Tại các nhóm, các diễn đàn dành cho phụ huynh có con học lớp 9 năm nay, ngoài việc chia sẻ các thông tin về chọn trường, việc học tập, thi cử của các con thì các cha mẹ còn chia sẻ việc đi chùa cầu may. Các phụ huynh cho biết, một năm học các con đã rất nỗ lực, cố gắng, chỉ mong các con có thêm một chút may mắn để các con đạt được ước mơ, mục tiêu của mình.
Gần đến ngày thi, nhiều người đi chùa Đậu để cầu may mắn trong thi cử cho con, cháu
Có con năm nay thi vào trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, trường có tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, chị Nguyễn Thu Phương (Ngô Thì Nhậm, Q.Hà Đông, Hà Nội) áp lực hơn cả con. Từ sáng sớm nay, chị Phương rủ con gái đi lễ chùa Đậu (huyện Thường Tín, Hà Nội) để xin cho con được may mắn trong thi cử. "Chùa rất đông các phụ huynh có con năm nay thi. Theo các phụ huynh mách, ngoài lễ hoa, quả, tôi còn chuẩn bị thêm đồ dùng học tập của con như bút bi, bút chì, thước kẻ… để dâng lễ. Lễ xong, những đồ dùng học tập ấy sẽ đưa con hôm đi thi để con được may mắn", chị Phương chia sẻ.
Lễ ở chùa Đậu còn có thêm đồ dùng học tập như bút chì, bút bi, thước kẻ...
Không chỉ gần ngày thi mới đi chùa, từ đầu năm đến giờ, cứ mùng 1 hàng tháng, chị Hoàng Minh Hồng (phố Võ Thị Sáu, Hà Nội) lại đi lễ cho con. Chị Hồng cho biết, những lần chuyển cấp trước đây, con trai chị khá "trắc trở". Chính vì vậy, lần chuyển cấp quan trọng này (thi vào lớp 10 THPT công lập), chị Hồng không thể không cẩn thận cho con. "Tôi biết, kiến thức phải ở trong đầu con thì con mới có thể làm bài tốt. Thế nhưng, chỉ vì một chút không may mắn, chỉ vì một chút sơ sểnh mà con mất 0,25 điểm, con có thể sẽ mất cơ hội đỗ vào trường top đầu đúng theo NV1 của con. Tôi tìm đến chùa như một điểm tựa tâm linh, ở đó tôi có niềm tin, hy vọng khi con trong "cuộc chiến" giành một vé vào trường công lập", chị Hồng cho biết.
Đi chùa ở gần nhà chưa đủ, chị Bùi Yến Nhi (đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội) vừa phải về Nam Định để đi cầu việc thi cử cho con ở đền Trần Thủ Độ. "Tôi dự tính khi nào có số báo danh, phòng thi, địa điểm thi thì nhờ thầy khấn cho con đầy đủ. Thế nhưng, do tuần sau có việc nên tôi về từ tuần này. Tôi khấn trước và cũng nhờ thầy sẽ khấn tiếp cho con khi con nhận được giấy báo thi từ nhà trường. Việc thi cử của con không thể chủ quan, lơ là được. Là cha mẹ, tôi chỉ biết làm mọi thứ tốt nhất cho con. Điều đó mang lại sự yên tâm, đỡ lo lắng hơn cho tôi".
Nhiều sĩ tử cầu xin sự may mắn để có thể vượt vũ môn suôn sẻ
Việc thi cử của các con, không chỉ có bố mẹ mà nhiều thầy cô giáo cũng đi chùa để cầu xin sự may mắn cho các con. Một giáo viên THCS ở Nam Định cho biết, ngoài việc ôn luyện cho các con thật kỹ, dặn dò các con cẩn thận trong thi cử thì chị cùng ban phụ huynh còn đi chùa để cầu may mắn cho học sinh cả lớp. "Năm nào, tôi cũng nhờ thầy làm sớ, trong đó ghi đầy đủ thông tin của các con, để khấn cho các con. Tôi chỉ mong các con có thêm chút may mắn để đỗ được ngôi trường đúng mơ ước của các con".
Tự tin vào sức học của con nên chị Đặng Hồng Anh (phố Giảng Võ, Hà Nội) thấy không nhất thiết phải đi chùa cầu may. Nhưng chị Hồng Anh cho biết, trước kỳ thi quan trọng của con gái chị, mẹ chị đã dẫn cháu ngoại đi cầu khấn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. "Bà rất cẩn thận trong mỗi kỳ thi của các con, các cháu. Bà nói, việc cầu cho cháu bình tĩnh, tự tin trong suốt quá trình làm bài rất quan trọng. Cháu học tốt nhưng trong ngày thi nếu tâm lý cháu không vững vàng thì sẽ dẫn đến điều đáng tiếc".
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi được nhiều phụ huynh, sĩ tử đến cầu may khi ngày thi sắp đến
Những ngày này, tâm lý của các sĩ rất căng thẳng nhưng tâm lý của những người làm cha, làm mẹ cũng căng thẳng không kém. Việc đến chùa, đền để cầu may cho con trong thi cử như một liệu pháp tâm lý mà nhiều cha mẹ đang tìm đến khi kỳ thi quan trọng của con đang đến rất gần. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn trong thi cử là các con cần nắm vững kiến thức và có tâm lý thật thoải mái, bình tĩnh, tự tin.