Chọn trường cho con chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Cứ đến thời điểm chuyển giao cấp học của con là họ như "ngồi trên đống lửa", lo lắng không yên. Nhiều phụ huynh chia sẻ, trẻ con có khi hồn nhiên; biết đến đâu, hay đến đấy. Còn phụ huynh mới là người "bạc mặt" khi phải tính toán chi li, phân tích thiệt hơn trong chuyện chọn trường.
Và hàng loạt chuyện "dở khóc dở cười" xoay quanh việc chọn trường cho con xuất hiện. Ngoài những tiêu chí cơ bản nằm trong tầm ngắm của các bậc phụ huynh như: Tài chính gia đình, phương pháp giáo dục, môi trường học tập, định hướng tương lai,… thì cũng có những tiêu chí "giời ơi đất hỡi" khiến nhiều người "tròn xoe mắt". Tất nhiên chẳng có công thức chung nào, họ chỉ chọn lựa sao cho phù hợp với điều kiện gia đình, năng lực của con. Và trên tất cả, họ đều mong con sẽ phát triển toàn diện, luôn hạnh phúc giữa cuộc đời.
Nếu như khoảng 10 năm trước đây, nhiều phụ huynh có cái nhìn dè chừng, thậm chí là gạch thẳng tên nhóm trường tư thục/quốc tế khi chọn lựa trường cho con thì thế hệ phụ huynh sau này đã có những góc nhìn mới mẻ và tích cực hơn. Vấn đề nào cũng tồn tại song song lợi và hại, tích cực và tiêu cực. Nhưng quan trọng nhất vẫn là mức độ phù hợp với điều kiện mỗi gia đình.
Trường công hay trường tư; trường Việt Nam hay trường quốc tế, hãy cùng xem phụ huynh thế hệ 7x, 8x, 9x chọn trường cho con như thế nào nhé! Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, mỗi người lại có một cách lựa chọn dựa trên những tiêu chí khác nhau.
Con đến tuổi đi học hay chuyển cấp, phụ huynh lại "đau đầu" trước vấn đề chọn trường, chọn lớp.
"ĂN CHẮC MẶC BỀN, CỨ TRƯỜNG CÔNG MÀ CHỌN CHO AN TOÀN. VẬY MÀ ĐÔI KHI THẤY ‘CON NHÀ NGƯỜI TA’ NÓI TIẾNG ANH NHƯ GIÓ MÀ… THÈM"
Đối với đa số các ông bố bà mẹ 7x, đầu 8x thì không gì khôn ngoan bằng việc cho con học nhóm trường công lập. Họ liệt kê hàng loạt những những tiêu chí "đẹp" bằng thái độ hào hứng: Học phí thấp, môi trường chuyên nghiệp, chất lượng giáo dục cao, kỷ luật nghiêm khắc,… Với họ, học trường công là lựa chọn hàng đầu, mọi thứ hạng khác không cần quan tâm tới. Nghe có vẻ tiêu cực và phiến diện nhưng nhiều phụ huynh thế hệ này có sự đánh giá không tốt đối với nhóm trường tư thục/dân lập/quốc tế.
Như chị Hải Yến (48 tuổi), quận Long Biên, Hà Nội có 2 con gái đều từng học tại trường công lập. Hiện con gái lớn của chị đã học lên Đại học, còn con gái thứ 2 học tại một trường cấp 3 công lập gần nhà. Chị Hải Yến chia sẻ, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình hoàn toàn có thể trang trải chi phí học tập cho con ở nhóm trường tư thục/quốc tế. Nhưng nhóm trường này không bao giờ nằm trong sự lựa chọn của chị. Vì vậy mà mỗi lần con thi chuyển cấp, cả nhà như "ngồi trên đống lửa", áp lực nhất là những đứa trẻ. Chị Yến gọi đây là một cuộc chiến, bằng mọi giá phải "sống mái" trúng tuyển vào công lập.
Cùng suy nghĩ với chị Hải Yến, chị Diệu Thuý (42 tuổi), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng quyết định cho 2 con học trường công lập từ nhỏ đến lớn. Lý do hàng đầu vì điều kiện kinh tế không cho phép nên chị chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ cho con học nhóm "trường đại gia". Ở trường công, chị Diệu Thúy đánh giá học phí "dễ thở". Hơn thế mục tiêu gia đình chị chỉ cho con học Đại học trong nước.
Chị Diệu Thúy cho 2 con học tại trường công lập vì định hướng các con sẽ học Đại học trong nước.
Sau một quá trình dài đồng hành cùng con, chị Diệu Thúy đánh giá trường công tuy cơ sở vật chất không tốt bằng nhưng chị "kết" nhất ở điểm học sinh học đồng đều các môn. "Ngoại trừ 3 môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ưu tiên hơn một chút thì các môn còn lại vẫn được chú trọng. Muốn đạt điểm cao, học sinh cần học tập nghiêm túc. Điều này rất hữu ích cho cuộc sống sau này bởi các con sẽ có kiến thức toàn diện. Còn ở một số trường tư thục/dân lập, học sinh được lựa chọn môn học yêu thích, điều này có thể dẫn đến tình trạng học lệch", chị Diệu Thúy cho biết.
Coi trọng các môn học như nhau, giáo viên nhiệt tình, sẵn sàng đổi mới phương pháp, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vừa qua là những điểm cộng mà chị Diệu Thúy hài lòng. Tuy nhiên, điều khiến chị lăn tăn nhất là sĩ số học sinh trong một lớp thường rất đông. Điều này dẫn đến việc giáo viên không bao quát hết được học sinh, không sát sao kịp thời. Nếu bố mẹ không thường xuyên trao đổi tình hình học tập của con với giáo viên thì rất có thể trẻ sẽ chểnh mảng, xao nhãng.
Chốt lại, khi được hỏi về việc muốn học nhóm trường tư thục/quốc tế không, chị Diệu Thúy vẫn còn nhiều lăn tăn. "Thú thật, nhìn các bạn ‘trường đại gia’ bắn Tiếng Anh mà… thèm. Học trường công thì chắc chắn khả năng ngôn ngữ Anh không bằng được. Mà trong thời đại hội nhập toàn cầu như hiện nay, Tiếng Anh là chìa khóa vạn năng, mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp. Nếu kinh tế gia đình chị khá giả hơn, chị sẽ nghĩ đến phương án cho con học trường tư thục/quốc tế", chị Diệu Thúy tâm sự.
NGƯỜI CHỌN TRƯỜNG TƯ CHỈ VÌ… LỚP SĨ SỐ ÍT; NGƯỜI MUỐN CON VƯỢT TRỘI NGOẠI NGỮ
Nếu phụ huynh nọ có 1001 lý do để chọn nhóm trường công lập thì phụ huynh khác cũng có cả vạn lý do để khen nhóm trường tư thục/ quốc tế hết nấc. Con đỡ áp lực học tập, con "bắn" Tiếng Anh cực đỉnh, kỹ năng mềm phát triển tốt,… là những điểm tích cực mà nhiều phụ huynh đưa ra khi nhắc đến nhóm "trường đại gia". Ngoài ra, có những lý do rất nhỏ nhặt, nghe có phần lạ lùng khiến nhiều người "mắt chữ A, mồm chữ O". Như vị phụ huynh này lại cho con học trường tư chỉ vì…. sĩ số thấp, lớp ít bạn.
Chị Nguyễn Thu Vân (44 tuổi), quận Hoàng Mai, Hà Nội có quyết định táo bạo khi chuyển cả 2 con vào học tại trường tư A. trong giai đoạn chuẩn bị chuyển cấp. Chị Thu Vân chia sẻ, thời điểm đó, con gái lớn của chị mới học hết lớp 4, còn con trai út học xong lớp 1. Nhiều người khuyên ngăn chị nên để các con học hết cấp 1 rồi mới thay đổi môi trường học tập. Nhưng chị vẫn quyết tâm cho con vào trường A. bởi cả 3 mẹ con đều quá mê trường sau vài buổi đi tham quan và trải nghiệm phương pháp giáo dục.
Điều chị Thu Vân ưng nhất là sĩ số lớp học ít. Nếu như ở trường công, con chị học tại một lớp có 60 bạn thì trong trường A., số học sinh chỉ khoảng 30 bạn/lớp. Như vậy, trẻ sẽ được giáo viên quan tâm nhiều hơn trong quá trình học tập cũng như các hoạt động khác. Đối với trường công, do học sinh quá đông dẫn đến việc giáo viên không thể sát sao bằng.
Chị Thu Vân chia sẻ: "Đối với chị, sĩ số lớp học ít là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Còn vị trí địa lý không quan trọng vì bố mẹ làm xa có thể chuyển công việc về gần hay chuyển nhà, hoặc họ cố gắng dậy sớm đưa đón con. Giữa việc chọn học phí 3 triệu cho 60 bạn/lớp với học phí 4,5 triệu cho 30 bạn/lớp thì chị vẫn sẽ chọn phương án 2 bởi rất xứng đáng".
Đã cho con vào trường quốc tế, trường tư thục thì vẫn chung một mục đích: Giảm tải học, nâng cao kỹ năng sống, phát triển thế mạnh bản thân. Mỗi nhà sẽ theo đuổi một mục tiêu riêng, từ đó để đưa ra lựa chọn phù hợp. Điểm thứ hai chị thích trường tư thục bởi khi học tại đây, con thường phát triển Tiếng Anh rất tốt. Đây chính là môi trường lý tưởng để con cải thiện khả năng ngôn ngữ. Đến giờ, chị Thu Vân nhận thấy con vượt trội Tiếng Anh hơn so với nhiều bạn học ở trường công lập.
Chị Thu Vân đã đưa ra quyết định táo bạo trong giai đoạn nhạy cảm của con.
Cũng như chị Thu Vân, chị Trần Hà (50 tuổi), huyện Tam Nông, Phú Thọ đều có 2 con gái học ở trường Đại học FPT – một ngôi trường tư thục có tiếng về đào tạo khối ngành Công nghệ thông tin, Kinh doanh, Kinh tế. Sau khi con gái đầu tốt nghiệp Đại học, chị cho con gái thứ 2 nối gót chị vào học tại đây. Dù chi phí nuôi con ăn học tương đối cao nhưng chị hài lòng vì Tiếng Anh của con được cải thiện rõ rệt.
Chị Trần Hà tâm sự: "Không như những trường công lập sẽ học 2 năm cho các môn đại cương, sang năm 3 mới phân chuyên ngành rồi bắt đầu học Tiếng Anh. Ở Đại học FPT, ngay từ năm đầu tiên, học sinh đã được học Tiếng Anh gồm 2 chương trình: Tiếng Anh dự bị và Tiếng Anh chuyên ngành. Toàn bộ giáo trình các môn học cũng đều bằng ngôn ngữ Anh. Khi tốt nghiệp Đại học, chất lượng 8 kỳ Tiếng Anh tương ứng với Chứng chỉ IELTS 6.5.
Trong giao tiếp thông thường, sinh viên cũng phải sử dụng ngôn ngữ Anh. Nếu giáo viên phát hiện sinh viên trò chuyện bằng Tiếng Việt, sinh viên có thể bị phạt. Chính những quy định nghiêm khắc đã tạo ra một môi trường học tập ngoại ngữ tốt. Con chị từ một học sinh vùng nông thôn, khả năng nói Tiếng Anh ở con số 0 thì đến nay, sau một năm học tập, con đã tiến bộ rất nhiều".
CHUYỂN TRƯỜNG CHO CON ĐẾN… CHÓNG MẶT THEO MỖI GIAI ĐOẠN
Thông thường, khi quyết định chọn trường cho con, các bậc phụ huynh thường đánh giá trên nhiều tiêu chí. Và điều tối kỵ của họ là không chuyển đi chuyển lại giữa nhóm trường công và nhóm trường tư, gây nên sự xáo trộn đến tâm lý trẻ.
Quyết định là vậy nhưng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", cuối cùng nhiều bậc phụ huynh vẫn đưa ra những lý do chuyển trường cho con đến không ngờ. Người không gánh nổi học phí, người chưa vừa lòng trước phương pháp giảng dạy, đặc biệt có gia đình chuyển trường cho con theo… từng giai đoạn. Nghe có vẻ lạ nhưng đây là suy nghĩ của không ít phụ huynh.
Chị Nguyễn Hà Thủy (TP. Hải Phòng) có con đang học tại trường THCS Ngô Quyền. Quá trình chọn trường lớp cho con của chị Hà Thủy khá nan giải với 3 lần chuyển trường. Từ lớp 1 – 3, con chị học tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Đây là một ngôi trường công lập có tiếng và chị Hà Thủy cảm thấy chất lượng đào tạo tốt. Tuy nhiên, chị vẫn quyết định chuyển con sang một trường tư thục sau khi con học hết chương trình lớp 3.
