Phương Tây siết "gọng kìm" dầu Nga, ai hưởng lợi?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ |

Sắp đến thời hạn EU cấm vận dầu Nga; G7 chính thức áp trần giá dầu Nga. Nhiều chuyên gia dự báo điều này sẽ giúp một số quốc gia hưởng lợi khi mua dầu của Nga.

Trung Quốc đã và đang mua dầu của Nga với giá rẻ

Trung Quốc đã và đang mua dầu của Nga với giá rẻ

Liên minh Châu Âu (EU) đã ấn định thời điểm cấm vận hoàn toàn dầu Nga mua bán qua đường biển vào ngày 5/12 tới. Song song với cột mốc này, phương Tây sẽ công bố áp giá trần với nhiên liệu hóa thạch Nga ngay sau khi quy trình của EU hoàn tất.

Tác giả sáng kiến này là Bộ trưởng Tài chính Mỹ , Janet Yellen. Mục đích của quyết định là nhằm gây tổn hại cho nền tài chính Nga, trong khi tránh làm tăng giá dầu đột biến nếu dầu Nga đột ngột bị loại khỏi thị trường.

Theo công ty phân tích thị trường dầu mỏ Rystad Energy, chi phí sản xuất mỗi thùng dầu thô ở Nga nằm trong khoảng 15 - 45 USD. Còn Bộ Tài chính Nga lại đưa ra con số 70 USD/thùng dầu Urals và 46 USD với mỗi thùng dầu Brent Biển Bắc.

Nếu mức giá trần áp đặt 65 - 70USD/thùng, đang tiệm cận với giá dầu thị trường của Nga. Như vậy, biện pháp cấm vận thứ 9 chỉ là hình thức. Nhưng nếu giá trần định đoạt 50 - 60 USD/thùng, khi đó các vấn đề chi phí sản xuất ở Nga sẽ phát sinh. Kinh tế Nga khó tránh khỏi tổn thương nghiêm trọng.

Kịch bản này tương ứng với tin tức được cấp phó của bà Yellen tiết lộ với hãng tin Bloomberg, rằng Mỹ muốn sử dụng mức chi phí sản xuất dầu ước tính của Nga là 44 USD mỗi thùng làm cột mốc khi họ thiết lập chế độ tuân thủ giới hạn giá dầu của Nga.

Có điều, Nhà trắng không muốn hủy hoại hoàn toàn ngành công nghiệp năng lượng Nga, khi chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói rằng: “chúng tôi sẽ không đặt mức giá trần thấp hơn giá sản xuất của Nga, nhưng sẽ ở mức vẫn khuyến khích Nga sản xuất nhưng không cho phép nước này thu được nhiều lợi nhuận”.

Vì sao như vậy? Dù cấm vận hay không, phương Tây vẫn đối diện với thực tế phũ phàng, họ không thể sống thiếu dầu mỏ và khí đốt Nga. Không mua qua kênh chính thống thì giao dịch ngầm trên “thị trường đen”, thông qua bên thứ ba.

Tiếp đến, mục đích của Mỹ và châu Âu không phải là khóa chặt mọi van dầu từ Nga, mà là ép Nga hạ giá bán để cứu vãn cơn khát năng lượng, lấy đó đối phó với lạm phát và suy thoái gần như chắc chắn xảy ra từ năm 2023.

Phương Tây siết gọng kìm dầu Nga, ai hưởng lợi? - Ảnh 1.

Nga tuyên bố không bán dầu và khí đốt cho các nước tham gia cấm vận Nga.

Nhưng, rất nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về tham vọng của phương Tây, với việc khiến dầu Nga biến mất khỏi thị trường chính thống, cộng với tình trạng không được bảo hiểm vận chuyển là hai nguyên nhân khiến giá cả tăng vọt.

Tương tự, sẽ không còn nhiều hợp đồng dài hạn, chuyển sang thị trường giao ngay - vốn chỉ dành cho những quốc gia có tiềm lực tài chính (dự trữ ngoại hối mạnh), có mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Với điều kiện này, không ai có thể vượt qua Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhưng đó chỉ là cách nghĩ của phương Tây, còn Nga thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận bán dầu theo ý muốn của người khác. Moscow sẽ không bán dầu và khí đốt cho các nước tham gia cấm vận, có nghĩa rằng, dòng dầu chảy mạnh hơn về châu Á.

Vô hình dung, mọi nỗ lực của phương Tây với Nga gián tiếp giúp Trung Quốc và Ấn Độ hưởng lợi. Bắc Kinh đang cố gắng tạo dựng trục liên minh năng lượng với các nước Trung Đông thông qua các hợp đồng khổng lồ dài hạn với Qatar, Iran; giờ đây họ có thêm Nga sẵn sàng cung ứng năng lượng giá rẻ.

Trong khi tất cả đổ dồn sự quan tâm về chiến sự Nga - Ukraine , thì IMF công bố thông tin rất đáng chú ý: Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7% năm nay, gần như cao nhất thế giới, sẽ vượt qua Anh lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại