Phòng thí nghiệm của Trung Quốc trên không gian gặp nguy hiểm

Phạm Nghĩa |

Một trong hai vệ tinh của Công ty SpaceX (Mỹ) bay cách phòng thí nghiệm trên trạm vũ trụ của Trung Quốc chỉ 4 km trong năm nay.

Rốc-két Falcon 9 của Công ty SpaceX được phóng từ bang Florida - Mỹ ngày 2-12-2021. Ảnh: Reuters

Rốc-két Falcon 9 của Công ty SpaceX được phóng từ bang Florida - Mỹ ngày 2-12-2021. Ảnh: Reuters

Bloomberg ngày 29-12 đưa tin trong cả 2 trường hợp kể trên (ngày 1-7 và ngày 21-10 năm nay), vệ tinh StarLink của Công ty SpaceX đều khiến phòng thí nghiệm trên trạm vũ trụ của Trung Quốc phải có những động tác lảng tránh để không xảy ra va chạm.

Vụ việc hồi tháng 10 năm nay được đánh giá nguy hiểm hơn vì nếu các phi hành gia trên trạm vũ trụ của Trung Quốc không chuyển sang độ cao khác, nó sẽ chỉ cách vệ tinh Starlink khoảng vài trăm mét.

Trong khiếu nại gửi lên Ủy ban giám sát các hoạt động không gian của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 6-12, chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích Công ty SpaceX. Khiếu nại này có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nhanh chóng hành động về việc quản lý tắc nghẽn trong không gian trên phạm vi toàn cầu.

Sau các sự cố này, tỉ phú Elon Musk, người sáng lập Công ty SpaceX, đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Một cư dân mạng mô tả các vệ tinh Starlink là một đống rác không gian. Những người khác cho rằng chúng là "vũ khí chiến tranh không gian của Mỹ".

Ngày 28-12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay chính phủ Trung Quốc đã khiếu nại với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vào ngày 3-12 rằng Mỹ không đáp ứng nghĩa vụ của mình dựa trên Hiệp ước về không gian bên ngoài. Sau đó, ngày 29-12, ông Triệu kêu gọi tất cả quốc gia "tôn trọng và duy trì trật tự quốc tế trong không gian dựa trên luật pháp quốc tế".

Nhà thiên văn học Jonathan McDowel tại Trung tâm vật lý thiên văn do Trường ĐH Harvard và Viện Smithsonian vận hành cho rằng đó là "một dấu hiệu tốt". Theo đó, Trung Quốc có thể thúc đẩy cộng đồng quốc tế cập nhật một hiệp ước bắt nguồn từ chiến tranh lạnh cũng như một hệ thống (không chính thức) dựa vào các nhà khai thác để gửi email về các vụ va chạm tiềm tàng cho nhau.

Ông McDowell thống kê hiện có hơn 4.800 vệ tinh thương mại đang hoạt động, gấp đôi so với 5 năm trước, cùng với khoảng 19.000 mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi trên radar. Riêng Công ty SpaceX đã triển khai hơn 1.700 vệ tinh. Không giống như các vệ tinh khác, vệ tinh Starlink có khả năng cơ động và được trang bị công nghệ chống va chạm.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), trong đó Mỹ là đối tác, cũng từng phải đối mặt với các vụ việc tương tự như trên liên quan tới các mảnh vỡ được tạo ra từ các thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của Nga tháng 11 năm nay và Trung Quốc năm 2007.

Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các sự cố liên quan tới vệ tinh của SpaceX mà chỉ tuyên bố họ khuyến khích tất cả quốc gia thực hiện các chương trình không gian phải hành động có trách nhiệm, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho các phi hành gia cũng như các vật thể do con người tạo ra quay quanh Trái đất.

Sự cạnh tranh không gian giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong những năm gần đây. Một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc tháng này cho biết Bắc Kinh có thể đưa các phi hành gia lên mặt trăng lần đầu tiên vào năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại