Thầy Đạt cho rằng, có một ngày để phụ huynh và học sinh quan tâm đến các thầy cô là rất tốt, điều đó giúp cho những người đã trải qua thời học sinh gặp lại và nhớ về thầy cô giáo cũ của mình.
Nhưng chỉ nên là những tình cảm trong sáng như vậy chứ không nên làm những mít tinh ồn ào bởi nó chỉ giống như một vở diễn.
“Tôi cho rằng học sinh nên quay lại thăm thầy cô giáo cũ của mình hoặc nếu không có thời gian thì gọi điện hoặc nhắn tin, chúng ta nên học cách quan tâm đến nhau nhiều hơn, bớt đòi hỏi ở người khác đi” - thầy Đạt nói.
Lãnh đạo trường Anhxtanh nói thêm, khi mọi người đều nghĩ việc tặng phong bì cho giáo viên là việc phải làm thì lòng biết ơn không còn là tình cảm xuất phát từ trong tâm, nhiều người nghĩ tặng phong bì cho giáo viên cho nhanh gọn thì phũ phàng quá, nó giống như hoàn thành một nghĩa vụ vậy.
“Tiền trong phong bì không phải thứ vật chất bình thường mà nó bao hàm cả lòng tham.
Mấy chục hay mấy trăm nghìn của phụ huynh này tặng là bình thường nhưng với người khác sẽ thế nào, chính bản thân người tặng cũng băn khoăn xem tặng thế là ít hay là nhiều.
Vài trăm nghìn với gia đình khó khăn là rất quý nhưng lại không đáng kể với gia đình người khác.
Cho nên, tôi nghĩ rằng, 20.11 là ngày giáo viên, chung vui với các thầy cô thì nên quan tâm đến vấn đề tinh thần nhiều hơn, nếu trong ngày đó giúp đỡ được cả những đồng nghiệp và học sinh vùng khó thì quả thật rất có ý nghĩa” - thầy Đạt khẳng định.
Nói về việc cứ đến ngày 20.11, câu chuyện phong bì lại tạo nên những áp lực cho cả giáo viên và phụ huynh, thầy Đạt cho rằng, giáo viên không nhận phong bì thì không còn áp lực nào hết, không thể đổ lỗi cho phụ huynh được.
Có những món quà khi nhận thấy rất vui vẻ, nhưng cũng có món quà nhận rồi lại giống như món nợ. “Đừng biến ngày 20.11 thành ngày để hối lộ nhau, thành ngày để người ta buộc phải làm những điều mình không muốn” – thầy Đạt nói.