Hãy quên những con robot chạy bằng pin hoặc điện đi, chúng đã quá lỗi thời rồi! Người máy của tương lai có thể hoạt động nhờ độ ẩm cơ.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Seoul tại Hàn Quốc đã chế tạo thành công robot “oằn mình tiến lên” bằng cách hấp thụ hơi ẩm từ môi trường xung quanh.
Những chú hygrobot (sự kết hợp của từ hygro – tức ẩm ướt và robot) này có khả năng bò, trườn và oằn mình chẳng khác gì con rắn thực thụ. Trong tương lai, chúng sẽ được sử dụng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả vận chuyển thuốc dưới da người.
Ý tưởng cho những con robot nhỏ xinh này bắt nguồn từ nhiều loài thực vật có khả năng thay đổi hình dáng và kích thước nhờ hấp thụ nước trong đất hoặc không khí. Ví dụ, quả thông sẽ thu mình lại khi gặp mưa, rồi lại nở ra khi trời hanh khô.
Trước kia, cây cối cũng đã “truyền cảm hứng” cho nhà khoa học: năm ngoái, nhà nghiên cứu vật liệu học tại Đại học Hồng Kông đã phát minh ra robot làm từ tảo.
Hygrobot thì không được làm từ thực vật, chúng chỉ mô phỏng theo cơ chế hoạt động của sinh vật mà thôi. Đây là một bước đột phá rất lớn, bởi hơi ẩm – năng lượng chính của các robot này, có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên.
Khác với pin, nó không những không độc hại, mà lại không gây nổ hay nguy hiểm tới chủ nhân và mọi người xung quanh. Đây chính là lý do khiến nó được lựa chọn để làm phương thức truyền hóa chất vào cơ thể người (tương tự như robot tinh trùng mà bạn có thể đọc thêm tại đây ).
Hygrobot được cấu tạo từ 2 lớp sợi nano: một lớp hấp thụ ẩm và một lớp không. Khi được đặt trên bề mặt ướt, lớp hút ẩm sẽ phồng lên, đẩy con robot lên khỏi bề mặt. Một khi nó khô lại, hygrobot lại oằn mình xuống và vòng tuần hoàn này cứ tiếp tục, cho phép nó di chuyển.
Hygrobot
Để chứng minh tiềm năng của nó, các nhà khoa học đã để con hygrobot vào một cái đĩa petri nuôi cấy chứa đầy vi khuẩn, và khi nó bò qua, để lại một vệt vô trùng – tương tự như một con ốc sên lưu lại đường chất nhầy trong quá trình di chuyển.
Trong tương lai, những con robot này sẽ dùng chính độ ẩm trên da chúng ta để làm phương tiện đi lại. Chúng cũng có thể được trang bị cảm biến để phản hồi được với các loại khí khác ngoài hơi nước.
Theo TheVerge