Mặc dù đã đón hơn 20 cái Tết cùng gia đình, song "Quỳnh búp bê" Phương Oanh vẫn luôn hào hứng, thích thú mỗi khi năm mới tới. Với nữ diễn viên, ngày Tết không chỉ là khoảng thời gian được nghỉ ngơi mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng rất riêng biệt:
"Dịp Tết, vui nhất là mấy ngày trước giao thừa, khi cả nhà cùng nhau dọn dẹp, mua sắm chuẩn bị cho những ngày đón năm mới. Chính vì thế, năm nào tôi cũng cố gắng thu xếp công việc để về nhà với bố mẹ từ 25, 27 Tết.
Tôi thích nhất là cảm giác được theo mẹ đi chợ mua hoa, mua đồ Tết. Gia đình tôi vẫn giữ nếp cũ, tự chuẩn bị tất cả đồ ăn trong mấy ngày Tết chứ không mua đồ làm sẵn.
Mọi năm, Phương Oanh đều cố gắng về nhà sớm nhất có thể để cùng gia đình sắm sửa đón Tết.
Mẹ con tôi sẽ đi chợ nhặt những xấp lá dong vừa thơm vừa xanh, mua những con gà quê chứ không phải gà công nghiệp, rồi tất cả những đồ ăn như miến, măng, nấm… đều lựa chọn từ các chợ dân sinh chứ không mua đồ công nghiệp.
Sau khi mẹ con tôi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bố tôi sẽ bắt đầu gói bánh chưng. Tất cả mọi công đoạn từ chọn lá, rửa lá, gói bánh, luộc bánh… cả gia đình đều xúm vào tự tay làm hết.
Mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi luôn luôn có những món cổ truyền như: Dưa hành, bánh chưng, nem… Những món này đều do mẹ tôi tự tay nấu nên khi ăn, tôi cảm thấy rất ngon và quen thuộc.
Tôi nghĩ, hương vị ngày Tết trong tôi cũng vì thế mà đậm đà, mà rộn ràng hơn rất nhiều. Bởi đằng sau những món ăn ngon, những cành hoa đẹp là chính công sức, sự tỉ mỷ của từng người trong gia đình tạo nên.
Khi chuẩn bị tất cả những thứ đó, mọi người đều gửi gắm vào đó hi vọng, niềm vui, nên ăn gì, dùng gì cũng thấy rất thiêng liêng, trân trọng".
Gia đình sum vầy chính là khoảnh khắc hạnh phúc nhất với nữ chính phim Quỳnh búp bê.
Vì rất trân trọng những ngày đầu năm mới nên gia đình Phương Oanh cũng có những kiêng kỵ và phong tục rất riêng để cầu mong 1 năm mới hanh thông, nhiều may mắn:
"Ngày Tết, gia đình tôi vẫn giữ nếp cũ, kiêng kỵ khá nhiều thứ theo quan niệm dân gian như: Không nói to, không cãi chửi nhau, tránh cầm kim chỉ…
Bình thường, mẹ tôi là người ưa sạch sẽ, trong nhà không bao giờ được phép có rác hay bụi. Nhưng trong ngày mồng 1 Tết, cả nhà kiêng quét dọn để tránh "mất lộc". Đây chính là phong tục kiêng kỵ mà tôi rất thích, vì không phải quá chú trọng đến việc dọn dẹp như mọi khi.
Mẹ tôi có 1 cách rất thú vị để gọi mọi người dậy vào đêm giao thừa hoặc sớm ngày mồng 1, đó là rải những quả táo ta lên giường.
Năm nào cũng vậy, sắp đến khoảnh khắc giao thừa hoặc vào sáng sớm ngày mồng 1 Tết, khi cả nhà còn lơ mơ chưa tỉnh ngủ, mẹ tôi sẽ rải rất nhiều táo lên giường.
"Mẹ tôi có 1 cách rất thú vị để gọi mọi người dậy vào đêm giao thừa hoặc sớm ngày mồng 1, đó là rải những quả táo ta lên giường", Phương Oanh chia sẻ.
Những quả táo mát lạnh lăn vào người sẽ khiến cả nhà nhanh chóng thức giấc, thậm chí chúng tôi sẽ ăn luôn những quả táo đó như 1 niềm vui nho nhỏ. Chẳng biết đây có phải là phong tục dân gian hay không, nhưng nhiều năm nay tôi đã quen với cách làm này của mẹ.
Thế rồi sau khi cúng gia tiên đúng khoảnh khắc giao thừa, cả nhà sẽ bắn pháo giấy, pháo điện rồi lì xì cho nhau. Sớm ngày mồng 1, cả gia đình sẽ về thăm 2 bên nội ngoại, đến tối mồng 1 hoặc ngày mồng 2 thì sẽ đi lễ cùng nhau.
Hơn 20 năm nay chúng tôi đều đón Tết như vậy. Tất cả mọi thứ, từ hương vị của các món ăn, từ không khí thiêng liêng rộn ràng của những ngày đầu năm mới đã tạo thành ký ức về Tết, về tuổi thanh xuân tươi đẹp của tôi".