Bên trong quán cà phê phim từng xảy ra vụ hiếp dâm chấn động ở Hà Nội
Cà phê phim - dịch vụ hấp dẫn giới trẻ
Những quán cà phê từ lâu đã trở thành một địa điểm quen thuộc và ngày càng được ưu tiên lựa chọn, không chỉ đơn thuần là để uống một tách cà phê mà còn vì nhiều mục đích khác nhau. Có thể là hẹn hò, gặp gỡ bạn bè, đối tác, đến học tập, làm việc hay đơn giản là "giết" thời gian một mình.
Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, các chủ doanh nghiệp ngày càng nghĩ ra nhiều ý tưởng xây dựng các mô hình cà phê độc đáo thu hút những tệp khách hàng riêng như cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê board game (những trò chơi trên bàn cờ dành cho một nhóm người) và một mô hình nở rộ thời gian gần đây nhất cũng được nhiều người chú ý nhất - chính là cà phê phim.
Hình ảnh những quán cà phê phim đẹp như "mơ"
Cà phê phim, nói đơn giản chính là việc các bạn trẻ vừa có thể xem bộ phim mình yêu thích trên màn chiếu, vừa nhâm nhi một cốc đồ uống ngon miệng. Khác với việc phải chen chân đến những chỗ đông đúc, ồn ào như rạp chiếu phim hay nhàm chán mở tivi, laptop ở nhà, tại những quán cà phê phim này, bạn sẽ có một không gian vừa đủ riêng tư, thoải mái cho một nhóm bạn thân hay hai người, màn hình máy chiếu đủ rộng và dàn loa đài được đầu tư. Đây thực sự là những trải nghiệm vui vẻ…
Với suy nghĩ đó, chúng tôi có được địa chỉ quán cà phê phim trên đường Vũ Tông Phan từ kết quả tìm kiếm trên google với những câu quảng cáo khá "bùi tai" như "quán cà phê phim đầu tiên và nổi tiếng tại Hà Nội", "không gian thoải mái, thân thiện, được đầu tư với cơ sở vật chất tốt", "giá cả hợp lý", "không gian riêng tư"...
Tuy khá ngần ngại khi tìm được hình ảnh một chiếc ghế tình yêu (ghế tantra) được đặt trong phòng nhưng sau khi gọi điện hỏi lại thông tin và đặt phòng, chủ quán đã khẳng định chiếc ghế đó hiện tại đã không còn và được "thay bằng đệm cho thoải mái, nằm ghế nó... ấy...". "Ấy..." là gì thì anh ngập ngừng không nói.
Vậy nhưng, những tưởng tượng về "trải nghiệm vui vẻ" vụt tắt ngay khi chúng tôi đúng trước cửa quán "cà phê phim" đã liên hệ trên đường Vũ Tông Phan (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân).
Quán cà phê phim vẫn hoạt động sau vụ hiếp dâm chấn động
Trước đó vào ngày ngày 5/6/2024, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã khởi tố vụ án "Hiếp dâm", khởi tố bị can, tạm giam Phùng Văn Phương (SN 2003), trú tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc về hành vi "Hiếp dâm".
Qua tài liệu của cơ quan Công an, Phùng Văn Phương đã có hành vi sử dụng ứng dụng hẹn hò Tinder (tài khoản tên Nhật Phương) và các mạng xã hội Facebook (tài khoản tên Nhật Phương), Zalo (Tài khoản tên V Phương), Instagram (tài khoản tên Nhật Phương) nhắn tin tán tỉnh, hẹn hò với các phụ nữ.
Sau đó, bị can Phương đưa các cô gái mới quen đến quán cafe Phim trên đường Vũ Tông Phan, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội để thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân.
Sau 2 tháng, quán cà phê này vẫn mở cửa đón khách. Dù quán nằm ngay mặt đường nhưng lại khiến khách khó có thể nhận ra bởi không một dấu hiệu nào để có thể cảm thấy đây là một quán cà phê phim như trong tưởng tượng. Tòa nhà 4 tầng được bịt kín phía trước, không biển hiện. Có lẽ thứ liên quan nhất đến phim mà tôi có thể thấy là cụm từ "NETFLIX & CHILL" màu đỏ bắt mắt được dán với kích cỡ lớn nhất (thậm chí lớn hơn cả tên quán) ngay trên cửa kính.
Cụm từ này, lập tức mang đến cho tôi một linh cảm không lành khi nó là tiếng lóng phổ biến thường được sử dụng với mục đích mời ai đó đến nhà xem phim và quan hệ tình dục. Chẳng rõ chủ quán khi mở có biết ý nghĩa của cụm từ này không hay chỉ đơn thuần thấy trên mạng và cảm thấy khá thú vị để làm slogan cho một quán cà phê phim.
