Họa sĩ tỉ mỉ đối chiếu với hình ảnh gốc để phục dựng tranh cổ bị hư hỏng
Nằm đầu đường Nguyễn Duy Hiệu, gần chợ Hội An, chùa Ông Bổn còn được gọi tên khác là Hội quán Triều Châu. Cùng với Hội quán Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam chùa Ông Bổn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hoa ở Hội An thời xa xưa. Chùa thờ các vị thần chế ngự sóng gió để cầu mong cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận lợi.
Theo các bậc cao niên ở Hội An kể lại: Năm 1979, Trung Quốc xâm lược nước ta trên tuyến biên giới phía Bắc, người dân địa phương đòi đóng cửa chùa. Lúc ấy, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng là ông Hồ Nghinh đã đến nói với người dân, rằng đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân địa phương đã tự tay xây dựng và chiêm bái, cúng lễ hàng trăm năm nay rồi, nay ta manh động đập phá thì tác động chính trị ngược lại. Hơn nữa đây là hội quán của bà con người Hoa Triều Châu.
Trung Quốc đang làm điều phi nghĩa ở biên giới phía Bắc, hơn lúc nào hết ta phải tranh thủ bà con người Hoa đứng về phía chính nghĩa của ta. Ông còn lý giải thêm, chùa Ông Bổn còn thờ các vị phúc thần chế ngự sóng gió, các hoành phi, câu đối trong chùa còn răn dạy đạo làm người. Nghe Bí thư phân giải, bà con đồng thuận ngay, không đòi đóng cửa chùa nữa.
12 bức tranh đắp cổ ở chùa Ông Bổn đã được phục dựng thành công |
|
Di sản chùa Ông Bổn được "giải cứu" trong lịch sử và giờ là một trong những tài sản để Hội An thụ hưởng. Cứ độ rằm, nhất là rằm Tháng Giêng, chùa Ông Bổn lại tấp nập người đến cầu lộc mua bán. Chùa không thu tiền, mở cửa tự do để người dân thoải mái tới lui, ai có lòng thành thì đặt thêm đĩa bánh, đĩa xôi.
Ông Triệu Quốc Bình (Tổng vụ chùa Ông Bổn) cho biết: Du khách đến Hội An tham quan thường dừng chân ở Hội quán Phước Kiến, Quảng Đông, Hải Nam nằm trong khu phố cổ ít người biết và ghé chùa Ông Bổn. Di tích chùa Ông Bổn rất độc đáo bởi ý nghĩa tâm linh, kiến trúc cùng hoa văn chạm trổ tinh xảo do nghệ nhân xưa kỳ công chế tác. Tất cả vẫn còn nguyên bản gần như 100%.
Đặc biệt nhất, năm 1887, nghệ nhân ở Hội An đã lần lượt đắp 12 bức tranh phù điêu bằng đất với chủ đề khác nhau về đời sống, cảnh vật ngay phía dưới mái cổng dẫn vào chùa. Theo thời gian, một số bức phai màu, mất đường nét tỉ mỉ, mờ dần khiến người xem không thể thấy trọn vẹn nội dung bức tranh.
"Anh em đã tìm hiểu, tham khảo rất nhiều về những bức tranh phù điêu ở các Hội quán khác, sau đó xin phép cơ quan chức năng thành phố để phục hồi. Phải mất rất nhiều thời gian mới được đồng ý. Cùng với kiến trúc, 12 bức phù điêu cổ có giá trị nghệ thuật, đầy bí ẩn mà chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và quá trình sáng tác của nghệ nhân xưa", ông Bình nói thêm.
Họa sĩ Thi Bách Hiền, người được chùa "chọn mặt gửi vàng" những ngày này đang cặm cụi phục chế những bức tranh cổ. Bằng con mắt nghề, anh Hiền cho biết: Những bức tranh phù điêu đã được các nghệ nhân xưa làm rất kỳ công, đặt cả tâm huyết vào từng đường nét rất công phu. Những bức tranh phù điêu đắp rất tỉ mỉ, tinh xảo, những nét màu qua ngần ấy thời gian vẫn không bị "trôi" hết.
Đặc biệt, nhìn vào màu sắc, chi tiết, nội dung anh Hiền và ban trị sự chùa có chung nhận định: 12 bức tranh cổ được đắp, vẽ bởi nhiều nghệ nhân. Mỗi bức tranh được vẽ và hoàn chỉnh ở các thời điểm khác nhau. Có một số bức màu sắc vẫn còn sắc nét, không hề bị phai màu.
"Thời đó, chất liệu màu chưa phong phú như bây giờ nhưng nghệ nhân vẫn vẽ, tô màu rất đẹp. Nhiều màu sắc tươi mới, trường tồn với thời gian. Đây là những bức tranh đắp đất mà anh em chưa bao giờ gặp. Bí ẩn về mỗi bức tranh cũng là điều thú vị đối với những ai đam mê tranh cổ", anh Hiền cho biết.
Một số bức còn màu khá chuẩn nên anh Hiền và cộng sự phải căn theo đó để đi màu tổng thể cho phù hợp nhất. Đồng thời, cùng với ban trị sự chùa sưu tầm những bức ảnh chụp nhiều năm trước đây để phục chế cho chính xác nhất nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp của những bức tranh, không làm sai lệch màu gốc ban đầu. Có những gam màu phải tiến hành pha thử nhiều lần mới ra được nước màu đúng với màu gốc.
"Bức phù điêu đầu tiên phục dựng xong, chúng tôi mời Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An xuống thẩm định. Đối chiếu với hình cũ, anh em trung tâm tấm tắc khen và tin tưởng tay nghề của họa sĩ rồi mới đồng ý cho làm tiếp những bức còn lại", ông Bình cho biết. Sau gần 1 tháng miệt mài, 12 bức phù điêu cổ ngay cổng vào của chùa đã được anh Hiền và cộng sự hoàn thành việc phục dựng lại.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho hay: Việc phục chế, sửa chữa tại chùa Ông Bổn đều được Trung tâm giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí. Ông Bình kể thêm, trong 4 hội quán tại Hội An, chùa Ông Bổn giữ được gần như nguyên bản kiến trúc hội quán cũ.
Phần mái được chạm trổ họa tiết, đỉnh mái có hai con rồng đối xứng phủ sành với hai màu sắc chủ đạo hồng và xanh ngọc vẫn tươi mới. Đây là phần kiến trúc nguyên thủy, nguyên bản nhất trong chùa bởi chưa có bất kỳ một thay thế, trùng tu nào. Ngoài ra, việc phục dựng 12 bức tranh cổ ở chùa Ông Bổn sẽ làm tăng thêm giá trị của ngôi chùa độc đáo, đã gắn bó với đời sống tâm linh của người dân phố cổ hàng trăm năm qua.