Văn bản của VPF gồm 2 phần. Thứ nhất, VPF quyết định hoãn V.League 2020 tới ngày 15/4, tuỳ vào tình hình dịch bệnh sẽ tính tiếp là hoãn hay đá. Thứ hai, VPF đưa ra phương án thi đấu tập trung tại miền Bắc với thời gian, địa điểm cụ thể và mời các CLB đóng góp ý kiến.
Các vấn đề được VPF chỉ ra rất rõ ràng và nhấn mạnh rằng chỉ khi nào dịch được kiểm soát, Chính phủ cho phép thì mới để giải đấu diễn ra. Tuy nhiên, cả hai vấn đề đều vấp phải chỉ trích từ nhiều đại diện CLB, mà cụ thể là các ông bầu.
Bầu Đức (phải) một lần nữa phản ứng mạnh mẽ với 1 quyết định từ ông Trần Anh Tú. Ảnh: Hiếu Lương.
Trong số này, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (HAGL) và chủ tịch Nguyễn Húp (CLB Quảng Nam) là phản ứng mạnh mẽ nhất. Cả hai thậm chí còn chỉ trích ngược lại VPF và cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
"VPF muốn đá nhưng lỡ bùng phát dịch bệnh thì kêu ai và ai chịu trách nhiệm? Kể cả khi đồng ý ra miền Bắc đá tập trung, chính quyền các địa phương chắc gì đã cho đá. Phòng chống dịch bệnh giờ là chuyện cấp quốc gia, thậm chí quốc tế. VFF, VPF là ai trong xã hội mà dám đi ngược lại? Theo tôi, lo chống dịch đã", bầu Đức nói.
Thế nhưng, mục đích VPF gửi văn bản là muốn các CLB đóng góp ý kiến cho một kế hoạch tổ chức giải đặc biệt thay vì bị chỉ trích là "ép các CLB đá", "coi thường tính mạng", "đứng trên quyết định chống dịch".
Nhiều đại diện CLB đã phát biểu trên báo chí nhưng hầu hết đều không đưa ra được một ý kiến mang tính xây dựng cho phương án tổ chức mới của VPF. Một số chỉ trích (HAGL, Quảng Nam), một số nói chờ chỉ đạo từ Chính phủ cho phép hoạt động thể thao diễn ra rồi tính tiếp (Hà Nội FC, CLB Quảng Ninh).
V.League 2020 sẽ tạm dừng tới ngày 15/4, sau đó sẽ có thông báo tiếp theo từ VPF. Ảnh: Tuấn Mark.
Chủ tịch Nguyễn Húp (CLB Quảng Nam) thì đưa ra được phương án là "huỷ giải".
Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ (CLB Thanh Hoá) thì ủng hộ việc đá tiếp với lý do "nếu không đá, CLB sẽ khó khăn do các hợp đồng với nhà tài trợ".
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng (CLB TPHCM) có ý kiến "kể cả đá tập trung cũng cần cách ly những người liên quan trong 14 ngày. Nếu an toàn hết thì mới tính đến thi đấu".
Chủ tịch Vũ Tiến Thành (Sài Gòn FC) đưa ra một quan điểm rõ nét nhất. Ông không đồng ý đá tập trung tại miền Bắc mà chia làm 3 khu vực thi đấu ở miền Bắc, Trung và Nam, tương ứng với các CLB trên địa bàn. Ví dụ, CLB TPHCM, Sài Gòn FC, Bình Dương, HAGL tạo thành 1 cụm đá với nhau. Sau này, khi V.League trở lại, họ sẽ không cần thi đấu với nhau nữa, giảm tải một số trận đấu.
Sau cuộc khảo sát các ông bầu, phương án của VPF đưa ra rất khó được chấp thuận, "vỡ từ trong trứng nước" là vì thế.
Hiện tại, thể thao thế giới đang "đóng băng" vì đại dịch. Các giải đấu cấp CLB lớn ở châu Âu cũng đang quay cuồng trong việc tìm giải pháp thi đấu khi mùa giải đã đi qua 2/3. V.League vì thế cũng không nằm ngoài guồng quay này. Giống như nhiều đơn vị tổ chức khác, VPF phải lên những phương án và lấy ý kiến từ các CLB, tìm một hướng đi mới cho giải đấu sau dịch bệnh.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nhấn mạnh: "Chúng tôi không buộc các CLB thi đấu trong tình trạng nguy hiểm. Sức khoẻ và tính mạng con người là quan trọng nhất. Các đội chỉ đá lại khi tình hình Covid-19 lắng xuống và nhà nước cho phép thi đấu. Chúng tôi còn phải làm văn bản gửi VFF, Tổng cục Thể dục Thể thao xin phép. Họ đồng ý, giải mới diễn ra".
Vị chủ tịch này cũng cảm thấy không vui khi các CLB phản đối quyết liệt nhưng rời xa mục đích chính: "VPF đưa ra phương án thì mọi người nói ép đá. Nếu chúng tôi không đưa ra phương án nào thì sẽ bị chê thụ động. Ở đây, chúng tôi chỉ chuẩn bị sẵn phương án khi đại dịch được kiểm soát để các CLB có thể nhanh chóng trở lại thi đấu".