Thách thức lớn
Thông tin bất ngờ được báo Mỹ dẫn lời Trung tá Michael Pruden, Bộ tư lệnh Tích hợp và Phát triển Chiến đấu của Thủy quân lục chiến Mỹ, hôm 2/5 khi đề cập những thách thức nghiêm trọng quân đội Mỹ đang đối mặt trong nhận diện, phân biệt máy bay không người lái (UAV) địch - ta trên chiến trường.
"Thông tin đến từ Israel, đó là 40% số UAV bị họ bắn hạ là phi cơ đồng đội", ông nói trong phiên thảo luận tại triển lãm thường niên của Thủy quân lục chiến Mỹ ở thủ đô Washington.
Ông Pruden không cung cấp bối cảnh liên quan đến con số trên, như địa điểm và thời gian xảy ra các vụ bắn nhầm.
Tuy nhiên, ông ám chỉ rằng số liệu được thu thập dựa trên các hoạt động quân sự gần đây của Israel, trong đó có chiến dịch nhằm vào Dải Gaza từ tháng 10/2023 và nỗ lực đối phó đòn tập kích bằng UAV của những nhóm dân quân thân Iran.
Trung tá Michael Pruden nói: "Lực lượng Israel ở tiền tuyến sẽ làm gì nếu phát hiện một chiếc UAV cỡ nhỏ chưa rõ danh tính? Họ sẽ lập tức bắn hạ nó. Đây là phương án hành động tiêu chuẩn, bởi thời gian từ lúc phát hiện UAV đến khi nó bắt đầu tấn công có thể chỉ vài giây".
Israel đã và đang phải đối mặt với mối đe dọa của UAV từ lâu trước vụ Hamas tấn công lãnh thổ nước này hồi tháng 10/2023. Tel Aviv cũng nhiều lần thừa nhận đã phóng tên lửa bắn hạ UAV đồng đội.
Chuyên gia Joseph Trevithick trên tờ War Zone cho biết: "Lực lượng vũ trang Israel sở hữu một trong những mạng lưới phòng không đa tầng hiện đại hàng đầu thế giới. Tình trạng bắn nhầm đồng đội xảy ra thường xuyên với họ có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều lực lượng khác".
Vị chuyên gia này cho biết thêm, xác định danh tính, phân biệt địch - ta trên không đang trở thành thách thức lớn với quân đội Mỹ và đồng minh, trong bối cảnh UAV ngày càng phổ biến trên chiến trường, được nhiều nhóm vũ trang sử dụng và có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng cho mục tiêu giá trị cao.
Quân đội Mỹ cuối tháng 2 suýt mất một chiếc MQ-9 Reaper trị giá hơn 30 triệu USD trên Biển Đỏ, do tàu hộ vệ phòng không Hessen của Đức không xác định được lực lượng vận hành nó và quyết định phóng hai tên lửa SM-2 để diệt mục tiêu.
Rất may là sau khi phóng, cả hai quả tên lửa đều gặp trục trặc kỹ thuật và rơi xuống biển, cho phép chiếc MQ-9 trở về căn cứ an toàn.
Mạng lưới đa tầng
Bảo vệ Israel hiện nay là mạng lưới phòng thủ đa tầng. Lá chắn tầm xa nhất của Tel Aviv hiện nay là các tổ hợp tên lửa phòng không Arrow, được phát triển từ giữa thập niên 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran với tổng chi phí hàng tỷ USD.
Tối tân nhất trong số này là tổ hợp Arrow 3 do Tập đoàn IAI và Boeing của Mỹ phối hợp phát triển, được chế tạo từ năm 2017 và thực chiến lần đầu hồi cuối năm 2023. Hệ thống này được cho là có tầm bắn 2.400 km và hạ được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km, trước khi chúng bắt đầu lao xuống mục tiêu và trở nên khó đánh chặn hơn.
Đầu đạn Arrow 3 không sử dụng thuốc nổ, song có khả năng cơ động cao để đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng, kết hợp cảm biến quang học để tăng độ chính xác khi lao tới đích. Điều này cho phép Arrow 3 hạ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sinh học và hóa học mà không gây nguy hiểm cho mặt đất.
Phiên bản Arrow 2 cũ hơn được tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo ở pha cuối, khi mục tiêu đã trở lại khí quyển. Mỗi quả đạn có tầm bắn khoảng 90 km và độ cao tối đa 52 km, sử dụng đầu nổ phá mảnh để tăng tỷ lệ đánh trúng mục tiêu.
Tầng dưới Arrow là tổ hợp David's Sling do hãng Rafael của Israel và Raytheon hợp tác sản xuất, có khả năng bắn hạ tên lửa từ khoảng cách tối đa 300 km.
Mỗi khẩu đội David's Sling được trang bị 12 tên lửa Stunner, mỗi quả có giá khoảng một triệu USD, sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp thay vì mang đầu đạn chứa thuốc nổ.
Điểm đặc biệt nhất của Stunner là đầu dò đa kênh dùng trong pha tiếp cận mục tiêu. Phần đầu tên lửa có hình dạng giống mũi cá heo chứa cảm biến ảnh nhiệt, đầu dò quang - điện và đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Thiết kế này khiến đối phương rất khó đánh lừa quả đạn Stunner, đồng thời tăng khả năng diệt những mục tiêu khó bám bắt như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tàng hình.
Quân đội Israel từng vận hành 10 khẩu đội tên lửa phòng không MIM-104E, còn gọi là Patriot PAC-2/GEM+, được nâng cấp sâu và sở hữu những tính năng như phiên bản PAC-3 hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, các hệ thống này đang dần được thay thế bằng tổ hợp David's Sling.
Lớp cuối cùng trong lưới phòng không mặt đất của Israel là hệ thống Iron Dome được triển khai từ năm 2011, đóng nhiệm vụ quan trọng nhất khi đối đầu với các nhóm dân quân phi nhà nước như Hamas và Hezbollah.
Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Tuy nhiên, Iron Dome được tối ưu để đánh chặn những loại đạn cối, rocket không dẫn đường có tầm bắn ngắn và tốc độ thấp, không phù hợp để đối phó tên lửa đạn đạo và hành trình tầm xa.
Iron Dome cũng thường bị quá tải khi phải đối mặt với những đòn tập kích sử dụng lượng lớn rocket của đối phương. Đây cũng bị coi là vấn đề lớn phòng thủ Israel gặp phải mà chưa thể khắc phục.