Phòng không Ukraine kiệt sức trước đòn tập kích như vũ bão của Nga

Hồng Anh |

VOV.VN - Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không trong bối cảnh Nga tăng cường không kích vào một loạt thành phố tại quốc gia này.

Nga đã tiến hành một loạt cuộc không kích lớn kể từ đầu năm 2024, trong đó có cả những cuộc tấn công tên lửa dữ dội nhất nhằm vào nhiều khu vực của Ukraine. Ukraine hiện đang phải gồng mình đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng trong khi nguồn cung cấp hệ thống phòng thủ của phương Tây có hạn.

Các nhà phân tích cho rằng, những cuộc tấn công dữ dội bằng các loại tên lửa mà Nga đã dự trữ suốt nhiều tháng qua nhằm mục đích áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Cách tiếp cận này đã giúp Moscow đạt được một số thành công nhất định. Giới chức Ukraine cho biết, nước này chỉ đánh chặn được 18 trong tổng số 51 tên lửa mà Nga phóng đi hôm 8/1.

Phòng không Ukraine kiệt sức trước đòn tập kích như vũ bão của Nga- Ảnh 1.

Quân đội Ukraine sử dụng tổ hợp phòng không MR-2 Viktor trong huấn luyện. Ảnh: Defense Express

Ngoài ra, Nga cũng được áp dụng một số chiến thuật mới như sơn màu đen cho các máy bay không người lái có nguồn gốc từ Iran, để ngụy trang và tránh bị đối phương phát hiện khi triển khai vào ban đêm. Bên cạnh đó, Moscow cũng chuyển bộ phận xả khói của động cơ của một số máy bay không người lái từ phía sau ra phía trước, nhằm đánh lạc hướng các tổ hợp phòng không của đối phương chuyên sử dụng kính ngắm ảnh nhiệt, các thành viên của một đơn vị Ukraine nói với CNN.

Sau khi truyền thông Ukraine đưa tin về việc Nga sẽ thay thế các mẫu UAV chạy bằng động cơ cánh quạt bằng UAV chạy bằng động cơ phản lực, giới chức Ukraine cho rằng đây là mối đe dọa lớn đối với họ.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, người phát ngôn Bộ chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat cho biết phiên bản máy bay không người lái Shahed chạy bằng động cơ phản lực được Moscow ưa chuộng sẽ hoạt động “giống như một tên lửa hành trình mini”.

Theo ông Yurii Ihnat, những UAV có tải trọng nhỏ nhưng có tốc độ bay nhanh hơn nhiều, có thể lên tới 500km/h, khiến chúng khó bị bắn hạ. Nga vẫn chưa lên tiếng xác nhận liệu những máy bay không người lái này có được sử dụng ở Ukraine hay không.

Chiến thuật đối phó của Ukraine

Trên một cánh đồng phủ đầy băng tuyết bên ngoài thủ đô Kiev, các binh sỹ Ukraine đang ngày đêm diễn tập cùng với xe tải phòng không di động, sẵn sàng khai hỏa trong vòng vài phút sau khi xuất hiện.

Các binh sỹ Ukraine đã kết hợp súng máy hạng nặng có từ thời Liên Xô với kính ảnh nhiệt và máy tính bảng hiển thị hình ảnh đời mới. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và công nghệ cũ đã phát huy hiệu quả trong việc chống lại máy bay không người lái.

Chỉ huy tiểu đội phòng không của Ukraine - Thiếu tá Vitaliy Yasinsky cho biết: “Trước đây chúng bay theo một quỹ đạo duy nhất, nhưng bây giờ chúng bay theo đường zigzag. Máy bay không người lái có thể bay vòng tròn, lượn xung quanh, lao xuống dưới, sau đó bay lên khoảng nửa km, rồi lao nhanh xuống. Chúng rất cơ động, khó bị phát hiện và tiêu diệt”, ông Yasinsky nói.

Vào những đêm trời nhiều mây, lính phòng không Ukraine buộc phải sử dụng tai nhiều hơn mắt để nhắm bắn. Họ phải tập trung lắng nghê âm thanh của động cơ UAV. Các đơn vị nhỏ và cơ động như của Yasinsky đang được Ukraine trông cậy để bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là trước cuộc tấn công của máy bay không người lái bay chậm.

Ukraine đã bố trí các hệ thống phòng không nhỏ cùng với mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của phương Tây như tổ hợp Patriot của Mỹ IRIS-T của Đức. Nếu các hệ thống hiện đại của phương Tây khá phù hợp để đối phó với tên lửa nhanh nhất của Nga, thì các hệ thống nhỏ cung cấp sức mạnh bổ sung giúp Ukraine bảo vệ bầu trời.

Lực lượng phòng không Ukraine cho biết, họ đã mở một số hộp đựng tên lửa phòng không cầm tay Stinger do phương Tây tài trợ, có tuổi đời hàng chục năm, nhưng họ vẫn đánh giá cao loại vũ khí này.

Hồi đầu tháng 1, các quan chức Mỹ cho rằng Nga có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tấn công các thành phố lớn của Ukraine. Đây có thể là dấu hiệu Moscow đang đối mặt với áp lực trong việc tích trữ và sản xuất vũ khí tầm xa trong nước. Hiện, giới chức Ukraine vẫn đang phân tích mảnh vỡ từ các cuộc tấn công mới nhất của Nga để xác định nguồn gốc tên lửa.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho rằng Mỹ "đang lan truyền thông tin không đúng sự thật". Triều Tiên cũng khẳng định thông tin nói Nga dùng tên lửa của nước này tập kích Ukraine là "vô căn cứ" và không cần bình luận về những cáo buộc tương tự.

Sức chống đỡ của hệ thống phòng không Ukraine đã tới hạn?

Ông Oleksiy Melnyk, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính trị Razumkov trụ sở tại Kiev cho rằng, các đợt tấn công mới nhất của Nga đã được “lên kế hoạch rất kỹ lưỡng”. Theo chuyên gia này, Nga đã triển khai một loạt UAV và phóng tên lửa từ nhiều tuyến đường khác nhau. Chúng được cho là những “con tốt thí” để giúp Moscow tìm kiếm điểm yếu của hệ thống phòng thủ Ukraine.

“Mục tiêu hiện nay của Nga là các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Mặc dù Moscow không thừa nhận chính thức, nhưng một phần đáng kể trong số các tên lửa này đã bắn trúng mục tiêu. Tuy vậy, hiệu quả của các tên lửa đánh chặn nhằm vào các tên lửa đang bay tới của Nga là rất cao”.

Theo ông Oleksiy Melnyk, lực lượng phòng không Ukraine đang hoạt động với năng lực tối đa, thường tấn công hơn 70% số mục tiêu, đôi khi cố gắng đánh chặn 100% các mục tiêu. Để ngăn chặn tên lửa Nga, Ukraine sẽ cần nhiều khẩu đội tên lửa đánh chặn hơn – đây là điều mà Tổng thống Zelensky cho rằng quốc gia này “vẫn đang thiếu” vì Kiev hiện không thể sản xuất các hệ thống phòng không hiện đại cùng với các đối tác.

Để ngăn chặn làn sóng hỏa lực của Nga, Ukraine cần nhắm mục tiêu vào hệ thống phòng không của Moscow ở bên kia biên giới. Tuy nhiên, công việc này đặt ra nhiều thách thức, do Kiev bị hạn chế về khả năng tiếp cận tên lửa tầm xa hoặc hệ thống pháo binh tiên tiến của phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại