Daisy Coleman là cô bé 14 tuổi, sống tại một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Missouri của Mỹ. Cô là nạn nhân của vụ hãm hiếp và thủ phạm là một cầu thủ bóng đá. Mọi bằng chứng bao gồm cả video ghi lại cuộc tấn công tình dục đã được phơi bày.
Thông thường, người ta sẽ để ẩn danh tên nạn nhân, nhưng Daisy và mẹ quyết định đưa mọi việc ra công luận, kể cả tên của mình, để đấu tranh khi mà cô bé không chỉ là nạn nhân của một vụ hiếp dâm mà sau đó còn là nạn nhân của một vụ quấy rối nghiêm trọng từ cộng đồng.
Daisy nói rằng, cơn ác mộng của cuộc đời cô bé không kết thúc sau vụ tấn công tình dục, mà nó bắt đầu với những bạn học cùng lớp. Họ gọi cô là “kẻ nói dối”.
Cô bé bị loại khỏi đội cổ vũ của nhà trường. Người ta cho rằng cô là “kẻ xấu xí” khi tạo ra nguyên nhân “khiêu gợi” cho một màn tấn công tình dục.
Sự suy sụp của Daisy bắt đầu tăng theo cấp số nhân. Cô bé không đếm nổi mình đã ở bệnh viện bao nhiêu lần. Mạng xã hội với những kẻ đổ lỗi cho nạn nhân (victim-blaming) bủa vây lấy cô bé 14 tuổi. Daisy đã tìm đến cái chết hai lần nhưng bất thành.
Mọi việc thay đổi khi một nhóm hacker bắt đầu gây sức ép với quan chức nhà nước để điều tra sự việc một cách rõ ràng. Daisy vui mừng khi nói rằng: “Đây là một chiến thắng, không chỉ cho tôi mà cho tất cả các cô gái”.
Vài ngày gần đây, cũng có một Daisy khác, phiên bản Việt Nam, chuyện xảy ra ở Huế. Cô bé cũng 14 tuổi và bị 3 thanh niên hiếp dâm tập thể.
Có một luồng ý kiến cho rằng, trước khi trách móc 3 kẻ bị cho là tội phạm hãy trách bản thân cô bé. Có bài báo viết rằng: "Một cô bé đang tầm tuổi học sinh THCS thoải mái lê la đi chơi cùng nhóm bạn có quen lẫn lạ đến tận nửa đêm, rồi cùng nhau nhậu say bí tỉ giữa bờ đê vắng.
Hoàn toàn không thể đánh giá đây là một cô bé NGOAN! Thậm chí phải dùng từ CON GÁI HƯ! Rượu vào, dục vọng nổi lên.
Mầm mống đồi trụy vốn dung dưỡng từ các trang web đen được dịp trỗi dậy. Lí trí u mê, sức phản kháng bị triệt tiêu. Mỡ đang treo miệng mèo"...
Tất cả gộp lại thành một tỉ lí do dẫn đến thảm cảnh người bị cướp mất đời con gái và ngụp lặn trong tai tiếng, kẻ thì vướng vòng lao lí cùng tiếng xấu muôn đời.” Và rằng 3 thanh niên kia "bất đắc dĩ" trở thành nạn nhân vì thiếu bản lĩnh.
Một người khởi xướng cho phong trào "đổ lỗi cho nạn nhân" và rồi nhiều người hưởng ứng. Nó ào ào đến như cát trên sa mạc ném vào Daisy "phiên bản Mỹ" và Daisy "phiên bản Việt".
Phán xét người khác giờ đây như một nhu cầu của những người thích làm quan tòa trên mạng xã hội, những phán xét nhẫn tâm và như dao cứa, đủ để hủy hoại tinh thần và thậm chí đã khiến Daisy Coleman muốn tìm đến cái chết.
