Phòng chống dịch Covid-19: Còn hiện tượng chủ quan, lơ là

Thế Dũng |

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất bằng được vắc-xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn

Tối 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung Bộ đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để tiếp tục đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác phòng chống dịch.

Một số địa phương chưa nghiêm

Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam và quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua 5 ngày triển khai Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn; mặt khác nhiều ca bệnh đã có trong cộng đồng từ trong thời gian trước đó. Các ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đông người, có cả người khám sàng lọc tại bệnh viện. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.

Tuy nhiên, công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương còn chưa nghiêm, nhất là tại một số nơi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh…

Phòng chống dịch Covid-19: Còn hiện tượng chủ quan, lơ là - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất vắc-xin trong nước Ảnh: NHẬT BẮC

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Dù vậy, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị và một số người dân; việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có nơi còn chưa nghiêm; một số nơi vẫn còn tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động; một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát; có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách; việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả theo quy định; việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" chưa nghiêm túc, nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng; tổ chức tiêm vắc-xin tại các địa phương còn chậm; hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ…

Thủ tướng khẳng định: "Ưu tiên số 1 của TP HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp lúc này là phòng chống dịch Covid-19, những nơi đáp ứng được yêu cầu, an toàn phòng chống dịch vẫn duy trì, khôi phục sản xuất, song các doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" để duy trì sản xuất và phòng chống dịch. Chính phủ tiếp tục chia sẻ, tạo điều kiện tối đa để TP HCM và các tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống, sản xuất".

Để phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, tập trung, nhất quán ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bí thư tỉnh/thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 16 tại địa phương. Phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định; truy vết, xét nghiệm nhanh, điều trị hiệu quả, phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị theo ưu tiên, hạn chế tối đa ca tử vong; các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp "chặt ngoài, lỏng trong"; tuyên truyền, động viên để các tầng lớp nhân dân thực hiện; không để phát sinh các vùng dịch mới; bảo vệ vùng an toàn những nơi không có dịch; bảo đảm phòng chống dịch đạt kết quả chắc chắn, bền vững...

Tăng cường hoạt động của các Tổ Covid-19 cộng đồng, phối hợp với các lực lượng chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động, kiểm soát người dân thực hiện Chỉ thị 16; tiếp tục thành lập các trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh; chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó nhất thiết không để thiếu máy thở, ôxy phục vụ chữa bệnh…

Tính mạng của dân là trên hết

Chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cơ quan liên quan về việc sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19 trong nước, tổ chức vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất bằng được vắc-xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm các nguyên tắc và quy định về khoa học, thực tiễn và pháp lý.

Theo Thủ tướng, những vướng mắc về pháp lý thì Chủ tịch Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đã ủng hộ việc đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết trong đó có nội dung liên quan tới vấn đề này. Bộ Tư pháp và Bộ Y tế đã và đang tiến hành các công việc liên quan. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan này cần khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung, thủ tục cần thiết để trình Quốc hội xem xét, quyết định, giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất vắc-xin trong nước.

Với vắc-xin COVIVAX do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, ngày 27-7 sẽ có kết quả đánh giá tính sinh miễn dịch, đến ngày 30-7 nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang giai đoạn 2. Về chuyển giao công nghệ, Tập đoàn VinGroup đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, M. Dự kiến tháng 8 bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm. Công ty C Tiến bộ quốc tế và Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu: "Không thể khoán trắng cho các nhà sản xuất".

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện để được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, công bằng, minh bạch. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của WHO trong việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 và dành ưu tiên đặc biệt cho việc này.

Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Tối 23-7, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Theo đó, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 24-7-2021 trên phạm vi toàn TP.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng...

B.H.Thanh

Thêm 1,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca về Việt Nam

Ngày 23-7, thêm 1.228.500 liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Đây là lần giao vắc-xin thứ năm và cũng là lượng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng của Công ty CP Vắc-xin Việt Nam VNVC với AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương 37% tổng lượng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Số còn lại đến từ chương trình COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.

photo-1

Lô vắc-xin 1,2 triệu liều AstraZeneca đã về Việt Nam, ngày 23-7 Ảnh: VNVC

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi, cho biết tổng cộng đã có gần 8,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam, chiếm 76% nguồn cung vắc-xin Covid-19 trên cả nước. Vắc-xin của AstraZeneca được cấp phép sử dụng và cung cấp tại Việt Nam để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế.

N.Thạnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại