Theo dự kiến ngày 20/12 tới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 18 bị cáo, cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Theo đó, HĐXX phúc thẩm gồm 5 người, dưới sự điều hành của Thẩm phán Mai Anh Tài, Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội.
2 bị cáo đề nghị toà phúc thẩm tuyên không phạm tội
Trong số 21 bị cáo, các ông Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu") và Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Thái Hòa), cùng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Còn lại phần lớn các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 7 vừa qua, Hoàng Văn Hưng bị tuyên án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa sơ thẩm xác định, tổng giá trị mà Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 18,8 tỷ đồng.
Suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu, Hoàng Văn Hưng luôn khai không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc.
Tại tòa, Hoàng Văn Hưng nhiều lần đề nghị cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo nhận tiền từ cựu phó giám đốc Công an Hà Nội để chạy án cho tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Bluesky.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận án tù chung thân - Ảnh: Báo Công thương
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát trình chiếu đoạn video trích xuất từ hệ thống camera tại cổng Cục An ninh điều tra Bộ Công an. Theo VKS, đoạn video cho thấy ông Hưng nhận chiếc cặp số có chứa 450.000 USD do cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhờ người chuyển tới
Cùng với số tiền này, ông Hưng nhận thêm 350.000 USD khác cũng thông qua bị cáo Tuấn, từ đó chiếm đoạt của ông Lê Hồng Sơn (cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó giám đốc Công ty Bluesky) tổng cộng 800.000 USD, dưới vỏ bọc "chạy án".
Tuy nhiên, khi tự bào chữa trước tòa, ông Hưng vẫn một mực khẳng định bên trong cặp số chỉ có 4 chai rượu vang. Bị cáo này còn nói mọi người thấy video mình nhận chiếc cặp nhưng không có lời khai, hình ảnh nào thể hiện bên trong chứa 450.000 USD.
Thêm vào đó, bị cáo Hưng còn đề nghị "khởi tố anh Tuấn, chị Hằng tội vu khống" vì 2 bị cáo này thống nhất lời khai theo hướng đổ tội cho mình.
HĐXX chiếu clip Hưng nhận vali chứa tiền
Thậm chí, khi nói lời sau cùng, trước bục khai báo, bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục khẳng định bị oan, đồng thời khẳng định sẵn sàng "đánh đổi cả tính mạng để tìm lại sự trong sạch cho bản thân".
Về phần bị cáo Trần Minh Tuấn bị tuyên phạt 18 năm tù về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ".
HĐXX nhận thấy Trần Minh Tuấn không có chức năng, nhiệm vụ gì trong việc xin cấp phép, tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, nhưng tháng 6/2021, Tuấn vẫn cầm 1 tỷ đồng của bị cáo Phạm Bích Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế để "xin cấp phép".
Do không được cấp phép chuyến bay, Hằng đã yêu cầu Tuấn trả lại tiền, nhưng bị cáo chỉ trả 400 triệu đồng, còn lại ông ta nói đã chi cho tổ 5 bộ, để chiếm đoạt.
Đến tháng 10/2021, Hằng đã chuyển hơn 12,8 tỉ đồng cho Tuấn. Bị cáo này đã thanh toán tiền thuê máy bay hơn 4,3 tỉ đồng, số còn lại Tuấn hối lộ gần 800 triệu đồng cho các cá nhân Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội... Số tiền còn lại hơn 5 tỉ đồng, bị cáo Tuấn đã chiếm đoạt của Hằng.
Mặc dù tại cơ quan điều tra, ở phiên toà, Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng căn cứ vào các lời khai của những người liên quan, HĐXX nhận thấy có cơ sở để xác định bị cáo Trần Minh Tuấn lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỉ đồng và đưa hối lộ.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 4 ngày (từ 20/12 đến hết ngày 23/12).
Đại án "chuyến bay giải cứu" với hàng loạt con số khủng
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 7/2023, HĐXX xác định, liên quan đến chính sách đưa công dân về nước trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: VTV.VN
Vụ đại án đã gây choáng váng với hàng loạt con số "khủng". Cụ thể, số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.
Tổng số tiền đưa hối lộ là hơn 226 tỷ đồng, tổng số tiền nhận hối lộ là gần 165 tỷ đồng. Số lần nhận hối lộ lên đến hơn 500 lần.
Hàng loạt quan chức nhiều bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến tổ chức chuyến bay cũng lần lượt "xộ khám".
Ngoài ra, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thuộc các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (Nhật Bản, Malaysia, Angola, Nga) và 2 địa phương Hà Nội, Quảng Nam cũng vướng lao lý.
Trong số những người bị đưa ra xét xử, nhóm bị cáo có chức vụ cao nhất tại thời điểm bị bắt giữ có thể kể đến như: Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Vũ Hồng Nam (Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó thủ tướng thường trực), Chử Xuân Dũng (Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Trần Văn Tân (Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao)…
Sau 18 ngày làm việc, tòa đã tuyên 4 người tù chung thân gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng, 10 án tù treo và 30 bị cáo từ 18 tháng đến 16 năm tù giam.