Người ta đúc kết nhiều kiểu đổ lỗi khi một vụ hãm hiếp xảy ra. Rằng: Cô ấy bị hiếp dâm vì đã mặc váy quá ngắn, vì đi chơi tối, vì uống rượu say... Và thậm chí nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên, người ta sẽ nói "là vì bố mẹ nó đã không dạy dỗ đến nơi đến chốn".
Những kiểu đổ lỗi có vẻ "hàn lâm" hơn thì cho rằng "vì yếu tố sinh học, đàn ông dễ nảy sinh ham muốn và dễ trở thành kẻ hiếp dâm", hay "nạn nhân đành rằng là người bị hại, nhưng phạm nhân cũng đã mất đi cuộc đời phía trước khi anh ta là một cầu thủ đầy triển vọng".
Xin thưa, những chiếc váy ngắn không có tội. Bạn đừng nỗ lực gây thêm rắc rối cho nạn nhân đã quá đớn đau và suy sụp.
Những ông bố bà mẹ dạy con hoàn hảo cũng không thể kiểm soát được một lần bất cẩn của con đi chơi về muộn, vậy nên cũng đừng giết cả những người xung quanh nạn nhân nữa. Bạn đổ lỗi cho nạn nhân nghĩa là bạn đang bênh vực ở góc độ nào đó cho tội phạm.
Thay vì ngăn chặn tội ác, bạn đang tìm cách dung túng nó. Và bạn đang phân biệt đối xử với phụ nữ. Vì nếu một người đàn ông bị hãm hiếp, bạn có cho rằng, chắc là anh ta đã ăn mặc gợi tình, hoặc đi chơi khuya để “mời mọc” phụ nữ hãm hiếp không?
Và nực cười rằng, về cơ bản, cứ là phụ nữ là có lỗi. Chị em phụ nữ có chồng đi ngoại tình thì trước hết cứ phải xem lại bản thân mình xem mình có lỗi gì không, mình có biết làm đẹp bản thân mình không, mình có thiếu các chiêu trò hấp dẫn người đàn ông của mình không? (chứ điều đầu tiên người ta không nhắc đến là lỗi ngoại tình của ông chồng, hay chuyện từ 1/7/2016, ngoại tình có thể bị phạt tù đến 3 năm).
Kẻ nào có lỗi, kẻ đó bị trừng phạt và giam giữ, chứ chúng ta không cho mình cái quyền giam giữ phụ nữ trong định kiến và quy chụp. Người ta bảo cô Kỳ Duyên cứ hút thuốc lá là có lỗi đã (dù chẳng pháp luật nào cấm).
Người ta bảo cô có lỗi vì cô là Hoa hậu, là đại diện cho nhan sắc, cho phụ nữ Việt (dù tôi chỉ cho rằng cuộc thi Hoa hậu ấy chỉ là một gameshow và tôi chưa từng bỏ cái phiếu nào chứng tỏ cô là người đại diện cho nữ giới chúng tôi cả).
Nếu cô Kỳ Duyên có lỗi với cái vương miện thì Ban tổ chức cuộc thi sẽ là người trách phạt cô ấy chứ không phải chúng ta.
Và xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân trở nên hài hước đến mức, các comments đã đổ theo trào lưu rằng: “Nếu bạn ra đường bị đánh dập mặt, thì trước tiên phải nhớ rằng, là tại bởi cái mặt bạn... gợi đòn”, “Vụ cướp tiệm vàng xảy ra trước hết phải trách ông bán vàng. Ông bày vàng ra làm kích thích... lòng tham của kẻ cướp”...
Vậy nên, trước khi trở thành một phần của đám đông đang lên đồng tập thể bằng những lời đổ lỗi cho nạn nhân, “hiếp dâm” nạn nhân bằng nhiều lần tàn nhẫn khác, trước khi đẩy họ đến cái chết, hãy nhớ rằng, việc kết tội là của tòa án và cứ để trách nhiệm vào đúng chỗ của nó.
Và như một lần nhà văn Publilius Syrus đã nói: "Never find your delight in another’s misfortune" (Đừng bao giờ tìm niềm vui trong nỗi bất hạnh của người khác).