Vào tháng Tư vừa qua, một trường tiểu học ở Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng khi các hình ảnh cho thấy họ đang triển khai một phương pháp giám sát học tập mới bằng công nghệ. Các học sinh sẽ đeo trên đầu một chiếc vòng đeo theo dõi sóng não, từ đó giáo viên có thể nhận ra học sinh có đang tập trung vào bài giảng hay không.
Chiếc vòng đeo đầu này có tên Focus1, hay Fu Si, một sản phẩm của hãng BrainCo tại Mỹ. Công ty tuyên bố, thiết bị của họ có thể nhận ra mức độ tập trung của học sinh thông qua các điện cực để nhận ra hoạt động trong não học sinh và gửi dữ liệu về máy tính giáo viên hoặc ứng dụng trên di động. Hiện sản phẩm này được bán lẻ qua các trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc với mức giá từ 450 USD cho đến 2.000 USD.
Đèn báo màu xanh nghĩa là không tập trung, màu vàng là tập trung, còn màu đỏ là cực kỳ tập trung.
Mặc dù quan tâm đến việc học hành của con cái, nhưng rõ ràng sản phẩm này không phải là điều các phụ huynh Trung Quốc mong muốn.
Một người dùng Weibo tên Danlan Xiaoxiong đã giận dữ khi bình luận về sản phẩm này trong bài đăng về mức giá và khả năng cung cấp sản phẩm. "Những đứa bé nhà tôi là con người, không phải là con vật, chúng không cần được "chăn nuôi" kiểu như thế này."
Một người dùng khác, sdjnmxh, viết: "Ai cho hai trường này quyền được sử dụng học sinh như những con thỏ để thí nghiệm cái vòng đeo đầu kia? Tôi cũng có mấy sản phẩm muốn tự tiện thử nghiệm với học sinh đây, nhà trường có đồng ý không?"
Han Bicheng, nhà sáng lập của BrainCo.
Sự phản đối gay gắt với sản phẩm này còn như được đổ thêm dầu vào lửa sau khi truyền thông Trung Quốc trích dẫn một báo cáo từ Wall Street Journal cho biết về trải nghiệm của học sinh sau khi sử dụng vòng đeo đầu này.
Những lời chỉ trích bùng phát gay gắt đến mức trường học trong câu chuyện này, trường Jinhua Xiaoshun Primary School, đã bị chính quyền địa phương ra lệnh dừng việc sử dụng thiết bị vào ngày 31 tháng Mười vừa qua. Trước đó, báo cáo cho biết, ngôi trường này đã được công ty BrainCo tặng 50 chiếc vòng đeo đầu như vậy vào năm ngoái.
Hashtag liên quan đến việc dừng sử dụng thiết bị này đã trở thành trào lưu trên Weibo từ cuối tuần trước và bài đăng liên quan đến chủ đề này đã thu hút hơn 77 triệu lượt người xem vào thứ Hai vừa qua.
Trung Quốc đang là một trong các quốc gia tích cực áp dụng các biện pháp giám sát bằng sinh trắc học, như nhận diện gương mặt. Từ chỗ được áp dụng vào theo dõi người vi phạm luật pháp, giờ đây nó đã được mở rộng sang cả giám sát việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay xác thực số điện thoại. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy, việc áp dụng các công nghệ này một cách quá đại trà vào cả những lĩnh vực riêng tư đang gây ra phản ứng.
Mới đây một giáo sư tại Hàng Châu đã khởi kiện một công viên khi buộc khách thăm quan phải quét gương mặt để vào bên trong. Ông cho rằng, điều này vi phạm quyền của người tiêu dùng và một tòa án đã đồng ý thụ lý vụ án này.
Nhiều người dân trong một khu chung cư tại Thượng Hải đã phàn nàn trên mạng xã hội Trung Quốc về việc bí mật lắp đặt các hệ thống nhận diện gương mặt trong thang máy, dù rằng việc này nằm trong một chương trình do cảnh sát khu vực ủng hộ.
Tham khảo Quartz