Trong Hiệp định TPP hai mặt hàng mà Mỹ đòi độc quyền là dược phẩm và các hóa chất, vật dụng sử dụng trong nông nghiệp. Nhưng Việt Nam hiện nay không tôn trọng luật sở hữu trí tuệ.
"Chẳng hạn với mặt hàng thuốc DN phân tích các thành phần, sau đó nhập hoạt chất, nguyên liệu từ các nước về xào nấu theo công thức và đặt ra một cái tên khác… thì vấn đề này cần phải chấm dứt”, đây là thông tin chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ tại Hội thảo DN Việt tranh nguy tránh cơ như thế nào do Tri Tri Group tổ chức ngày 3/7.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các DN Việt Nam phải và nên thâm nhập thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường có sức mua lớn mà cả thế giới không bỏ qua dù là thị trường cực kỳ phức tạp.
Kinh nghiệm làm ăn tại Trung Quốc chỉ ra, nếu DN xuất khẩu vào Trung Quốc, điều đầu tiên phía Trung Quốc cho biết thương hiệu này đã đăng ký rồi thì DN phải kiên trì đòi lại thương hiệu đó.
Khi xuất khẩu thành công thì sau một tháng xuất hiện hàng nhái, hàng giả. DN phải chấp nhận cuộc chiến về sở hữu trí tuệ.
Còn chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến kể trong một lần đi Nhật thấy có gói “phở” Việt Nam nhưng là “made in Thái Lan”.
Ngay trong chuyến đi Thái mới đây thấy ngay siêu thị ở Thái cũng có sản phẩm này. Điều này cho thấy người Thái nhanh hơn người Việt khi đánh vào marketing concept của người dùng.
Vì món phở Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, người nước ngoài ấn tượng thì người Thái đã nhanh chân kinh doanh.
“Nếu về xuất khẩu thực phẩm cho thấy Việt Nam đã chậm cơ hội, bị trở thành người đi sau. Vậy còn bao nhiêu cái nữa chúng ta chậm cần phải xem xét lại và cố gắng đi nhanh vượt trước chứ không đi tắt đón đầu.
Vì vậy, tranh thủ cơ hội ở đây nghĩa là DN phải khai thác hết tất cả cơ hội của mình” - ông Chiến nhấn mạnh.