Chị Hà Thủy chia sẻ: "Mặc dù chất lượng giảng dạy ở trường công lập tốt nhưng môi trường là điều khiến chị chưa hài lòng. Vì thế, chị quyết định mang đến cho con một môi trường năng động, sáng tạo, thoải mái hơn. Chị thấy môi trường học tập ở trường công có phần cứng nhắc, phải theo yêu cầu, khuôn mẫu khiến sự phát triển của con bị hạn chế".
Chị Hà Thủy nhận xét cơ sở vật chất ở trường tư tốt hơn hẳn so với trường công. Ngoài ra, con còn được học nhiều môn thú vị như: Đọc sách tạo thói quen tốt, Tin học, Giáo dục thể chất với nhiều bộ môn hấp dẫn,… "Ở trường công, Tin học và Giáo dục thể chất là 2 môn học ít được chú trọng, trong khi trẻ học cấp 1 lại rất yêu thích các bộ môn này", chị Hà Thủy chia sẻ.
Dành nhiều lời khen cho trường tư như vậy nhưng đến khi con tốt nghiệp bậc Tiểu học, chị Hà Thủy đã quyết định chuyển con sang trường công lập. Đội ngũ giáo viên bất ổn là điều khiến chị không hài lòng. Chị cho biết, đến tháng 9 các con sẽ đi học thì ít nhất tháng 7, tháng 8, phụ huynh phải nắm được danh sách giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn quan trọng như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Nhưng nhà trường đã không sát sao đến việc này khiến nhiều phụ huynh mất lòng tin.
"Ở bậc Tiểu học, chị nghĩ nếu gia đình điều kiện tốt nên cho con học ở nhóm trường tư để con có tuổi thơ, có nhiều trải nghiệm thú vị. Nhưng khi con lớn hơn, bước sang cấp 2 thì nên chuyển sang trường công để tập trung học tập, phát triển năng lực. Tất nhiên khi sang trường công, con chị bị sốc tâm lý nhưng chị đã chuẩn bị từ trước và có phương pháp giúp con sớm thích nghi", chị Hà Thủy bày tỏ.
Cùng quan điểm với chị Hà Thủy, chị Vân Anh, 32 tuổi (TP. Hải Phòng) cũng quyết định cho cả 3 con gồm: 2 bé sinh đôi 5 tuổi và 1 bé 3 tuổi học tại một trường tư thục nổi tiếng. Các con của chị Vân Anh đều đang học cấp Mầm non và chị xác định cho con học đến hết cấp 1. Khi sang cấp 2, chị sẽ chuyển con sang nhóm trường công lập.
Chị Vân Anh xác định sẽ cho 3 con học tại trường tư đến hết cấp 1
Chia sẻ về quyết định này, chị Vân Anh cho biết: "Mỗi hệ thống giáo dục có ưu nhược điểm riêng. Tôi không thần thánh hóa nhóm trường nào. Theo tôi, nuôi dạy một đứa trẻ trong môi trường lý tưởng như trường tư cũng là một nhược điểm. Ở trường tư, mọi người đều đối xử chu đáo với con. Ngay đến bảo vệ cũng nhẹ nhàng, tận tình hết mực. Đồ chơi của con để tại trường, tại lớp không bao giờ mất.
Tuy nhiên, môi trường quá lý tưởng khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu sau này, khi ra ngoài xã hội, con sẽ đối mặt như thế nào? Cuộc sống có người này, người kia, có nhiều tình huống khó khăn xảy ra và con không thể sống mãi trong sự bao bọc như ở trường tư được. Vì thế, chị quyết định cho con học cấp Mẫu giáo và Tiểu học ở trường tư. Đây là 2 giai đoạn con cần có tuổi thơ tươi đẹp, cần được vui đùa và trải nghiệm nhiều thứ.
Đến giai đoạn cấp 2, cấp 3, chị nghĩ con cần phải rèn luyện thông qua việc học tập, qua các kỳ thi và vô vàn những hoạt động khác. Có thể con gặp khó khăn, thách thức, thậm chí là thất bại nhưng đây mới là điều giúp con trở nên bản lĩnh, kiên cường. Chứ quyền học sinh ở trường tư nhiều và lớn quá, dẫn đến các con không đủ áp lực, không nhiều thử thách. Điều này khiến những đứa trẻ gặp hạn chế về kỹ năng sống sau này".
