Gần đây, Mã Bảo Quốc, người tự xưng là bậc thầy của Thái Cực Quyền, sáng lập một học viện Thái Cực Quyền ở Vương quốc Anh đã trở thành tâm điểm bị chế giễu sau trận thua ê chề trước một võ sĩ phong trào.
Mã Bảo Quốc trở thành hình tượng vô cùng xấu xí, bị đả kích dữ dội. Điều này cũng xuất phát từ lý do ông đã "thổi phồng một cách vô trách nhiệm" về năng lực của mình, lợi dụng danh nghĩa của võ thuật cổ truyền để trục lợi cá nhân, khiến cư dân mạng phẫn nộ.
Tất nhiên, Mã Bảo Quốc không thể đại diện cho võ cổ truyền, nhưng hành động của ông vẫn làm võ cổ truyền bị mất uy tín nghiêm trọng. Từ câu chuyện của Mã Bảo Quốc, phương trượng Thích Vĩnh Tín ở Thiếu Lâm Tự đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng để đưa ra quan điểm của riêng mình về võ thuật cổ truyền.
Mã Bảo Quốc bị một số cư dân mạng châm biếm là "võ sư tệ nhất Trung Quốc".
VÕ CỔ TRUYỀN RẤT KHÓ ĐỂ TINH THÔNG
Trên bài viết của website New.QQ (Trung Quốc), phương trượng Thích Vĩnh Tín cho rằng võ thuật cổ truyền là một thành phần quan trọng của văn hóa truyền thống, chẳng hạn như Thiếu Lâm Kungfu là đại diện quan trọng của võ thuật.
Thiếu Lâm Kungfu có 72 loại công pháp, còn gọi là 72 tuyệt kỹ, mỗi loại đều rất rộng và sâu, nếu luyện đạt tới mức tinh thông thì có thể lấy một địch mười. Thế nhưng, không phải dễ dàng để tập tốt bất cứ loại công pháp nào.
Phương trượng Thích Vĩnh Tín tự cười và nói: "Tôi đã luyện gần hết 72 công pháp. Nhưng chúng không được luyện thành thạo. Học thì dễ, luyện thì khó".
Vì vậy, những người thực sự luyện tập kungfu sẽ không đi khoe khoang khắp nơi. Họ rất khiêm tốn, bởi họ biết rằng bên ngoài thế giới vẫn còn rất nhiều người giỏi hơn họ. Do vậy, Thích Vĩnh Tín đánh giá thấp sự khoe khoang, kiêu ngạo của Mã Bảo Quốc.
Phương trượng Thiếu Lâm Tự lần đầu tiên bình luận về Mã Bảo Quốc.
VÕ CỔ TRUYỀN CHỨA ĐỰNG TRÍ TUỆ TUYỆT VỜI
Thích Vĩnh Tín là chuyên gia có am hiểu rất sâu về võ thuật. Ông tin rằng võ thuật cổ truyền chứa đựng trí tuệ tuyệt vời và võ thuật không đơn giản chỉ là nắm đấm.
Võ thuật còn được gọi là Kungfu. Nhưng vì nó là Kungfu nên nó không giới hạn ở những cú đấm và cú đá. Kungfu theo Thích Vĩnh Tín là khái niệm rất rộng. Một nhà sư luyện võ giỏi là kungfu, một nhà đầu bếp nấu ăn giỏi cũng là kungfu, một người thợ may quần áo giỏi cũng là kungfu. Vì vậy, theo hòa thượng Thích Vĩnh Tín thì "Kungfu" có nghĩa là làm việc thiện bằng trái tìm và phát triển trí tuệ trong quá trình làm việc.
LUYỆN VÕ PHẢI BIẾT BUÔNG BỎ
Trong mắt của phương trượng Thích Vĩnh Tín, trạng thái cao nhất của luyện tập võ thuật là "vô cảm". Ở Thiếu Lâm Tự, sự kết hợp giữa thiền và võ được nhấn mạnh, nghĩa là võ và thiền được tích hợp làm một.
Thích Vĩnh Tín cho rằng trạng thái cao nhất của võ thuật là không bị cám dỗ bởi bất cứ điều gì. Vì vậy, đối với người luyện võ, họ không thể chỉ biết đặt nặng danh lợi. Chỉ khi coi võ thuật là phương pháp để rèn luyện bản thân thì người luyện võ mới có thể đạt được kungfu chân chính.
Phương trượng Thích Vĩnh Tín cho rằng người luyện võ cổ truyền cầm biết khiêm tốn và biết buông bỏ.
THÍCH VĨNH TÍN VÕ CÔNG VƯỢT XA MÃ BẢO QUỐC?
Theo New.QQ, sự hiểu biết của phương trượng Thích Vĩnh Tín về võ thuật cổ truyền là rất rộng lớn và những gì ông vừa phân tích không phải là không có ích với nhiều người luyện võ cổ truyền ở Trung Quốc.
Thực tế thì dù là trụ trì Thiếu Lâm Tự và là học trò của Hác Thích Trai – một đệ tử Thiếu Lâm có võ công rất nổi tiếng nhưng Thích Vĩnh Tín không bao giờ thể hiện võ công trước công chúng. Nhiều người còn cho rằng ông không biết võ.
Tuy nhiên, Thích Vĩnh Tín không mảy may quan tâm tới luồng ý kiến đó. Ông không bao giờ biện minh trước dư luận dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự kiêu ngạo và thói quen ngụy biện của Mã Bảo Quốc.
Tờ báo Trung Quốc cho rằng sự hiểu biết, triết lý của phương trượng Thích Vĩnh Tín về võ cổ truyền đã dạy cho Mã Bảo Quốc và những "bậc thầy võ giả mạo" ở Trung Quốc những bài học sâu sắc.
Thích Vĩnh Tín và võ sư Thái Cực Quyền Vương Chiêm Hải.
(Xem thêm các tin tức võ thuật tại đây).