mình chưa bao giờ nhận xét tiêu cực về ngoại hình của ông Kim Jong Un.

Theo nhận định của bà DiMaggio và ông Wit, cho dù có diễn biến này hay không thì việc tổng thống Trump thường xuyên có các dòng trạng thái trên Twitter công kích trực tiếp ông Kim đã vi phạm quy tắc cơ bản khi tương tác với phía Triều Tiên, đó là "bất kể bạn làm gì, không bao giờ được phép đưa ra những nhận xét mang tính xúc phạm cá nhân lãnh đạo Triều Tiên".

Trên thực tế, chiến thuật này của chính phủ Mỹ cũng từng tạo ra hiệu ứng ngược đối với các lãnh đạo quá cố của Triều Tiên.

Theo ông Joel Wit, "việc chính phủ Mỹ - cụ thể Tổng thống Trump - cho rằng gây căng thẳng leo thang sẽ khiến chính phủ Triều Tiên trở nên mềm mỏng hơn là hết sức sai lầm. Thực tế, chính việc gia tăng các mối đe dọa chỉ khiến cho họ trở nên cứng rắn hơn mà thôi".

"Khi đó, sự yếu đuối đồng nghĩa với hành vi tự sát," ông nói.

Trong những tuần gần đây khi Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự của các cụm tàu sân bay ở gần bán đảo, cựu giám đốc CIA John Brennan đánh giá tỉ lệ khả năng xung đột quân sự là 25%, thì ông Wit lại nhận định là con số này nên ở mức 40%.

Abraham Denmark, cựu phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng của khu vực Đông Á dưới thời tổng thống Barack Obama, nói: "Đây thực tế không phải là những động thái quân sự. Điều tôi lo lắng là khi chúng kết hợp với các lời lẽ căng thẳng qua lại giữa hai bên sẽ trở thành nguyên nhân cho những hiểu lầm và xung đột trên thực tế".

Joel Wit cho rằng chính quyền ông Obama đã sai lầm khi không đánh giá đúng tầm quan trọng của sự kiện ông Kim Jong Un được lựa chọn là người kế nhiệm cha mình hồi năm 2010, và thất bại trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo.

Politico tiết lộ bất ngờ về thái độ của người Triều Tiên với tổng thống Trump  - Ảnh 2.

Hai máy bay F/A-18 của Mỹ và máy bay F-15 của Nhật Bản bay phía trên tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trong một cuộc tập trận chung vào tháng 11/2017 (Ảnh: ASDF)

Người Triều Tiên từng kỳ vọng vào ông Trump

Điều thú vị là những người Triều Tiên được phỏng vấn cũng chung nhận định với tổng thống Trump, rằng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Obama là sự thất bại.

Theo bà Di Maggio, "Ngay từ ban đầu, người dân Triều Tiên đều nói rằng họ hi vọng việc ông Trump lên nắm quyền sẽ là một sự khởi đầu mới mẻ. Mối quan hệ với chính quyền Obama đã trở nên tồi tệ, đặc biệt là sau khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận đối với cá nhân lãnh đạo Kim Jong Un".

Bà Di Maggio cũng nhấn mạnh rằng thông điệp đầy lạc quan này cũng được truyền tải trong cuộc gặp do bà sắp xếp giữa phía Triều Tiên với phái viên cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun.

Bà Di Maggio còn cho biết cơ hội đàm phán thậm chí vẫn còn cách đây vài tuần khi bà gặp một nữ ngoại giao cấp cao của Triều Tiên tại Moscow.

"Nhà ngoại giao này vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán và còn chia sẻ một số suy nghĩ bản thân về những yếu tố cần thiết. Tuy vậy, đây thực sự là 1 cánh cửa hẹp…," bà nói.

Một lần nữa, cuộc gặp gỡ tại Moscow cũng cho thấy một điều là Bình Nhưỡng đang rất gần với mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân và vũ khí của nước này có khả năng nhắm tới các mục tiêu của nước Mỹ

"Họ đang từng bước thực hiện điều này đó," bà DiMaggio nói. "Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Bình Nhưỡng có đợi đến thời điểm tuyên bố đạt được mục tiêu trở thành cường quốc hạt nhân hay không. Hay họ thể hiện việc đạt được mục tiêu thông qua chính những vụ phóng thử vũ khí? Và liệu tại thời điểm đó, Bình Nhưỡng còn muốn quay lại đàm phán hay không?"

Một phần câu trả lời này lại phụ thuộc vào người đứng đầu Nhà Trắng. Sau chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày vừa qua của ông Trump, người dân Triều Tiên nhận ra rằng việc có được câu trả lời cho các câu hỏi hóc búa trên chắc chắn không hề dễ dàng chút nào.

[VIDEO] Cuộc tập trận chung bắn đạn thật giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc tháng 4/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại