Phương pháp thử thai đáng kinh ngạc bằng 'lúa mạch và lúa mì' thời Ai Cập cổ đại: Chính xác tới 70%!

Bảo Nam |

Theo một văn bản viết trên giấy cói từ khoảng 1400 Trước Công nguyên, một người phụ nữ có thể xác định liệu cô ấy đã có thai hay không bằng cách đi tiểu trong hai túi khác nhau - một chứa đầy lúa mạch và một chứa đầy lúa mì.

Phát hiện sớm việc mang thai rất quan trọng để duy trì sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, không chỉ trong thời đại hiện nay mà còn từ rất xa xưa. 

Có những phương pháp dân gian để biết có hay không việc mang thai của phụ nữ, cũng như xác định giới tính của trẻ ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Biết trước thông tin này rất quan trọng đối với mọi người, vì sự hiện diện của thai kỳ và giới tính của trẻ sơ sinh có thể có tác động đáng kể đến cuộc sống sau này của những người liên quan. Một phương pháp như vậy cũng tồn tại ở Ai Cập cổ đại.

Phương pháp thử thai đáng kinh ngạc bằng lúa mạch và lúa mì thời Ai Cập cổ đại: Chính xác tới 70%! - Ảnh 1.

Ngày nay, các xét nghiệm mang thai dựa trên nồng độ hCG (hormone tạo thành từ chính nhau thai trong suốt thai kỳ) có trong nước tiểu. Nhưng từ thời Ai Cập cổ đại, rất lâu trước khi thuốc thử thai được phát minh, người ta đã biết sử dụng các loại ngũ cốc - cụ thể là lúa mạch và lúa mì - để làm việc này.

Theo một văn bản viết trên giấy cói từ khoảng 1400 Trước Công nguyên, để một người phụ nữ xác định việc họ đang có thai hay không, tất cả những gì cô ấy phải làm là đi tiểu trong hai túi khác nhau - một túi chứa lúa mạch và một túi chứa lúa mì.

Nếu hạt ở một trong hai túi nảy mầm sau đó, người phụ nữ chắc chắn đã có mang và có thể bắt đầu lên kế hoạch sinh nở cho phù hợp. Nhưng chưa hết. Những hạt lúa cũng có thể chia sẻ thông tin về giới tính của đứa trẻ. Người phụ nữ chỉ cần chờ xem loại hạt nào nảy mầm trước. Nếu lúa mạch mọc nhanh hơn, đứa trẻ sẽ là con trai; còn nếu lúa mì mọc lên trước, đó sẽ là con gái.

Phương pháp thử thai đáng kinh ngạc bằng lúa mạch và lúa mì thời Ai Cập cổ đại: Chính xác tới 70%! - Ảnh 2.

"Nhiều ý tưởng trong các văn bản y học từ Ai Cập cổ đại xuất hiện trở lại trong các văn bản ở Hy Lạp và La Mã sau này", Sofie Schiødt, nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen nói. "Từ đây, chúng lan rộng hơn đến các văn bản y học thời trung cổ ở Trung Đông, và bạn có thể tìm thấy dấu vết cho đến y học tiền hiện đại."

Bên cạnh đó, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã thử nghiệm biện pháp này vào năm 1963 và kết quả cho thấy phương pháp xác định mang thai này có độ chính xác khoảng 70%. Đây rõ ràng là tỷ lệ chính xác không nhỏ, đặc biệt ở thời cổ đại. Tuy nhiên, nó lại không chính xác chút nào trong việc xác định giới tính của em bé.

Liên quan đến lý do tại sao lúa mạch và lúa mì chỉ nảy mầm trong nước tiểu của phụ nữ mang thai, nghiên cứu chỉ ra rằng estrogen, một loại hormone nữ có trong nước tiểu của phụ nữ mang thai, có thể đã thúc đẩy sự nảy mầm.

Tham khảo Gigazine

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại