Phương Tây phá vỡ cấm kỵ, Ukraine vẫn khó đối phó mối đe dọa lớn nhất từ Nga

Kiều Anh |

Một số nước NATO đã dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine về việc sử dụng vũ khí để tấn công vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, cho phép các lực lượng của Kiev có thêm những lựa chọn mới để đánh bại những quả bom lượn của đối phương mà cho đến nay họ vẫn chật vật đối phó.

Phương Tây phá vỡ cấm kỵ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Ukraine từ lâu đã bị cấm sử dụng các vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công ngoài biên giới bởi nhiều nước, trong đó có Mỹ lo ngại việc cho phép Kiev làm vậy sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang căng thẳng hơn nữa.

Lập trường của phương Tây về vấn đề này đã mềm mỏng hơn giữa bối cảnh Nga tăng cường tấn công vào phía Đông Bắc Kharkov từ tháng trước. Các quan chức Ukraine nhận định những giới hạn trên đã ngăn cản Kiev chặn các cuộc tấn công bằng cách trao cho Moscow không gian để tổ chức và huy động lực lượng, cũng như triển khai bom lượn mà không bị trừng phạt.

Phương Tây phá vỡ cấm kỵ, Ukraine vẫn khó đối phó mối đe dọa lớn nhất từ Nga- Ảnh 1.

Ukraine triển khai hệ thống pháo phản lực HIMARS. Ảnh: Forbes

Nhiều nước NATO đã dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ hạn chế. Đối mặt với sức ép gia tăng từ Ukraine và các đối tác châu Âu, Mỹ cuối cùng đã thay đổi lập trường trong một thời gian dài vào tuần trước khi cho phép Kiev tấn công vào trong nước Nga, nhưng chỉ ở khu vực gần Kharkov.

Các nhà phân tích về xung đột tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết: "Việc cung cấp các hệ thống phòng không phương Tây và dỡ bỏ những hạn chế đối với Ukraine để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây đóng vai trò vô cùng quan trọng với Kiev để đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa và bom lượn của Moscow ở Kharkov".

"Những thay đổi chính sách này sẽ cho phép Ukraine sử dụng các hệ thống do phương Tây cung cấp để tấn công các khu vực khai hỏa và tập hợp lực lượng ở biên giới cũng như không phận Nga", các nhà phân tích cho hay trong một phân tích ngày 2/6.

Họ cho rằng khả năng của Ukraine trong việc bắn hạ chiến đấu cơ Nga ở các khu vực trên tiền tuyến trong những cuộc giao tranh trước đây cho thấy Kiev có thể một lần nữa thành công, bảo vệ thành phố Kharkov và khu vực lớn hơn khỏi các cuộc tấn công bom lượn từ không phận Nga.

Ukraine có hóa giải được mối đe dọa từ những quả bom lượn?

Những quả bom lượn vốn đã trở thành mối đe dọa với các lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột, hiện trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong những tuần gần đây khi Nga sử dụng vũ khí này để tấn công thành phố Kharkov và khu vực xung quanh. Chiến đấu cơ Nga có thể phóng bom lượn từ xa, trong không phận an toàn của mình và nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không Ukraine.

Cách duy nhất để Ukraine có thể bảo vệ quân đội và các thành phố của mình khỏi những quả bom này là đánh chặn chiến đấu cơ Nga trước khi những phương tiện này phóng chúng. Kiev nhìn chung không thể thực hiện điều đó nhưng sự thay đổi chính sách trên cũng như việc phương Tây hỗ trợ bổ sung các hệ thống phòng không có thể giúp Ukraine tăng cường khả năng đối phó với mối đe dọa này.

“Lý tưởng nhất là máy bay phóng sẽ bị bắt trên mặt đất, nhưng để dự phòng, hệ thống tên lửa đất đối không như Patriot – với tầm bắn khoảng 160km (tùy thuộc vào mục tiêu) – có thể được đưa gần hơn tới tiền tuyến để bắn hạ máy bay Nga trước khi bom được thả", Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại RUSI, viết trong bài bình luận mới.

Ông cho rằng chiến thuật trên yêu cầu phải di chuyển hệ thống này quanh các cơ sở hạ tầng và có thể đặt chúng vào rủi ro bị tấn công lớn hơn nhưng cũng gây ra thách thức cho chiến đấu cơ Nga, hiện đang phóng vũ khí từ không phận của mình - nơi mà họ tin là sẽ được an toàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia giống như ông Savill cảnh báo rằng những thay đổi chính sách của phương Tây không phải là "viên đạn bạc" cho Ukraine và chỉ riêng khả năng tấn công sâu sẽ không đủ để giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

Việc chính quyền Tổng thống Biden nới lỏng chính sách cũng đi cùng với một số hạn chế. Đó là Ukraine chỉ có thể tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới trong lãnh thổ Nga quanh khu vực Kharkov và nước này vẫn bị cấm tiến hành các cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa mạnh nhất do Mỹ cung cấp. Trong khi đó, Kiev vẫn phụ thuộc vào tên lửa và đạn pháo từ Washington.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trả lời báo giới hôm 3/6 rằng, hướng dẫn của Washington "đặc biệt tập trung vào việc phòng thủ của Ukraine, chống lại các mục tiêu quân sự ở ngay bên kia biên giới và các mục tiêu mà Nga đang sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công thực sự chống lại Ukraine".

Chính sách của Mỹ về việc cấm Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa ATACMS MGM-140, hoặc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào bên trong lãnh thổ Nga hiện "chưa thay đổi", ông Kirby nói.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, Washington vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh chính sách nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào những diễn biến trên chiến trường.

Liệu chính quyền Tổng thống Biden có trở nên thoải mái hơn với những hạn chế của mình hay không sau những bước đi của một số đồng minh châu Âu, vẫn còn cần xem xét.

Phát biểu tại Prague, Cộng hòa Séc hôm 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết "dấu hiệu" của sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine là "thích ứng và điều chỉnh khi cần thiết để đáp ứng những gì đang thực sự diễn ra trên chiến trường nhằm đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần để làm điều đó một cách hiệu quả".

"Đó chính xác là những gì chúng tôi đang thực hiện để phản ứng trước những gì chúng tôi chứng kiến ở trong và quanh khu vực Kharkov", ông Blinken nói với báo giới và cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm những điều mà chúng tôi đang làm".

Hiện nay, Ukraine đang tận dụng chính sách mới của phương Tây. Chẳng hạn, hôm 3/6, Kiev cho là đã sử dụng tên lửa bắn từ hệ thống pháo phản lực HIMARS M142 do Mỹ cung cấp để tấn công các cơ sở phòng không của Nga ở khu vực Belgorod, ngay sát biên giới với Kharkov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại