Một công ty công nghệ sinh học tại Mỹ đã chính thức được cấp phép để nghiên cứu một trong những dự án gây tranh cãi nhất trong lịch sử y học và công nghệ.
Dự án đó chính là hồi sinh lại bộ não đã chết nhờ tế bào gốc. Công ty này được cấp phép bởi một hội đồng các nhà khoa học tại Mỹ và Ấn Độ, để nghiên cứu trên 20 bệnh nhân đã chết não.
Bioquark đã tiến hành nghiên cứu phương pháp này trong vòng 1 năm, tuy nhiên họ chưa được thử nghiệm thực tế do các vấn đề về đạo đức.
Với việc được cấp phép, Bioquark hy vọng rằng dự án đột phá ReAnima này sẽ là một bước tiến mới của nhân loại sau khi nó được thử nghiệm thành công trên người.
Tại thời điểm hiện tại, Bioquark chưa công bố nhiều thông tin về dự án ReAnima của mình.
Tuy nhiên các nhà khoa học tham gia dự án này cho biết, họ sẽ thực hiện việc chích não bằng tế bào gốc và các hóa chất có lợi để kích thích bộ não hoạt động trở lại sau một thời gian đã chết.
Phương pháp này có thể được áp dụng để hồi sinh những bộ não đã chết, đây là những trường hợp bệnh nhân sống thực vật.
Những người bệnh nhân này đã bị chết não và chỉ có thể duy trì cho các bộ phận trong cơ thể hoạt động nhờ vào các máy móc hỗ trợ.
Ông Ira Pastor, CEO của Bioquark, cho biết:
“Để thực hiện một phương pháp phức tạp và chưa từng có như vậy, chúng tôi phải sử dụng nhiều thiết bị y học và hóa chất đặc biệt để kích thích hệ thần kinh trung ương hoạt động trở lại.
Chúng tôi hy vọng sẽ thấy kết quả tốt trên các bệnh nhân đang thử nghiệm trong vòng 2 - 3 tháng tới”.
Vấn đề lớn nhất mà các nhà khoa học phải đối mặt đó là việc các tế bào thần kinh chết đi mà không có các tế bào mới được sinh ra để bù đắp.
Chính vì vậy mà họ phải sử dụng các tế bào gốc, ở trạng thái nguyên thủy nhất để có thể chuyển hóa thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể, thậm chí là tế bào thần kinh.
Ông Pastor cho biết thêm: “Với những tiến bộ của phương pháp sử dụng tế bào gốc, trong tương lai xa chúng ta có thể hy vọng hồi sinh lại các bộ phận trong cơ thể chỉ bằng việc tiêm vào các tế bào gốc.
Đó chưa phải là trọng tâm của dự án ReAnima mà chúng tôi đang thực hiện, nhưng đó là một mục tiêu để có thể hướng đến”.
Tham khảo: iflscience