Phủ nhận con trai là thần đồng, mẹ Đỗ Nhật Nam suýt ngất khi thấy "tài liệu ôn thi của con cao bằng đầu người"

VÂN TRANG |

Mẹ Đỗ Nhật Nam tâm sự: Trước mỗi kỳ thi, con trai phải đi thi lại... vài lần.

Nhắc đến thần đồng Đỗ Nhật Nam , người ta sẽ nghĩ ngay đến cậu học trò mới 8 tuổi đã đạt 8.0 IELTS, là người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Nhật Nam cũng từng giành học bổng toàn phần du học Mỹ, nhận giải thưởng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì thành tích học và khả năng lãnh đạo.

Tuy là "con nhà người ta" chính hiệu, nhưng mẹ Đỗ Nhật Nam lại cho rằng, anh chàng không hề là thần đồng! Theo như dòng trạng thái mới đăng tải, chị tâm sự Nam cũng phải "trầy trật" học hành thì mới có khả năng ngoại ngữ tốt như vậy.

Thậm chí với kỳ thi TOEFL, Đỗ Nhật Nam phải ôn và luyện thi đến 3 lần thì mới được 107 điểm. Ở lần thi đầu, Nam chỉ được... hơn 80 điểm.

Phủ nhận con trai là thần đồng, mẹ Đỗ Nhật Nam suýt ngất khi thấy tài liệu ôn thi của con cao bằng đầu người - Ảnh 1.

Theo như tâm sự của mẹ, Đỗ Nhật Nam cũng rất trầy trật trước mỗi kỳ thi

Bên cạnh đó, người mẹ này cũng chia sẻ lộ trình ôn thi của cậu con trai. Dưới đây là dòng tâm sự của mẹ Đỗ Nhật Nam:

Nhiều người cứ ưu ái Nam với danh hiệu nọ kia. Mình nghe thấy thế thường mỉm cười và nói: Trời ơi, giỏi giang gì cũng phải đi thi lại mấy lần mới đạt được số điểm như mong muốn.

Ví dụ như kỳ thi TOEFL, Nam thi 3 lần, lần đầu tiên hình như được hơn 80 điểm thôi.

Sở dĩ đi thi lại như thế vì Nam hầu như tự học. Nam có một cô giáo như một người bạn/người chị thường đến nhà in tài liệu cho Nam để làm. Về sau khi Nam đi học, mình soạn ra mà suýt ngất vì tài liệu gộp lại phải bằng đầu người.

Quy trình chuẩn bị cho kỳ thi chuẩn hóa của Nam sẽ là:

1. Tìm hiểu về kiểu đề thi của chương trình đó.

2. Tìm sách học theo giới thiệu của những chuyên gia uy tín.

3. Học theo sách và học trên mạng, ngày nào cũng dành ít nhất 1 tiếng để học đủ 4 kỹ năng.

4. Thực hành, thực hành và thực hành. Việc thực hành bao gồm đủ 4 kỹ năng theo format của kỳ thi. Riêng phần viết Nam gửi "cô giáo nhà" chấm hoặc gửi cho các thầy cô mà Nam quen được trên mạng. Cứ chấm chữa xong lại làm lại. Cũng có bài Nam... tự chấm với bút phê rất "căng thẳng", kiểu như: Tôi thấy em làm còn ẩu! Em đang vừa làm vừa chơi phải không. Rồi cho điểm, gạch chân bằng bút đỏ như thật. Những bài tự chấm đó, cứ sau 1 tháng lại lấy ra làm lại để xem đã tiến bộ thế nào.

5. Xin hoặc mua đề để có thể tham gia thi như thật.

Sau mỗi kỳ thi tự tìm hiểu xem phần nào mình cần phải bổ sung thêm.

Cứ thế Nam loay hoay trong niềm vui với các kỳ thi.

Thực ra được tự học, tự làm, tự quyết định rất thích. Nhưng chúng ta hay tước đi niềm vui đó.

Vì chúng ta thích kiểm soát.

Con chơi cũng phải theo chỉ dẫn. Con học hay thi cũng phải theo mong muốn của bố mẹ. Rồi chúng ta liên tục "dụ": Con học ngoan đi rồi mẹ thưởng/ Con thi đạt điểm cao đi rồi mẹ sẽ mua cho con thứ con thích... Đứa trẻ hiểu: À, học để cho mẹ vui/ Học là thứ giúp mình đòi hỏi quyền lợi.

Khả năng tự học mất đi khiến cho đứa trẻ không có động lực tự thân và những yêu cầu rất dễ trở thành áp lực.

Nên mình thích những môi trường mà ở đó trẻ được khích lệ để tự lập, để bày tỏ quan điểm và ra quyết định.

Với mình, nếu Nam không có những nguồn hỗ trợ tài chính chắc Nam cũng không thể có một lộ trình học tập tốt như vậy.

Nên mình luôn biết ơn cuộc đời và biết ơn Nam nữa.

Phủ nhận con trai là thần đồng, mẹ Đỗ Nhật Nam suýt ngất khi thấy tài liệu ôn thi của con cao bằng đầu người - Ảnh 2.

Đỗ Nhật Nam và mẹ trong ngày tốt nghiệp cấp 3

Có thể thấy, dù được coi là "thần đồng" nhưng Đỗ Nhật Nam cũng phải chật vật như bao người để có được điểm cao. Thậm chí, chồng tài liệu cậu bạn phải ôn trước thi "cao bằng đầu người".

Cách giáo dục của mẹ Đỗ Nhật Nam cũng luôn nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực. Thay vì bắt Nam học hành hay coi việc học là trách nhiệm, mẹ Đỗ Nhật Nam thường khuyến khích con tự học, biến nó thành niềm vui trong cuộc sống.

Hiện tại, Nhật Nam đang sống ở Việt Nam được một thời gian. Nam sẽ tận hưởng cuộc sống bên gia đình một thời gian, trước khi quay lại Mỹ cho kỳ học sắp tới.

Ảnh: Internet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại