TikTok nhảm nhí, rùng rợn – trẻ con biết, phụ huynh lại không
Chị Nguyễn Thanh Mai, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ sự bất ngờ khi biết thông tin TikTok hiện nay đầy rẫy những video clip có nội dung nhảm nhí, truyền bá mê tín dị đoan, quảng cáo cờ bạc online.
Vô vàn những clip có nội dung nhảm nhí xuất hiện tràn lan trên TikTok
"Tôi nghĩ TikTok cũng tương tự như các mạng xã hội khác thôi. Ai hay xem gì thì nền tảng tự giới thiệu những nội dung tương tự. Ví dụ như con tôi cháu thường chỉ thích xem những đoạn clip ngắn về thần tượng, những đoạn nhạc ngắn nhảy nhót vui nhộn thôi. Tôi nghĩ không có gì quá căng thẳng. Trong khi cháu mới lớp 5 nhưng đã có thể tự làm được những clip ngắn và đăng lên. Đấy là khả năng nắm bắt công nghệ tốt trong khi thời của chúng tôi tầm tuổi đấy còn không biết gì", chị Mai nói.
Khi được hỏi về việc những nền tảng mạng xã hội nói chung và TikTok nói riêng không cho trẻ em dưới 13 tuổi tạo tài khoản mới, chị Mai cho rằng, các nền tảng đều không khắt khe với tuổi thật. Việc giả mạo tuổi để lập tài khoản cho trẻ em là việc bình thường.
"Ngay như facebook tôi thấy cũng rất nhiều người tự lập tài khoản cho con cái mình ngay từ khi còn nhỏ. Đó cũng là nơi miễn phí để lưu giữ những kỷ niệm, khoảnh khắc hay thậm chí đánh dấu mốc lần đầu tiên con cái có thể tự làm một video clip nhỏ chẳng hạn… trong khi điện thoại cá nhân dung lượng có hạn, không thể lưu giữ hết được", chị Mai nêu ý kiến.
Trong khi chị Mai cho rằng việc con cái mình có thể "bị tiếp cận" với những nội dung xấu tỉ lệ không cao vì cháu thường tìm kiếm video theo sở thích, thì con gái chị lại cho hay thông tin ngược lại.
"Con cứ lướt thông tin xem thôi. Cứ có gì hot trên mạng là con biết hết, bởi video cứ hiện lên bất kỳ đó. Gần đây nhất, con thấy video gì mà con giết mẹ, còn cầm đầu lủng lẳng. Camera góc khuất rồi, không nhìn rõ đâu nhưng lời họ nói, con vẫn hiểu được. Ai đưa thông tin rùng rợn rồi cũng bị bay tài khoản thôi mà", con gái chị Mai cho hay.
Khi được hỏi, bé cho biết có sợ xem những video rùng rợn như vậy nên thường lướt nhanh bỏ qua, tuy nhiên rõ ràng dù TikTok có xóa các tài khoản đăng những thông tin dạng đó hay không. Chỉ vài phút, các video đó có thể được chia sẻ và lưu lại theo cấp số mũ.
Biết TikTok nhảm nhí nhưng chưa có biện pháp ngăn ngừa cho con
Nếu có những phụ huynh bất ngờ vì sự nhảm nhí của TikTok thì cũng có những phụ huynh đơn giản là biết, song chưa có giải pháp nào khác để ngăn ngừa cho con.
Hàng loạt các trào lưu trên TikTok được cơ quan chức năng xác định vi phạm quy định pháp luật (Ảnh: Minh Sơn)
Chị Lã Thanh Hà, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cả hai đứa con đang ở lứa tuổi 7-13 của chị đều rất say mê TikTok. Mặc dù có biết TikTok vẫn có những video nội dung không phù hợp với trẻ em. Chị vẫn chưa tìm ra giải pháp nào thay thế, hoặc ứng dụng nào tốt hơn để hấp dẫn con.
"TikTok có hệ thống video với cả tương tác thực sự hấp dẫn, ngay cả với người lớn đôi khi cũng mất hàng giờ để xem, chưa kể đến việc đọc tin nhắn tương tác trên đó. Khu vực để cho trẻ con chơi hay những trò chơi để hấp dẫn trẻ hơn TikTok thì không có mấy. Vì thế nhiều khi bận rộn, chúng tôi bất đắc dĩ vẫn phải cho con dùng điện thoại, máy tính và biết chúng xem TikTok những đành chấp nhận", chị Hà bày tỏ.
Thực tế hiện nay, chỉ cần mở TikTok lên là người dùng như bước vào một "mê hồn trận" bởi rất nhiều video ngắn được đăng tải trên nền tảng này. Việc xuất hiện ngày càng nhiều video có nội dung nhảm nhí câu view, thậm chí đưa thông tin sai lệch… có thể gây hậu quả nguy hại đến giới trẻ, lệch lạc cả một thế hệ.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, TikTok hay các nền tảng trực tuyến khác không phải thứ duy nhất "gây nghiện". Xét về yếu tố tâm lý, các nền tảng mạng dịch vụ trực tuyến áp dụng cùng 1 công thức: "Đem lại sự hài lòng, thỏa mãn" nhanh chóng cho người dùng.
"Nếu như trong cuộc sống, để có cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành một công việc, hay đoạt một thành tựu, giải thưởng nào đó thì mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng với thế giới số, việc này đạt được rất nhanh, thậm chí chỉ trong vài chục giây như TikTok", ông Nam đặt vấn đề.
Với sự phát triển của công nghệ BigData và AI, các nền tảng trực tuyến rất dễ để biết người dùng muốn gì, thích gì, từ đó cung cấp những những nội dung họ thích, họ cảm thấy phù hợp, thấy thỏa mãn mà gần như người dùng không phải làm gì.
"TikTok bị lo ngại hơn cả bởi thời gian 1 clip của tiktok rất ngắn. Điều này dấy lên lo lắng nếu nghiện TikTok thì sẽ giảm khả năng tập trung trong cuộc sống vì bộ não đã quen với việc thỏa mãn chỉ trong vài chục giây, thời gian này là quá ít so với 1 hoạt động bình thường của cuộc sống. Điều này gây nguy hại cho người tham gia nói chung, đặc biệt đối với trẻ nhỏ", chuyên gia Trần Thanh Nam nêu ý kiến.
Cơ quan chức năng điểm danh những sai phạm của TikTok tại Việt Nam
Tại họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT chiều 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng. Trước đây, nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị, cùng với đó là các nội dung độc hại, rất ảnh hưởng đến trẻ em phát triển mạnh mẽ, tạo thành trào lưu.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Cục PTTH&TTĐT chỉ ra rõ 6 sai phạm lớn của Tiktok tại Việt Nam, trong đó là không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Vậy, TikTok đã áp dụng thuật toán thế nào để có thể "gây nghiện"? Cơ quan chức năng có giải được thuật toán này để có giải pháp quản lý?./.