Quầy thu ngân và lối lên phòng chiếu phim của quán
Bỏ qua tất cả những hoài nghi vừa gợn lên, bỏ quan bộ bàn ghế bám bụi dành cho khách ngay ở cửa bước vào, bỏ qua những tấm poster phim chằng chịt tiếng nước ngoài đã bạc màu dán xung quanh, bỏ qua những món đồ ngổn ngang sắp xếp bất quy tắc… tôi bước vào quán và gặp một người đàn ông - có lẽ là chủ quán, quản lý, nhân viên hoặc kiêm mọi vị trí vì ngoài người này ra không còn thấy sự hiện diện của ai.
Sau khi xác nhận lịch hẹn từ trước, người này nói chúng tôi có thể lựa chọn một trong những combo (các gói dịch vụ) trên bảng với các mức giá khác nhau. Trong lúc đó, anh sẽ lên dọn lại phòng.
135.000 đồng cho 2 giờ xem phim không kèm đồ uống.
175.000 đồng cho 2 giờ xem phim kèm 2 đồ uống.
200.000 cho 4 giờ 30 phút xem phim và thêm 25.000 đồng để thêm 2 đồ uống tự chọn.
Ngoài ra, nếu đi giờ lẻ sẽ là 80.000 đồng cho giờ đầu và 75.000 đồng cho những giờ tiếp theo. Nếu quá giờ trong combo sẽ tính thêm 60.000 đồng/giờ.
Đặc biệt là có một combo được quảng cáo dành cho những người có sở thích "cày phim đêm" trong khung giờ từ 22h đêm hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau với mức giá chỉ 200.000 đồng. Nếu không đặt combo night nhưng khách vào trước 22 giờ và ra sau 23 giờ 30 sẽ tính phí phụ thu 15.000 đồng.
Thực sự là một ý tưởng hay với "cú đêm" thích xem phim giải trí nhưng liệu trong giấy phép kinh doanh, loại mô hình này của quán có được cơ quan nhà nước cho phép mở cửa với thời gian như vậy?
Xét về chi phí, mỗi bộ phim điện ảnh trung bình có thời lượng khoảng 2 giờ đồng hồ, tính theo combo thấp nhất là 135.000 đồng cho 2 giờ xem phim của 2 người thì giá vé này cũng không chênh lệch quá nhiều so với vé xem phim ngày thường ở các rạp chiếu phim nhà nước hay các rạp tư nhân. Có thể nói là mức giá vừa tầm để thưởng thức một bộ phim yêu thích, không có gì để băn khoăn.
Thứ băn khoăn chính là dịch vụ phía sau mức giá và những lời quảng cáo hoa mỹ ấy.
Những "cú tát" liên tiếp phía sau lời quảng cáo hoa mỹ
Sau khoảng 5 phút, người đàn ông quay lại và hỏi xem chúng tôi chọn combo nào rồi dẫn lên phòng. Cầu thang dẫn lên phòng chỉ vừa vặn một người có thể di chuyển với ánh sáng vàng mập mờ của đèn gắn dọc bậc thang, vừa đủ để đảm bảo không bước hụt cũng như mang lại một không khí có phần hơi quỷ dị - có lẽ để tạo thêm trải nghiệm đặc biệt cho khách trước khi xem phim.
Những hành lang mập mờ ánh đèn và lối vào sâu, nhỏ
Cửa phòng mở ra, thay vì một ghế ngồi để có thể xem phim, chỗ ngồi là một tấm "đệm" bọc da xanh lá cứng ngắc cùng 4 chiếc gối nhàu nhĩ phía trên, một chiếc chăn mỏng màu hồng gần như chiếm trọn diện tích căn phòng vỏn vẹn 3 mét vuông với cánh cửa ra vào rộng 56cm.
Chiếc máy chiếu nhỏ được treo trên trần nhà, màn chiếu và bộ loa gắn lên tường. Cửa sổ tí hon, kể cả có mở ra cũng chỉ có thể thấy ánh sáng nhỏ le lói chiếu xuyên qua lớp song cửa và lưới sắt đóng chặt cố định. Chiếc máy lạnh nhỏ được gắn trên cửa dường như đang cố gắng hết sức bình sinh của mình, phát ra những tiếng "o o" nhưng cũng chẳng thể giảm bớt sự ngột ngạt trong phòng.
Sau vài ba câu chỉ dẫn, người đàn ông chào và lách mình qua cánh cửa phòng vỏn vẹn 56cm chiều ngang để đi xuống dưới, dành lại không gian riêng cho khách. Thời khắc cửa phòng đóng lại, tôi thực sự đã tính toán đến việc nếu xảy ra cháy, phải làm sao để giữ mạng giữa một nơi chật hẹp, đầy nguy cơ và không có bất cứ thiết bị phòng cháy chữa cháy nào như thế này?
Đây là điều tôi chưa từng phải suy nghĩ khi bước chân vào những rạp chiếu phim trước đây vì tôi biết ở đó, bản thân sẽ luôn nhận được sự đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra.
Gian phòng với tấm đệm và chăn gối được chuẩn bị
Trong tâm thế thấp thỏm, tôi chọn một bộ phim từ tài khoản Netfilx đã được cài đặt sẵn. Khách hàng có thể tự do chọn bộ phim bất kỳ. Người lớn gần 30 tuổi như tôi xem một bộ phim hoạt hình trẻ con và trẻ em, học sinh hoàn toàn có thể xem một bộ phim "người lớn". Đây là điều có thể xảy ra mà quán không thể kiểm soát và dường như cũng không có ý định kiểm soát bởi ngay từ khi bước chân vào đã không hề có một tờ nội quy hay nhắc nhở gì về vấn đề này.
Nội thất có thể hơi tồi tàn nhưng có một điều quán đã làm khá tốt và có lẽ là tốt nhất - cách âm. Vô tình bước qua một căn phòng cùng tầng, nếu không vì ánh đèn từ màn chiếu hắt ra và giày dép đặt ngoài, tôi chắc chắn không thể nhận ra có người bên trong. Không một tiếng động lọt ra ngoài, kể cả tiếng phim phát ra từ bộ loa đang bật bên trong. Những gì xảy ra trong đó, chắc chắn chỉ khách mới có thể biết.
Không đợi xem hết bộ phim, chúng tôi đã vội vã nói nhau ra ngoài bởi chắc chắn đây không phải một nơi lý tưởng để có thể thoải mái thưởng thức bộ phim và giải trí.
Khi thanh toán hóa đơn, có cơ hội trò chuyện với người đàn ông, được biết cơ sở cà phê phim với 4 tầng, tầng 2 và 3 dành cho khách này của người này đã hoạt động nhiều năm và có thể coi là nơi đầu tiên hoạt động mô hình này. Thậm chí, còn có nhiều "đối thủ" đã từng đến tận nơi "ăn cắp" cách kinh doanh:
"Mô hình kinh doanh này nhà anh mở đầu tiên, thành ra các quán kinh doanh quanh này cũng học theo. Năm ngoái có một thằng cũng sang bên này quay phim, rồi nó cũng mở ngay ở đây luôn. Dãy này trước đây 4 - 5 thằng mở theo anh nhưng đều đóng cửa rồi. Quán anh có bản quyền kinh doanh mô hình này nên quán anh kiện. Mà nó lại còn sang tận bên này quay phim chụp ảnh, rồi những dữ liệu ghi hình, quay phim chụp ảnh là bên anh làm bằng chứng kiện hết."
Với những gì vừa trải nghiệm, tôi cũng khá ngạc nhiên khi quán cà phê phim này đã trải qua rất nhiều thứ để giữ "độc quyền" của mình. Và càng đáng ngạc nhiên hơn khi nó từng là hiện trường vụ hiếp dâm mà Công an Hà Nội phải phát thông báo để tìm các bị hại.
Ngay sau khi sự việc này được đăng tải, trả lời báo chí, chủ ngôi nhà - nơi quán cà phê này thuê cho biết, những người thuê nhà kinh doanh đã trả lại mặt bằng và rời đi sau khi sự việc bị phát giác. Cũng theo ông này, quán cafe phim đã hoạt động được hơn 10 năm, qua nhiều đời chủ nhưng chưa bao giờ xảy ra sự cố, vừa qua công an tới làm việc khiến ông rất bất ngờ.
Càng bất ngờ hơn là ngay sau gần 2 tháng kể từ ngày chuyển đi, quán cà phê phim này lại vẫn hoạt động như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sau tất cả, dựa vào tất cả những gì vừa tận mắt chứng kiến, dường như vẫn chẳng có gì để đảm bảo sự việc nêu trên không thể tái diễn.
Chẳng gì có thể đảm bảo những cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin sẽ không bị những lời ngon ngọt dụ dỗ, bị kẻ xấu xâm hại, bất lực van xin nhưng chẳng thể cản được những hình ảnh riêng tư của mình chính trong căn phòng tối tăm ngột ngạt đó được lan truyền đến bất cứ đâu trên trái đất này, không cách nào xóa sạch, để rồi mang nỗi ám ảnh, đau đớn suốt phần đời còn lại.
Từ trải nghiệm mới mẻ đến cái nhìn tiêu cực
Liên quan đến vấn đề này, chị Chi (29 tuổi, Hà Nội) cho biết, chính bản thân chị là một người từng cho thuê nhà để làm cà phê phim, tuy nhiên, khi nhìn thấy những hình ảnh được chúng tôi chia sẻ, chị cũng rất bất ngờ:
"Trước kia chị cho thuê phòng thì một tầng có 2 phòng đối diện nhau, khoảng 20 - 30 mét vuông, sẽ có một cái máy chiếu để các bạn xem phim và một chiếc sofa lớn, thực tế chị cũng chưa thử mà chỉ cho các bạn ấy thuê thôi. Phòng ốc tương đối sạch sẽ và lịch sự, chỉn chu, các bạn ấy vận hành như nào thì chị không rõ là tính theo tiếng hay qua đêm như nào."
Ngoài quán cà phê phim nói trên, chúng tôi cũng ghé một vài quán cà phê phim khác tại Hà Nội. Với phòng ốc rộng rãi hơn, các thông báo nội quy rõ ràng, đội ngũ nhân viên hướng dẫn khách chuyên nghiệp... nhưng vẫn khá nhiều băn khoăn khi không rõ vì lý do gì, thay vì ghế ngồi xem phim, người ta lại bố trí giường nằm hoặc có cần một phòng tắm ở bên trong nơi chỉ đơn thuần vào để xem phim?
Khi được hỏi về việc liệu có cách nào để các bạn - đặc biệt là các bạn nữ trẻ - có thể bảo vệ bản thân trước những mối nguy có thể ẩn nấp sau những "buổi xem phim" trá hình, chị Chi cho hay:
"Các bạn ấy xác định rõ mục đích đến đây để làm gì thì đó là quyết định riêng của các bạn. Còn các bạn đến với thông tin mù mờ không rõ ràng, như đến hôm nay để xem phim thôi thì không biết xem phim sẽ gần gũi như này thì nguy cơ các bạn bị lừa sẽ rất cao. Các bạn nữ nên tìm hiểu trước nơi mình định đến và phương pháp bảo vệ an toàn cho bản thân mình.
Đối với mô hình lành mạnh, người quản lý quán cà phê là người phải giữ vững được sự trong sáng của loại hình kinh doanh này thì nó mới có thể phát triển. Các bạn ấy có đang dung túng cho loại hình kinh doanh này hay không là do cách vận hành. Diện tích phải đúng tiêu chí, không có những đồ nhạy cảm, không phải giường nằm...".
Một quán cà phê phim khác trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thảo Nguyên (sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải) - đối tượng khách hàng chính mà những quán cà phê phim hướng tới- cho hay, tùy vào mục đích mà việc đến các quán cà phê phim sẽ mang lại cho mỗi người một trải nghiệm khác nhau:
"Tôi có nghe qua nhưng chưa từng trải nghiệm loại hình cà phê phim. Nếu mọi người vào đúng mục đích thì sẽ đưa đến cho mình cái nhìn khác. Ví dụ như bạn tôi đi với bạn bình thường, mọi người xem phim, có chỗ riêng tư, kết hợp nhiều loại hình mới. Ban đầu bạn tôi đi về kể thì cũng khá mới mẻ, tôi cũng định thử nhưng cũng quên chưa đi.
Nhưng khi đọc một số bài báo, mọi người bảo là một số cặp đôi lấy chỗ đó làm nơi quan hệ tình dục cũng như đồ đạc ở đó không được sạch sẽ... nên tôi đã có cái nhìn hơi tiêu cực về loại hình kinh doanh này".
Với Thảo Nguyên, việc các bạn nữ tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và cảnh giác với các mối hiểm họa là điều quan trọng để có thể bảo vệ bản thân trước những "bẫy ẩn"- không chỉ ở quán cà phê phim mà còn nhiều địa điểm khác:
"Nếu bạn nữ trang bị cho mình kiến thức thì sẽ đề phòng và cảnh giác. Nhưng với những bạn chưa lần nào trải nghiệm và cũng chưa biết nhiều về loại hình hoạt động như này, lại vào cùng người có ý đồ không trong sáng thì có thể bị lợi dụng, đụng chạm, khiến bạn khó chịu và không thể nói với ai. Hoặc bạn cũng có nguy cơ bị người khác sử dụng những hình ảnh ghi lén để đe dọa. Điều này sẽ khá khó với các bạn có tính cách hiền lành, các bạn sẽ không biết làm gì trong trường hợp ấy."
Hiện nay, những mô hình cà phê phim vẫn đang mọc lên với những chiêu trò quảng cáo như chiếu phim 3D, phim có thuyết minh, phụ đề, không quên lời "nhắc khéo" về không gian yên tĩnh, không bị ai làm phiền...
Điểm chung của những quán cà phê phim này là luôn đầy đủ giường, đệm, chăn gối và cả nhà tắm. Với cách làm này có thể thấy, chủ của những quán cà phê phim đang "lách luật" không cần giấy phép kinh doanh nhà nghỉ nhưng vẫn cung cấp dịch vụ ngủ, nghỉ theo giờ. Trong phòng chiếu chỉ có hai người, xem phim có thể chỉ là cái cớ cho những việc khác.