Súng ngắn chĩa vào đầu Phó tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner. Nguồn: CNN.
Đệ nhất phu nhân Cristina Fernández de Kirchner (phải) vận động tranh cử cùng chồng - ông Néstor Kirchner năm 2007. Ảnh: Getty Images.
Bà Fernández de Kirchner làm Tổng thống Argentina từ năm 2007 đến 2015, trước khi nhậm chức phó tổng thống vào năm 2019. Bà không bị thương trong vụ ám sát hụt ở bên ngoài nhà của bà ở thủ đô Buenos Aires hôm thứ Năm (giờ địa phương). Vụ việc được truyền hình trực tiếp.
Video về vụ việc cho thấy một người đàn ông tiếp cận bà Fernández de Kirchner, chĩa súng ngắn vào đầu bà. Mặc dù người đàn ông có vẻ đã bóp cò súng, nhưng không có viên đạn nào được bắn ra, và anh ta bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó. Khẩu súng có đạn bên trong, theo Bộ An ninh.
Nghi phạm được Télam, hãng thông tấn chính thức của Argentina, xác định là Fernando Andrés Zabak, quốc tịch Brazil.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez dự kiến sẽ sớm có bài phát biểu trước quốc dân.
Vụ ám sát xảy ra trong một cuộc biểu tình của những người ủng hộ bà Fernández de Kirchner. Các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài nhà của bà trong vài ngày qua, để phản ứng một phiên tòa đang diễn ra, trong đó bà bị cáo buộc tham nhũng.
Đầu tháng 8, một công tố viên liên bang đề nghị mức án 12 năm tù dành cho bà Fernandez de Kirchner. Tòa án vẫn chưa ra phán quyết về đề nghị này.
Những ngày sau đó, những người ủng hộ bà Fernandez de Kirchner đã đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Argentina. Télam đưa tin, cảnh sát đã dùng gậy và hơi cay để xử lý những người biểu tình sau khi một nhóm người làm sập hàng rào gần nhà bà.
Năm 2016, một thẩm phán truy tố bà Fernández de Kirchner cùng với 11 người khác về tội tham nhũng và liên kết bất chính. Bà bị cáo buộc đã điều hướng các công trình đường công cộng cho một công ty có tên là Austral Constructions trong nhiệm kỳ tổng thống của bà.
Phó tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner năm 2021. Ảnh: Senado.
Thăng trầm trên chính trường
Bà Fernández de Kirchner sinh ngày 19/2/1953, thường được gọi bằng chữ cái đầu là CFK. Bà là một luật sư, là phó tổng thống thứ 37 của Argentina kể từ năm 2019.
Bà là tổng thống thứ 54 của Argentina từ năm 2007 đến 2015 và là đệ nhất phu nhân trong nhiệm kỳ của chồng, Néstor Kirchner. Bà là nữ tổng thống thứ hai của Argentina (sau Isabel Perón) và là nữ tổng thống được bầu đầu tiên của Argentina.
Về mặt tư tưởng, bà tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa Peron và là một người tiến bộ, với cách tiếp cận chính trị của bà được gọi là chủ nghĩa Kirchner.
Bà Cristina Fernández de Kirchner thời trẻ. Ảnh: Wikipedia.
Bà là đệ nhất phu nhân từ năm 2003 đến năm 2007 sau khi chồng bà đắc cử tổng thống. Tổng thống Néstor Kirchner đã không tái tranh cử và vợ ông được bầu làm tổng thống năm 2007. Nhiệm kỳ đầu tiên của bà bắt đầu bằng một cuộc xung đột với lĩnh vực nông nghiệp, và hệ thống thuế do bà đề xuất đã bị từ chối.
Sau đó, bà quốc hữu hóa các quỹ hưu trí tư nhân, và sa thải chủ tịch Ngân hàng Trung ương. Giá dịch vụ công vẫn được trợ cấp và kết quả là bà đã tái quốc hữu hóa công ty năng lượng YPF.
Bà tiếp tục các chính sách nhân quyền của chồng, và có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với báo chí. Ông Néstor Kirchner qua đời năm 2010, và vợ ông được bầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2011. Bà đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011 với 54,11% số phiếu, tỷ lệ phần trăm cao nhất mà một ứng viên tổng thống có thể giành được kể từ năm 1983.
Bà Fernández de Kirchner đã thiết lập các biện pháp kiểm soát tiền tệ trong nhiệm kỳ thứ hai của mình và đất nước rơi vào tình trạng vỡ nợ năm 2014. Bà rời nhiệm sở năm 2015.
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của bà, một số vụ bê bối tham nhũng đã xảy ra và sau đó chính phủ của bà phải đối mặt với một số cuộc biểu tình chống lại sự lãnh đạo của bà.
Bà Fernández de Kirchner bị buộc tội vì gian lận trong việc bán hợp đồng tương lai bằng đô la với giá thấp, nhưng sau đó được tuyên trắng án.
Năm 2015, bà bị truy tố vì cản trở cuộc điều tra vụ đánh bom AMIA năm 1994, sau cáo buộc gây tranh cãi của Alberto Nisman về một bản ghi nhớ được ký kết giữa chính phủ của bà và Iran được cho là nhằm tìm kiếm sự trừng phạt đối với những người Iran liên quan vụ tấn công khủng bố.
Năm 2017, một lệnh bắt giữ được đưa ra đối với bà Fernández de Kirchner với cáo buộc tội phản quốc. Nhưng do quyền miễn trừ của quốc hội, bà không phải chấp hành và cáo buộc phản quốc sau đó được bãi bỏ, trong khi những cáo buộc khác liên quan lời buộc tội của Nisman vẫn còn.
Năm 2018, bà Cristina Fernández de Kirchner bị truy tố về tội tham nhũng với cáo buộc rằng chính quyền của bà đã nhận hối lộ để đổi lấy các hợp đồng công trình công cộng.