Theo tờ Bulgarian Military, các mảnh vỡ có thể là của tên lửa đạn đạo KN-23 (Hwasong-11Ga) do Triều Tiên sản xuất đã được phát hiện ở khu vực Zaporizhzhia của Ukraine.
Cấu kiện tìm thấy thuộc về phần đuôi quả đạn, điều này có thể nhận thấy căn cứ vào ảnh chụp tại hiện trường.
Khi xem xét kỹ hơn, sẽ nhận thấy sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa cánh lái của tên lửa này và loại được tìm thấy trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 do Triều Tiên sản xuất.
Điều thú vị ở chỗ KN-23 dường như là bản sao từ tên lửa 9M723 của Nga, được tổ hợp Iskander-M sử dụng.
Tuy nhiên bức ảnh trên cho thấy đặc điểm nổi bật của vũ khí Triều Tiên, cần lưu ý rằng 9M723 có phần đuôi tròn và dài hơn.
Xác nhận những chi tiết phức tạp này, giới chuyên gia tin rằng nó có nguồn gốc từ Triều Tiên. Yếu tố quan trọng còn lại cần phải chứng minh là tính xác thực hình ảnh.
Nếu thực sự tấm ảnh này được chụp vào ngày 30/12/2023 hoặc ngày 2/1/2024 ở Ukraine, thì điều đó chứng tỏ tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên đã được quân Nga sử dụng trên chiến trường.
Ông John Kirby - Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gần đây đã tuyên bố tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng Quân đội Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuyên bố này đã được hỗ trợ bởi những phát hiện của Cơ quan Tình báo Mỹ.
Trong nỗ lực thể hiện tình hình một cách trực quan, ông Kirby đã trình bày đồ họa cho các phóng viên tham dự họp báo nhằm thể hiện khả năng tên lửa của Triều Tiên.
Theo những gì đã trình bày một tên lửa được phóng đi từ lãnh thổ Nga đã bay qua quãng đường tối thiểu 460 km trước khi lao xuống vùng Zaporizhzhia của Ukraine.
Hơn nữa ông Kirby nhấn mạnh rằng theo thông tin do tình báo Mỹ thu thập, Moskva đã nhận được từ Bình Nhưỡng nhiều tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn xấp xỉ 900 km.
Ông Kirby bày tỏ lo ngại về diễn biến trên đồng thời cho biết việc Triều Tiên gửi tên lửa sang Nga vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cho đến nay, Moskva vẫn chưa bình luận về cáo buộc của Ukraine và Mỹ, nói rằng họ đã sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong cuộc tấn công quy mô lớn diễn ra từ ngày 30/12 đến ngày 2/1.
KN-23 có những điểm tương đồng nổi bật về bề ngoài với tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M của Nga và Hyunmoo-2B của Hàn Quốc.
Giới chuyên môn cho rằng KN-23 có tầm bắn khoảng 450 km khi mang theo đầu đạn nặng 500 kg. Phạm vi này đặt toàn bộ Hàn Quốc trong "tầm tay" của nó.
Việc giảm tải trọng có thể mở rộng tầm bắn của tên lửa lên 690 km. Đầu đạn có thể là loại thông thường (loại đơn nhất hoặc mang đạn con), hoặc loại hạt nhân.
Với hướng dẫn từ vệ tinh, KN-23 có thể đạt được độ chính xác trong phạm vi vòng tròn sai số (CEP) 100 mét, chỉ số này sẽ tăng lên 200 mét khi chỉ sử dụng Hệ thống dẫn đường quán tính [INS].
Tên lửa KN-23 sử dụng xe mang phóng tự hành tương tự Iskander-M của Nga, có tính việt dã rất cao, khiến đối phương khó lòng theo dõi sát sao hành tung của nó.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23 do Triều Tiên sản xuất.
Theo Bulgarian Military |