Anh Lê Tuấn có con hiện đang học lớp 1 Trường tiểu học Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ với VTC News, con anh học bài “Thằng Bờm” đọc câu cuối “Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười” khiến anh hoang mang vì không thể hiểu “hòn xôi” là gì.
Kèm với câu hỏi là bức hình chụp nguyên văn bài đồng dao “Thằng Bờm” có hình minh họa Bờm vui vẻ đưa hai tay cầm lấy nắm xôi của phú ông.
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Đoàn Minh Q., hiện đang giảng dạy một trường THPT tại Quận 3, TP.HCM chia sẻ: Bài đồng dao “Thằng Bờm” thuộc mảng văn học dân gian, có thể có thêm dị bản “hòn xôi” từ “nắm xôi”. Tuy nhiên, trong giao tiếp người ta thường nói “hòn bi”, “hòn đá”, “hòn than”... chứ không ai nói “hòn xôi” cả. Có lẽ người biên soạn đã căn cứ vào sự tương đồng dị bản để viết thành “hòn xôi” (?).
“Cách nói “hòn xôi” được đưa vào sách giáo khoa là chưa chuẩn từ vựng”, thạc sĩ Q., khẳng định.
Phụ huynh không hiểu "hòn xôi" là hòn gì.
Thạc sĩ ngôn Ngữ học P.T.H., giảng dạy một trường THPT trên địa bàn Quận Bình Tân, TP.HCM phân tích từ “hòn” và “nắm” như sau:
Theo từ điển tiếng Việt, “hòn” (danh từ) là “từ dùng để chỉ từng đơn vị những vật nhỏ, gọn, thường có hình tròn”. Ví dụ: hòn bi, hòn than, hòn đất ném đi, hòn chì ném lại… Đồng nghĩa với “hòn” là “viên”.
“Hòn” cũng là “từ dùng để chỉ từng đơn vị những núi, đảo đứng riêng một mình”. Ví dụ: hòn đảo, hòn núi... Còn “nắm” là động từ, có nét nghĩa thứ nhất “co các ngón tay vào lòng bàn tay và giữ chặt lại cho thành một khối”. Ví dụ: nắm tay lại, bàn tay xoè ra nắm vào...
Nét nghĩa thứ hai là “bóp chặt lại trong lòng bàn tay cho nén thành khối nhỏ”. Ví dụ: cơm nắm muối vừng, than nắm thành từng bánh… Đồng nghĩa với nắm là “vắt”.
Nét nghĩa thứ ba “giữ chặt trong lòng bàn tay”. Ví dụ: nắm chặt sợi dây, nắm tay kéo đi…
Qua cách định nghĩa từ “hòn” và “nắm” theo từ điển tiếng Việt, có thể khẳng định rằng, người Việt nói “nắm xôi” chứ không ai nói “hòn xôi”.
“Nắm xôi” đã đi vào cảm thức ngôn ngữ từ ngàn đời nay của người Việt. Sử dụng từ “hòn xôi” không những làm cho cách hiểu nghĩa từ vựng bị sai lạc mà còn mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, Thạc sĩ H. nêu quan điểm.