Hiện nay, trình độ của các cuộc phỏng vấn đang ngày một trở nên khó khăn hơn. Quá nhiều sự lựa chọn đặt ra trước mắt khiến nhà tuyển dụng có cơ hội được sàng lọc ứng viên kỹ càng hơn cả về kỹ năng, phẩm chất, tư duy và tiềm lực phát triển sau này.
Bên cạnh đó, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ cũng giúp các ứng viên có điều kiện tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi bắt đầu tham gia vào mỗi cuộc phỏng vấn. Nếu doanh nghiệp không có biện pháp tuyển chọn tốt thì rất khó có thể nhìn nhận được trình độ thực sự của một người.
Đứng trước những thách thức và cơ hội đó, một số công ty tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu như Google, Apple… đã trở thành người tiên phong trong lĩnh vực phỏng vấn cực kỳ “loạn trí”. Để có được một vị trí trong các doanh nghiệp này, ứng viên phải trải qua một quá trình tuyển dụng khắc nghiệt cùng hàng loạt câu hỏi khó nhằn và đầy bất ngờ.
Ví dụ như là: “Nếu bạn có 2 quả trứng, bạn cần phải làm gì để tìm ra đâu là tầng lầu cao nhất có thể thả trứng xuống mà khiến nó không bị vỡ? Đâu là giải pháp tối ưu nhất?” Hoặc thậm chí là câu hỏi: “Có bao nhiêu đứa trẻ sinh ra mỗi ngày?”
Thậm chí, Google còn đưa ra câu hỏi: “Tại sao miệng cống lại có hình tròn?”. Đây là câu hỏi nổi tiếng được họ sử dụng trong một thời gian rất dài.
Và câu trả lời của nó có thể dễ dàng có được nếu ứng viên biết… lên Google để tìm kiếm. Mục đích câu hỏi đưa ra không phải để tìm câu trả lời thực sự, không phải vấn đề trả lời đúng hay sai, mà nó là một sự thử thách cho năng lực tư duy và trí sáng tạo của mỗi người.
Sự “đột phá” trong cách phỏng vấn của các tập đoàn này dường như đã đem tới một xu thế mới ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các công ty khác. Thay vì chỉ tập trung tìm hiểu về các kỹ năng, kiến thức chuyên môn, các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ giờ đây cũng bắt đầu đưa ra các câu hỏi mở trong quá trình tuyển dụng của họ.
Các câu hỏi mở được đưa ra trong tình huống bất ngờ, các ứng viên không được chuẩn bị trước, cũng không thể áp dụng những kiến thức mình đã tìm hiểu, vì vậy mới có thể bộc lộ tư duy và tiềm lực thực sự của chính mình.
Cách đây không lâu, một người đàn ông 25 tuổi họ Trịnh sau khi nghỉ việc tại công ty cũ đã đi tham gia phỏng vấn cho một tập đoàn IT lớn trong thành phố.
Trong buổi phỏng vấn hôm đó, anh Trịnh và rất nhiều ứng viên khác đã gặp khó khăn khi đứng trước câu hỏi mở do nhà tuyển dụng đưa ra: “Nếu chúng tôi cho các bạn mỗi người 5 quả cam, làm thế nào để chia số cam đó cho 6 người một cách hợp lý, khiến tất cả 6 người đều vừa lòng?”
Trước đó, anh Trịnh đã chuẩn bị rất nhiều thông tin kỹ lưỡng về công việc, sự nghiệp, môi trường làm việc mới vì chắc chắn, không một tập đoàn lớn vào quyết định tuyển chọn nhân sự chỉ sau vài câu hỏi phỏng vấn thông thường.
Ở các buổi kiểm tra năng lực, anh dễ dàng thông qua nhờ kinh nghiệm làm việc đầy phong phú trong 3 năm của mình tại các đơn vị cũ.
Sau quá trình sàng lọc bước đầu, các ứng viên từ 30 người tham gia chỉ còn lại khoảng 5 người sót lại. Hơn một giờ đánh giá chuyên môn sâu khiến ai cũng cảm thấy áp lực chưa từng thấy. Những ứng viên còn sót có năng lực tương đương, nếu chỉ dùng câu hỏi thông thường thì rất khó có thể quyết định được.
Vào thời điểm đó, nhà tuyển dụng đã bất ngờ đưa ra một câu hỏi mở như trên.
Ứng viên đầu tiên sau khi suy nghĩ rất kỹ thì quyết định trả lời: Muốn lấy 5 quả cam nguyên vẹn mà chia cho 6 người là một chuyện không tưởng. Do đó, nếu có thể thì trường hợp này chúng ta nên dùng các loại trái cây khác để thay thế. Nếu không, tôi sẽ sử dụng máy ép trái cây để ép hết 5 quả cam. Số nước được chia ra thành 6 ly thì mới bằng nhau được.
Sau khi nghe câu trả lời này, người phỏng vấn không mấy hài lòng và hỏi tiếp: “Vậy nếu trong 6 người, có người không thích uống nước ép thì sao?”
Sau đó, họ ra hiệu cho người thứ hai tiếp tục trả lời.
Anh Trịnh là người phỏng vấn thứ hai lại đưa ra một trả lời khác: “Tôi sẽ cắt 5 quả cam thành 30 miếng tất cả, tức là mỗi quả 6 miếng. Như vậy, mỗi người có thể nhận được 5 miếng cam đều như nhau.”
Người phỏng vấn lại hỏi: “Vậy bạn có đảm bảo tất cả các miếng cam mà mình cắt ra đều đặn tăm tắp y như nhau hay không?”
Sau đó, họ tiếp tục ra hiệu đến lượt những ứng viên khác.
Đến cuối cùng, một ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp đáp: “Nếu là tôi, tôi chỉ cần gọt vỏ tất cả các quả cam, tách ra từng múi và xếp hết vào đĩa. Ai ăn nhiều thì lấy nhiều, ai ăn ít thì lấy ít, ai muốn ăn luôn hay mang đi ép cũng tùy ý họ.
Đó là biện pháp nhanh nhất mà vừa lòng được tất cả mọi người vì họ sẽ tự mình làm chủ tất cả.”
Sau khi nghe câu trả lời đó, vị quản lý nhân sự khẽ cười. Mọi ứng viên suy ngẫm một chút cũng hiểu ra sự khôn ngoan ẩn giấu trong phương pháp đó. Vì mỗi người sẽ tự quyết định số lượng và cách thức sử dụng theo đúng ý mình, họ sẽ dễ dàng cảm thấy hài lòng hơn. Chưa kể, dù có điều gì không như ý, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ họ chứ không còn là do quyết định chia cam của anh ta nữa.
Có thể thấy rằng, một câu hỏi phỏng vấn thông thường cũng gắn liền với lối suy nghĩ của một người, thể hiện được đặc điểm tư duy của họ.
Sau tất cả, phỏng vấn công việc là một kỹ năng. Muốn có được kỹ năng này, bạn phải không ngừng rèn luyện để đưa ra tư duy bậc cao có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong các trường hợp bất ngờ không thể lường trước được một cách khôn ngoan.