Phóng viên: Xin chào anh Củ Cải, rất vui mừng vì anh đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn độc quyền ngày hôm nay. Chúng tôi phỏng vấn bởi biết anh đang ế. Hàng ngàn tấn. Nhưng hãy bắt đầu buổi trò chuyện bằng một câu thành ngữ. Xin anh cho biết, vì sao người ta nói phải thì củ cải sẽ nghe?
Củ Cải: (Phì cười) Phóng viên các anh buồn cười nhỉ. Đó là thành ngữ để ví von thôi. Đầy cái "nói phải" mà củ cải không nghe đâu.
Ví dụ, năm nay củ cải ế quá, cả ngàn tấn, nhẽ ra chúng tôi phải được bán đi, giá đáng ra phải 15, 20 ngàn đồng/kg mới đúng. Nhưng bây giờ củ cải rẻ như cho, bán rất khó, ế hàng ngàn tấn. Nông dân khóc ròng. Đấy, anh xem, bây giờ nói phải mà củ cải có nghe đâu.
Phóng viên: Vậy bây giờ giải pháp là gì? Hết dưa hấu, tỏi, lợn, thanh long, su su rồi có thêm củ cải ế nữa. Phóng viên chúng tôi gần như năm nào cũng phải đăng bài kêu gọi giải cứu, rất đau đầu.
Củ cải: Anh đi tìm kiếm giải pháp từ một củ cải ư?
Củ cải đang được giải cứu
Phóng viên: Xin lỗi, tôi nói không phải rồi. Tôi buồn bực và sốt ruột. Anh biết đấy, cha mẹ tôi cũng là nông dân. Khi nhìn những người nông dân héo hon trên đồng ruộng tôi rất xót xa.
Củ Cải: Theo tôi mình cứ triển khai mấy cách cũ đã dùng với tỏi, với dưa hấu và với lợn. Tức là các anh đi chụp ảnh, viết bài thật nhiều, viết những bài chua chát để kêu gọi người dân động lòng trắc ẩn ra tay mua giúp. Xong. Mọi thứ ế ẩm đã được giải cứu theo cách này. Củ cải chúng tôi rồi sẽ được giải cứu thôi.
Phóng viên: Năm trước chúng tôi đã cố gắng ăn rất nhiều thịt heo để giải cứu heo. Nhưng thịt heo dù sao cũng cố được vì chế biến được nhiều món. Riêng với củ cải giờ mua về cũng chẳng biết làm gì. Luộc hoặc xào vài củ thôi đã ngán rồi.
Củ Cải: Đó là do một số người giải cứu thiếu tầm nhìn. Nếu năm trước anh giải cứu thịt heo, để dành đến năm nay có phải sẽ chế được món thịt heo kho củ cải rất thơm ngon không nào. Hoặc thịt heo ế xào cùng tỏi ế. Tuyệt, rất thơm.
Phóng viên: Nhưng còn chuối, dưa hấu, mía, thanh long và rất nhiều món khác. Chả thể nào xào với thịt heo anh ạ?
Củ Cải: Họ sẽ phải tự nghĩ ra cách kết hợp cho khéo để giải cứu được nhiều thứ một lúc. Mà sao anh lại đi chất vấn một củ cải?
Phóng viên: Xin lỗi anh, tôi hơi quá lời. Nhưng quả thực không chất vấn củ cải tôi cũng chẳng biết chất vấn ai. Năm nào cũng giải cứu mọi thứ ế thừa, tôi thấy thị trường, quy luật cung cầu đang vận hành theo cơ chế tình thương. Kiểu bầu ơi thương lấy bí cùng. Nó luẩn quẩn vô cùng.
Củ Cải: Anh nói rất hay nhưng toàn những từ sáo rỗng chúng tôi nghe chán rồi. Nào là phải nghiên cứu thị trường, nào tạo ra chuỗi liên kết cho sản phẩm nông sản, nào đẩy mạnh chế biến, nào phải cảnh báo cho người nông dân... Nhưng nói mãi có ăn thua gì đâu.
Phóng viên: Vậy bản chất vấn đề là gì?
Củ cải: Anh lại hỏi củ cải câu hơi khó đấy. Nhưng thôi tôi nói cho anh rõ thêm. Bản chất của việc dư thừa này tôi nghĩ chúng ta đang sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự phát. Có nhiều nơi nông dân cứ nuôi, cứ trồng nhưng chưa biết bán cho ai?
Thấy hay thì trồng, thì nuôi rồi chờ đợi thương lái nước ngoài sang thu gom. Thương lái nước ngoài như anh biết, họ có rất nhiều chiêu trò để khiến nông dân điêu đứng.
Phóng viên: Chúng ta có rất nhiều cơ quan, ban ngành, hiệp hội, chính quyền địa phương... Tại sao chúng ta nắm được bản chất vấn đề mà không tìm ra giải pháp. Cứ mỗi năm lại ế, dư thừa thêm một loại? Tại sao?
Củ Cải: (Lắc đầu, cười trừ)
Phóng viên: Theo anh, có nên chấp nhận một lần đau, chúng ta không giải cứu gì hết, chúng ta chỉ hỗ trợ đưa thông tin, việc mua hay không để tự người tiêu dùng quyết định. Nếu giải cứu mãi sẽ sinh ra "nhờn thuốc".
Củ cải: Đó là suy nghĩ của cá nhân anh. Tôi thì có quan điểm thế này, với tình hình thế này, chính người tiêu dùng mới cần giải cứu. Họ liên tục được/bị vận động giải cứu hết thứ này đến thứ kia. Nếu không tham gia giải cứu thì áy náy mà tham gia nhiệt tình cũng chẳng đến đâu.
Đến một lúc nào đó họ sẽ mệt và chán. Họ không sinh ra để làm anh hùng, mỗi năm phải giải cứu rất nhiều thứ. Kiếm được đồng tiền ở thời buổi này đâu có dễ dàng gì. Ai cũng phải sống, nếu chúng ta cứ muốn họ giải cứu mãi, cuối cùng họ sẽ chán và buông trôi.
Chúng tôi cũng muốn mình được tiêu thụ đàng hoàng, đúng chất lượng, giá trị chứ không muốn mãi mãi bị mua bằng lòng thương hại. Chúng tôi muốn giải cứu tận gốc: Giải cứu về cơ chế, dựa trên sự dự báo, quy hoạch và tư vấn đúng.
Phóng viên: Vâng. Củ cải mà nói được thế tôi rất mát lòng. Tôi chỉ sợ anh không chịu tâm sự rồi chóng hỏng, thối. Khổ anh và khổ cả nông dân. Xin cám ơn anh!