Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và khả năng lực lượng Hồi giáo Taliban khôi phục lại một phần quyền lực ở Kabul có thể dẫn tới những hậu quả cho Trung Quốc và Pakistan – cả hai nước này đều hướng tới việc đóng vai trò quan trọng ở Afghanistan thời hậu chiến.
Trung Quốc đã công khai ủng hộ kế hoạch của Mỹ, theo đó 2.500-4.500 quân nước này sẽ được rút vào giữa tháng 1 và toàn bộ binh sĩ Mỹ sẽ được rút vào giữa năm 2021. Nhưng đồng thời Trung Quốc cũng cảnh giác rằng việc Mỹ rút đi một cách thiếu tổ chức có thể mở đường cho các phiến quân biến Afghanistan trở lại thành một lò khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Trung Quốc đặc biệt nghe ngóng tình hình Afghanistan và việc Mỹ rút quân
Tháng 11/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hối thúc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan một cách “có trật tự và có trách nhiệm”.
Bình luận chính thức trên cho thấy mối lo ngại của Trung Quốc: Afghanistan, có đường biên giới trên bộ với tỉnh Tân Cương nhiều bất ổn của Trung Quốc, có thể trở thành mảnh đất nuôi dưỡng các phiến quân Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc cũng viện dẫn Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM, còn được gọi là Phong trào Hồi giáo Turkistan) để biện minh cho các biện pháp cứng rắn với những người Duy Ngô Nhĩ nổi loạn ở Tân Cương. ETIM là một nhóm Hồi giáo cực đoan do các chiến binh thánh chiến Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây Trung Quốc thành lập nhằm tạo ra một nhà nước Đông Turkestan độc lập thay thế cho tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2020, Cục An ninh Quốc gia Afghanistan lật tẩy một ổ nhóm gián điệp Trung Quốc và bắt giữ ít nhất 10 công dân Trung Quốc với cáo buộc gián điệp, theo các tin tức trích dẫn lời của Cục trưởng Ahmad Zia Saraj.
Tin tức cho hay, chính quyền Afghanistan tin rằng các gián điệp Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra một mô hình ETIM giả ở Afghanistan nhằm gài bẫy các thành viên thật của ETIM. Dưới áp lực của Bắc Kinh, cuối cùng các công dân Trung Quốc này được phép bay về đất nước họ.
Ít nhất, Trung Quốc có nguyên nhân lịch sử để lo ngại về phong trào này. Ngay sau loạt tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác đã gọi ETIM là một tổ chức khủng bố do mối liên hệ giữa nó và tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Trung Quốc đã tuyên bố rằng ETIM thực hiện hơn 200 hành động khủng bố trong thời gian từ năm 1990 đến 2001, dẫn tới 162 cái chết và 440 trường hợp bị thương. Trong đó có loạt tấn công trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, bao gồm một vụ tấn công lực lượng bán vũ trang ở Kashgar (thuộc Tân Cương) khiến 17 sĩ quan thiệt mạng.
Mỹ bắt giữ 22 phiến quân Duy Ngô Nhĩ có liên quan tới ETIM ở Afghanistan vào năm 2006 dựa trên thông tin họ có mối liên kết với al-Qaeda. Họ đã bị đưa đi giam giữ tại vịnh Guatanamo ở Cuba nhưng về sau được phóng thích sau khi được cho là chưa bao giờ chiến đấu chống lại Mỹ.
Vào tháng 11/2020, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã loại bỏ ETIM khỏi danh sách khủng bố của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo nói rằng “không có bằng chứng tin cậy” cho thấy nhóm này vẫn tồn tại.
Trung Quốc phản đối gay gắt
Quyết định trên của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Trung Quốc – nước này đã bày tỏ “sự rất không hài lòng và phản đối gay gắt quyết định của Mỹ”.
Mushahid Hussain Syed - một nghị sĩ thuộc đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan, nói với tờ Asia Times rằng thực chất không còn phong trào nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ và các tàn tích của ETIM hiện chủ yếu đóng ở khu vực Badakhshan của Afghanistan giáp với Trung Quốc.
Ông này lý giải: “Do Trung Quốc sử dụng biện pháp ngoại giao để xử lý vấn đề Taliban ở Afghanistan kể từ năm 2014 nên mối nguy Taliban ủng hộ ETIM là xa vời... Thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian cấm việc sử dụng lãnh thổ của Afghanistan chống lại bất cứ nước nào khác”.
Mushahid nói thêm: “Nhưng việc Mỹ chính thức gỡ bỏ mác khủng bố của ETIM tạo ra mối đe dọa như sau: một số phần tử diều hâu ở Washington và các đồng minh khu vực của họ như Ấn Độ sẽ sử dụng ETIM để gây bất ổn cho Trung Quốc”.
Ông này nhận định, bất cứ mối đe dọa nào từ “con bài Tân Cương” sẽ ít khả năng đến từ Taliban của Afghanistan mà là đến từ Mỹ và Ấn Độ như một phần trong chiến lược “Chiến tranh Lạnh mới” nhằm “kiềm chế Trung Quốc”.
Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận các nhân tố phi nhà nước mà trong nhiều năm trời đã kích động sự nổi dậy của người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Nhân tố Afghanistan và Pakistan
Pakistan - quốc gia đã nêu vấn đề cảnh ngộ của những nhóm Hồi giáo thiểu số bị đàn áp (không bao gồm chỉ người Palestine), vẫn im hơi lặng tiếng một cách đáng chú ý về cáo buộc Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Turk. Nước bên ngoài hậu thuẫn mạnh nhất cho người Duy Ngô Nhĩ chính là Thổ Nhĩ Kỳ mà Pakistan thì có quan hệ ngày càng gần gũi với nước này.
Người Duy Ngô Nhĩ có khả năng hưởng lợi từ sự thay đổi hiện trạng chính trị ở Afghanistan, đặc biệt là nếu Taliban quay trở lại vị trí cầm quyền trong một dàn xếp thương lượng với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani thân Mỹ.
Lực lượng cực đoan Hồi giáo Taliban Afghanisan là nguồn cung cấp chính vũ khí và thiết bị cho các phiến quân Duy Ngô Nhĩ giai đoạn 1996-2001, thời kỳ mà Taliban còn nắm chính quyền.
Taliban đã trang bị cho và huấn luyện ETIM cũng như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) – nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Khi đó Kabul đã thiết lập các trại huấn luyện cho các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ chiến đấu chống lại Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Thỉnh thoảng Taliban còn gửi lực lượng của mình đến chiến đấu trực tiếp bên cạnh các phiến quân Duy Ngô Nhĩ.
Quay trở lại với hiện tại, tin tức trên truyền thông tiết lộ rằng lực lượng Taliban được các chiến binh Duy Ngô Nhĩ hỗ trợ gần đây đã chiếm một khu vực rộng lớn ở vùng nông thôn Badakhshan – một tỉnh đông bắc của Afghanistan có đường biên giới 90km với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Ước tính 200 chiến binh nước ngoài tham gia trận đánh Badakhshan. Có thông tin nói rằng trong trận này, có sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ đến từ Trung Quốc và công dân Uzbekistan và Tajikistan. Họ đã đánh bại lực lượng của chính phủ Afghanistan và chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc, Pakistan, và Tajikistan.
Trung Quốc phối hợp với Pakistan, tích cực bắt mối với Taliban
Tin tức cho thấy có khả năng Bắc Kinh và Islamabad đã đạt được cơ chế “chia sẻ thông tin tình báo” để nắm chắc tình hình Afghanistan khi nước này bước vào giai đoạn chuyển giao mà qua đó Taliban có thể trở lại nắm quyền lực.
Một thủ lĩnh Taliban từng là thành viên phái đoàn gặp gỡ với giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 2019 cho biết, điều khiến Bắc Kinh khó chịu nhất là việc họ nhận ra rằng nếu tiến trình hòa bình kết thúc theo hướng tích cực và Taliban khôi phục lại quyền hành thì cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ có thể được tiếp thêm sinh lực mới.
Nhân vật này nói rằng Bắc Kinh tiếp cận ban lãnh đạo Taliban với sự hậu thuẫn của Pakistan hai lần vào năm 2019 để đặt cơ sở cho hợp tác trong tương lai khi có thay đổi chính trị ở Kabul sau khi Mỹ rút quân khỏi đây sau 19 năm đóng quân tại quốc gia Nam Á này.
Pakistan đã hỗ trợ cho một số cuộc họp giữa các thủ lĩnh chủ chốt của Taliban với các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tại các cuộc họp đó, Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu về các biện pháp “chống khủng bố chắc chắn” như điều kiện tiên quyết để Trung Quốc ủng hộ việc Taliban trở lại chấp chính.
Một số ngày sau khi Tổng thống Mỹ Trump hủy một tiến trình hòa bình với nhóm nổi dậy Taliban vào tháng 9/2019, một phái đoàn Taliban đã tới Bắc Kinh để gặp đặc phái viên Trung Quốc về Afghanistan, Deng Xijun.
Một phái đoàn Taliban khác đã thăm Trung Quốc vào tháng 6/2019 và được cho là đã thảo luận chi tiết với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về đối thoại nội bộ Afghanistan. Lúc đó, thông tin cho hay Bắc Kinh ủng hộ tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt.
Thông tin từ truyền thông cũng cho thấy vào năm 2018 Trung Quốc muốn xây một căn cứ quân sự ở Badakhshan.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ thì tiết lộ rằng Trung Quốc đã đưa Afghanistan vào một cơ chế an ninh đa phương mới (Quad), thúc đẩy hoạt động liên hợp chống khủng bố và các hoạt động thương mại giữa Afghanistan, Pakistan, Tajikistan và Trung Quốc.
Báo cáo nói: “Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến việc chiến binh Duy Ngô Nhĩ di chuyển qua Hành lang Wakhan ở Afghanistan, tiếp giáp với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Họ làm vậy với niềm tin rằng ổn định khu vực sẽ cải thiện sự tiếp cận của họ với thị trường thương mại, làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây ở khu vực, và đối trọng với vai trò của Ấn Độ và sự mở rộng chiến lược của Ấn Độ trong khu vực. Trung Quốc đang tìm cách tham gia sâu vào các đối thoại trong nội bộ Afghanistan”.
Nishank Motwani – Phó Giám đốc một trung tâm nghiên cứu ở Kabul, nói rằng việc Mỹ rút quân sẽ tất yếu tạo ra một khoảng trống quyền lực và an ninh dễ dàng bị các nhóm chiến binh và những người ủng hộ Taliban lấp đầy. Ông này đánh giá, năng lực của ETIM có thể cải thiện nếu Taliban khôi phục quyền lực ở Kabul./.