Trường Tiểu học Cổ Đông.
Theo phản ánh của chị VTN, phụ huynh có con học tại cơ sở B, Trường Tiểu học Cổ Đông, khi chưa vào năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong cuộc họp đó, nhà trường đưa ra chủ trương xã hội hóa trong việc lắp đặt rèm, mành, quạt điện trong các lớp học và yêu cầu phải lắp đồng bộ, giống hệt nhau giữa các lớp.
Chị VTN cho hay, nói là xã hội hóa, tình nguyện đóng góp , nhưng thực ra, nhà trường áp đặt các phụ huynh. "Nếu lớp nào không đồng ý lắp rèm, mành, quạt điện thì ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức họp đi, họp lại rất nhiều lần và lấy ý kiến từng phụ huynh vì sao không đồng ý" - chị N nói.
Ngoài ra, chị N phản ánh, nhà trường không tổ chức đấu thầu mà chỉ định đơn vị lắp đặt không thông báo cho phụ huynh. “Sau khi lắp xong, phụ huynh nhận được thông báo mỗi lớp phải đóng hơn 10 triệu đồng và “bổ đầu” học sinh để thu”, chị N nói. Theo chị N, một số lớp đề nghị tự làm cho rẻ nhưng nhà trường không đồng ý với lý do phải làm đồng bộ. "Việc lắp đặt rất lãng phí, lắp mành rèm cả trong lớp lẫn ngoài hành lang lớp học, lắp ở cả cửa chính của lớp" - chị N nói.
Một phụ huynh khác cũng phản ánh, vào đầu năm học Trường Tiểu học Cổ Đông tổ chức học bồi dưỡng kiến thức cho các học sinh 10 buổi. Nhưng nhà trường không thông báo cho phụ huynh về lịch học và kinh phí đóng góp. Trước 2 ngày bước vào đợt học, nhà trường nhắn cho phụ huynh cho con đi học. Khi gần kết thúc, các phụ huynh được cô giáo chủ nhiệm lớp gửi phiếu đăng ký học và đính kèm lưu ý: "Nhà trường yêu cầu phụ huynh viết tay phiếu tự nguyện cho con đi học theo mẫu in sẵn" và kinh phí 10 buổi học đóng 270 nghìn đồng/học sinh.
Cũng theo phụ huynh Trường Tiểu học Cổ Đông, năm học 2021-2022, nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh không tổ chức họp phụ huynh, do dịch COVID-19, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ cô giáo chủ nhiệm thông báo đóng quỹ cha mẹ học sinh 50 nghìn đồng. Vì dịch COVID-19, học sinh không đi học, có ít hoạt động, nên quỹ dư 70 triệu đồng. Khi biết thông tin quỹ còn dư, nhiều phụ huynh đề nghị không đóng quỹ của năm học 2022-2023. Nhưng trong cuộc họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vừa qua, cô Hiệu trưởng trường đề nghị phụ huynh tự nguyện ủng hộ đóng vào quỹ cha mẹ học sinh; mức đóng góp tối thiểu 30 nghìn đồng để có kinh phí hoạt động và đổ đất trước cổng trường tại khu B của nhà trường, làm bạt che nắng ở sân trường...
"Vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nay con mới bước vào năm học mà có nhiều khoản thu kiểu này khiến người dân chúng tôi vất vả thêm", chị N tâm tư.
Tài liệu phụ huynh gửi chứng minh các khoản nộp tiền mua rèm, mành, quạt điện và mẫu đơn xin học thêm để phụ huynh chép tay
Trước những phản ánh của phụ huynh, phóng viên liên hệ với cô Đặng Thị Kim Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Đông qua điện thoại để đặt lịch làm việc. Cô Hạnh đồng ý nhưng khi phóng viên đến trình giấy giới thiệu, căn cước công dân, thì vị Hiệu trưởng này gọi điện cho một số người và yêu cầu phóng viên trình thẻ nhà báo.
Phóng viên giải thích cho cô Hạnh các quy định về tác nghiệp của phóng viên hiện nay là có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu kèm chứng minh nhân dân đều hợp lệ. Cùng lúc này, người của nhà trường gọi điện đến đường dây nóng của báo Tiền Phong để xác minh nhân thân của phóng viên đến làm việc với nhà trường... Tuy nhiên, cuối cùng, vị Hiệu trưởng vẫn không chấp nhận làm việc và mời phóng viên ra về. Thậm chí, khi phóng viên xuống đến sân trường, bảo vệ nhà trường còn hùng hổ yêu cầu phóng viên ra khỏi nhà trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Phong, Chủ tịch HĐND xã Cổ Đông cho biết đã nắm được dư luận của phụ huynh, cử tri phản ánh về vấn đề của Trường Tiểu học Cổ Đông nêu trên. HĐND xã đã lên kế hoạch kiểm tra, giám sát trong tháng 11.
Kêu gọi đóng góp để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường là sai quy định của UBND TP Hà Nội
Việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Đông kêu gọi phụ huynh ủng hộ quỹ cha mẹ học sinh để xây dựng cơ sở vật chất đã đi ngược lại với Công văn số 2928/SGDĐT-KHTC, về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023, ngày 21/9/2022, của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Trong đó, văn bản quy định ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của ban đại diện, không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện xe đạp, xe máy của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trước khi bước vào năm học mới này, UBND Thị xã Sơn Tây cũng ban hành văn bản số 2245 ngày 29/9/2022 về các khoản thu đầu năm học. Văn bản này cũng đã tiếp tục nhắc lại quy định của UBND TP Hà Nội yêu cầu các trường công lập không được thu các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường.