Những lo ngại xung quanh việc Triều Tiên "đe dọa" hòa bình thế giới gần đây đã tăng lên đáng kể, khi các cường quốc thất bại trong việc ngăn chặn nước này tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ - một chương trình được theo đuổi bởi quốc gia có lực lượng quân đội lớn nhất thế giới.
Cho đến nay, các chuyên gia quân sự vẫn còn tranh cãi về quy mô thực sự của kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một số người cho rằng Bình Nhưỡng có khoảng từ 15-20 vũ khí hạt nhân, còn một số người khác lại dựa vào các dữ liệu thông tin tình báo của Mỹ để kết luận rằng số lượng bom hạt nhân mà Triều Tiên sở hữu là từ 30-60 quả.
Dù chưa thống nhất về số lượng, nhưng có một điều rõ ràng không còn chuyên gia nào nghi ngờ, đó là chỉ trong thời gian gần đây thôi, Triều Tiên mới phát triển được công nghệ chế tạo bom mạnh hơn rất nhiều so với trước kia.
Từ vụ thử hạt nhân vào tháng 10/2006 dưới thời cố lãnh đạo Kim jong Il tới vụ thử được cho là bom hydro vào tháng 9/2017, sức mạnh của các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tăng lên một cách vững chắc.
Phân tích vụ thử hạt nhân vào ngày 3/9/2017 của Triều Tiên, các nhà phân tích kết luận rằng sức mạnh của quả bom đã vượt qua 100 kiloton – mạnh hơn rất nhiều so với quả bom nguyên tử 16 kiloton mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima năm 1945.
Ngoài việc sở hữu các vũ khí hạt nhân và có các phát ngôn mạnh mẽ, Triều Tiên cũng đã làm thế giới lo ngại bằng một loạt các vụ thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM – có khả năng mang đầu đạn hạt nhân).
Theo trang Defense One, các nhà phân tích ước tính tên lửa ICBM Hwasong-15 mà Triều Tiên mới phóng thử gần đây nhất có tầm xa khoảng gần 13.000 km nếu được phóng ở quỹ đạo phẳng hơn – tức là nó có khả năng tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Mỹ.
Tải trọng hạt nhân mà các tên lửa ICBM của Triều Tiên có thể mang được cũng đang là một vấn đề gây tranh cãi. Một bản đánh giá tình báo mật của Mỹ thực hiện vào 7/2017 cho biết Triều Tiên đã phát triển được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để phù hợp với các tên lửa đạn đạo của mình.
"Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với thực tế rằng Triều Tiên có khả năng công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", chuyên gia Jeffrey Lewis – Viện nghiên cứu Chiến lược Middlebury (Mỹ) nói.
Tần suất các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng gia tăng nhanh chóng, với hơn 80 cuộc phóng thử tên lửa và 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân, đều dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un.
Tuy nhiên, độ chính xác của các tên lửa ICBM của Triều Tiên hiện tại vẫn là một bí ẩn. Một số nhà phân tích cho rằng các tên lửa Triều Tiên hoạt động dựa trên hệ thống dẫn đường lỗi thời và vì vậy sẽ hoạt không đánh trúng mục tiêu. Nhưng một số người Triều Tiên đào tẩu và chuyên gia khác lại cho rằng nước này đã bắt đầu sử dụng hệ thống dẫn đường GPS.
Sức mạnh vũ khí của Triều Tiên được cho rằng đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Ảnh: KCNA
Tuy Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã liên tục gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng dường như các lệnh trừng phạt này không ngăn chặn được việc Triều Tiên phát triển, chia sẻ và bán công nghệ, tên lửa của mình. Một số nước được cho là đã giao dịch với Triều Tiên là Iran, Libya, Syria, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Không chỉ là vũ khí hạt nhân
Ngoài vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cũng được cho là đang sở hữu một kho vũ khí hóa học gồm 2.500 đến 5.000 tấn chất độc chết người, cùng với đó là một kho vũ khí sinh học – mặc dù Triều Tiên đã gia nhập Công ước về Vũ khí Sinh học năm 1987 – một công ước cấm sản xuất, phát triển, tàng trữ các vũ khí sinh học.
Về năng lực quân sự thông thường, Triều Tiên xếp thứ 4 trong số những nước có lượng quân nhân nhiều nhất – với 1,1 triệu quân nhân – tương đương gần 5% dân số cả nước. Theo số liệu từ báo cáo năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ và một báo cáo năm 2016 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên được cho là hiện có hơn 1.300 máy bay chiến đấu, gần 300 trực thăng, 430 chiến thuyền, 250 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm, 4.300 xe tăng, 2.500 xe bọc thép và 5.500 bệ phóng tên lửa nhiều lần.
Mặc dù các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng quân đội của Bình Nhưỡng đang vận hành với những thiết bị và công nghệ lạc hậu, nhưng lực lượng này vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng nói rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một thảm họa.
Dù bị đánh giá ra sao, quân đội cũng đóng vai trò trung tâm trong các mối quan hệ chính trị của Triều Tiên, khi lãnh đạo nước này tin rằng củng cố sức mạnh quốc phòng là cách duy nhất bảo vệ họ khỏi những đe dọa của các thế lực bên ngoài.