Hiện tại, chị Vân Anh đóng tiền học là 240 triệu đồng/năm cho 3 con. Mức học phí khá cao nhưng chị không hề lăn tăn suy nghĩ. Bởi với chị, đầu tư cho học tập sẽ không bao giờ lỗ. Các con của chị Vân Anh tuy còn nhỏ tuổi nhưng được sự giáo dục cẩn thận, chỉn chu của ngôi trường tư đang theo học nên đã bộc lộ cách ứng xử lịch sự, văn minh.
Chị hạnh phúc cho biết, khi trời mưa, con chị biết cất giầy dép cho mọi người để không bị ướt. Khi đến nơi đông người, con biết xếp hàng chờ đến lượt, biết hỏi đường người khác, nói năng nhỏ nhẹ,… Hay con luôn nói "cảm ơn" với người đã giúp mình và "xin lỗi" khi mình làm sai. Đây đều là những hành động nhỏ nhưng thể hiện sự tinh tế trong phương pháp giáo dục của của ngôi trường tư mà các con chị đang theo học.
"Giáo dục cũng giống như việc xây nhà vậy. Khi mới xây, chúng ta thấy móng nhà nào cũng giống nhau. Nhưng càng xây lên cao thì mới nhận ra sự khác biệt", chị Vân Anh trải lòng.
ĐIỀU QUYẾT ĐỊNH LÀ NĂNG LỰC CÁ NHÂN CHỨ KHÔNG PHẢI HỌC Ở TRƯỜNG TƯ HAY TRƯỜNG CÔNG
Cuộc chiến chọn trường cho con có lẽ chẳng bao giờ đi đến hồi kết. Mỗi phụ huynh có một suy nghĩ, quan điểm khác nhau nên tất nhiên sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực của con, cũng như hoàn cảnh gia đình. Và cuối cùng, điều họ hướng đến là chất lượng giáo dục. Vậy "cơ hội nghề nghiệp của nhóm trường công hay nhóm trường tư thục/dân lập/quốc tế rộng mở hơn?".
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra những nhận định sâu sắc. Ông Thành Nam cho biết, chương trình giáo dục phổ thông đã được chuẩn hoá, tích hợp tất cả năng lực của công dân thế kỷ XXI. Vì vậy, dù học nhóm trường công lập hay nhóm trường tư thục, học sinh cũng phải đáp ứng những yêu cầu đã đặt ra.
GS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Về nhóm trường công, quỹ thời gian khá eo hẹp nên đôi khi giáo viên chưa truyền đạt được hết kiến thức và tạo nhiều hoạt động lý thú cho học sinh. Vì vậy, để hình thành năng lực đầy đủ, cần sự phối hợp khăng khít giữa gia đình và nhà trường. Khi nhóm trường công không đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh về chương trình cũng như môi trường học tập thì nhóm trường tư sẽ ngày càng phát triển. Ngoài những chương trình do Bộ GD&ĐT đưa ra, để thu hút người học, nhóm trường tư không ngừng đưa tính cá nhân hóa vào phương thức giáo dục. Chẳng hạn, nhóm trường này tập trung phát triển năng lực Ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin, hoạt động trải nghiệm,… Qua đấy, học sinh có cơ hội được học theo những gì bản thân mong muốn và có trải nghiệm thú vị.
GS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: "Hai nhóm trường trên có 2 cách tiếp cận khác nhau. Trường tư tiếp cận đến từng gia đình. Họ phải chứng minh được khả năng và tính cạnh tranh của chương trình giáo dục đó. Chỉ giáo dục ở nhóm trường tư mới có nhiều loại hình sáng tạo như: Giáo dục trường đồi, giáo dục khai phóng, giáo dục trải nghiệm,... Đặc biệt, trường tư thục thường tận lực hơn trong việc giáo dục cá nhân hoá cho trẻ.
Còn ở nhóm trường công, chương trình giáo dục phổ cập cho nhiều người vì số lượng học sinh đông, không thể cá nhân hoá. Họ ít vận động, ít cải tiến. Chính vì vậy, nhiều gia đình có điều kiện vừa phải nhưng vẫn mong muốn con em mình được hưởng nền giáo dục tốt hơn nên mới tìm đến các trường tư.
Bên cạnh đó, ngày nay, tính cạnh tranh tại các thành phố lớn rất cao. Số lượng tuyển sinh ở trường công lại ít nên phụ huynh bắt buộc phải rẽ hướng chọn trường tư cho con. Xét về mặt phục vụ, phụ huynh có con học nhóm trường này đều cảm thấy hài lòng hơn nhóm trường công. Bởi đây đúng là phục vụ khách hàng. Hệ thống trường công tồn tại nhiều hạn chế về thủ tục hành chính, văn hóa dẫn đến khâu phục vụ chưa tốt".
Tuy nhiên, GS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm, xét cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải cơ sở vật chất, môi trường hay thái độ đón tiếp phụ huynh. Điều quan trọng và cấp thiết nhất vẫn là năng lực riêng của mỗi học sinh. Nhóm trường công và nhóm trường tư ngang nhau về mặt chất lượng bởi phải đảm bảo đầu ra cho học sinh. Điều tối thiểu cần đạt được những yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục đào tạo do Bộ GD&ĐT quy định.
Vì vậy, dù chọn trường nào, phụ huynh cần đóng vai trò chính giúp con phát triển tối đa năng lực. Nhiều phụ huynh đưa con vào trường tư rồi phó mặc cho thầy cô, không quan tâm, cũng không tham gia các hoạt động của con. Đây là lỗi sai tai hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Dù học ở nhóm truờng nào, cha mẹ cũng cần là người đồng hành giúp con phát huy năng lực của công dân thế kỷ XXI: Năng động, sáng tạo, tự tin khám phá. Ngoài ra, người thầy cô là một nhân tố quan trọng. Nếu giáo viên là người có tâm, có năng lực, có chuyên môn sẽ khuyến khích đứa trẻ phát triển vượt bậc.
Trường tư mọc lên nhiều tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM,… Nhiều chuyên gia dự báo, trong một vài năm nữa, có thể việc cho con học nhóm trường tư sẽ trở thành xu hướng, trào lưu. Trong khi đó, nhóm trường công lập đang tiến tới tăng mức học phí để tự chủ, nhằm cung cấp chất lượng giáo dục tốt hơn. Đến khi nào học phí trường công lập và tư thục không chênh nhau nhiều, chúng ta sẽ thấy sự cạnh tranh công bằng rõ rệt. Nhưng để đạt được điều đó, trong thời gian tới, nhóm trường tư phải nỗ lực phát triển, đổi mới hình thức.
Về cơ hội nghề nghiệp, ông Thành Nam đánh giá nhóm trường công lập và nhóm trường tư thục là như nhau. Không có quy định nào đưa ra trường tư hơn trường công hay trường công nhỉnh hơn so với trường tư. Điều cốt lõi vẫn là năng lực học sinh. Để đạt tới thành công thì năng lực quan trọng là khả năng tự học.
GS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: "Về trường tư, nhiều người đánh giá đây là nhóm trường ‘nhà giàu học dốt’. Còn ở trường công, họ hình dung trong lớp toàn những học sinh chăm ngoan, học hành chăm chỉ. Thực tế không phải vậy, cách đánh giá trên không chính xác và khá mơ hồ. Chưa có một nghiên cứu nào so sánh cơ hội nghề nghiệp của nhóm trường công lập và tư thục/quốc tế.
Chúng ta đang thấy nhiều học sinh nhóm trường công giỏi giang, thành đạt hơn bởi vì vẫn còn ít trường tư hoạt động. Chỉ khoảng thời gian gần đây mới nở rộ phong trào phụ huynh cho con học trường tư. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan, có rất nhiều học sinh ở nhóm trường tư sau khi tốt nghiệp đã đi du học, phát triển ngoại ngữ tốt và đóng góp nhiều cho đất nước".
Tạm gác lại những tranh cãi, GS.TS Trần Thành Nam khẳng định, điều quan trọng nhất cần tìm hiểu là triết lý ngôi trường và triết lý giáo dục phù hợp với giá trị mà gia đình muốn hướng tới. Điều thứ hai, cơ sở vật chất không quan trọng bằng chất lượng giáo dục và mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh. Phụ huynh phải đánh giá được quan điểm, tính cách của người thầy, người cô phụ trách lớp con mình.
"Trường nào cũng là trường tốt, kể cả trường công hay trường tư nếu trường đó tạo ra môi trường, điều kiện học tập để học sinh tự khám phá, thúc đẩy tính cá nhân hóa theo sở thích, mong muốn. Và chúng ta nên chọn lựa ngôi trường có nhiều Câu lạc bộ giúp trẻ phát triển kiến thức cùng kỹ năng như: Ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, đổi mới sáng tạo,… Cuối cùng, phụ huynh mới cân nhắc đến kinh phí, vị trí địa lý phù hợp với hoàn cảnh", Chuyên gia Giáo dục nhấn mạnh.