Thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thứ được xem sẽ làm thay đổi mạnh mẽ ngành sản xuất, dịch vụ cũng như cuộc sống của con người. Viettel đã chuẩn bị hạ tầng ra sao cho cuộc cách mạng này, thưa ông?
Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng kết nối và trí tuệ nhân tạo. Riêng với kết nối, cuộc cách mạng này sẽ thay đổi bản chất của thế giới, không chỉ còn là tương tác giữa người với người, mà còn là giữa con người với thiết bị, thậm chí giữa thiết bị với nhau.
Với Viettel, xét trên cả kết nối có dây và không dây, đó đều là thế mạnh của chúng tôi bởi tập đoàn có hạ tầng trải rộng khắp Việt Nam. Về kết nối có dây, Viettel dựa vào công nghệ cáp quang, phủ rộng tới từng xã, tới từng hộ gia đình ở Viêt Nam. Trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu là 24 triệu hộ gia đình trên khắp đất nước sẽ trở thành những Home BTS (thế giới gọi là Home Gateway), để kết nối không chỉ một mà là hàng trăm thiết bị công nghệ, gia dụng với nhau.
Về kết nối không dây, 4G hiện nay và 5G trong tương lai sẽ trở thành những nền tảng chính. Viettel chỉ mất 6 tháng để hoàn thành phủ sóng 4G toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trở thành nhà cung cấp hiếm hoi trên thế giới phủ 4G rộng khắp ngay khi khai trương dịch vụ. So với 3G mất 8 năm, 2G mất 10 năm để hình thành một mạng lưới đầy đủ thì với 4G, chúng tôi đi nhanh hơn khoảng 20 lần.
Đầu tư nhanh, triển khai nhanh như vậy nhưng với việc sử dụng công nghệ vượt trội 4 thu 4 phát, khách hàng đều có thể cảm nhận sau 4 tháng kinh doanh 4G, vùng phủ của mạng lưới này không khác gì 2G và 3G, trong khi tốc độ vượt trội hơn hẳn.
Với nền tảng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu lớn và nền tảng đám mây, Viettel đã đầu tư 4 data center đúng chuẩn Tier3 phổ biến của thế giới, và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông cùng lúc.
Về nền tảng phần mềm, Viettel có hơn 3.000 kỹ sư, làm cả trong lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thiết bị, phần mềm, thiết bị viễn thông. Hiện tại, Viettel đã làm chủ phần lớn các thiết bị về viễn thông, ví dụ như đưa vào thực tế sử dụng 1.000 trạm BTS 4G do chính Viettel sản xuất, chất lượng không thua kém các nhà cung cấp chuyên nghiệp như Ericsson, Nokia,… Trong tương lai chúng tôi sẽ phủ hết các thiết bị lõi bằng sản phẩm và công nghệ của Viettel .
Các dự án 4.0 nổi bật nhất mà Viettel đang thực hiện là gì thưa ông?
Hiện tại, Viettel đang thực hiện nhiều các dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước. Viettel cũng đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em.
Về giáo dục, Viettel đã có những dự án rất thiết thực như phần mềm cho chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình Internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được tập đoàn cung cấp hạ tầng internet miễn phí.
Trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, Viettel tập trung vào phát triển hạ tầng sản phẩm thông minh như hệ thống tưới tiêu tự động, cảnh báo giám sát chất lượng nước, đất, không khí để giúp các ngành nuôi tăng năng suất, giảm rủi ro bệnh tật.
Với các thành phố lớn, chúng tôi tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết nhất như ở TP HCM là giao thông, an ninh môi trường, trật tự xã hội. Tại Hà Nội, đó là một dự án tham vọng khi biến mỗi hộ gia đình trở thành một Home Getway, kết nối với chính quyền, hạ tầng dịch vụ cơ sở thông qua hệ thống máy tính, di động.
Như vậy có thể thấy các mục tiêu lớn của Viettel là: Mỗi người dân có một ID công dân duy nhất; Mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân; Mỗi học sinh có một học bạ điện tử và Mỗi gia đình trở thành một Home BTS (có 1 Home Gateway kết nối với xã hội)
Để thực hiện được hàng loạt dự án lớn như vậy, với một khối lượng công việc khổng lồ, Viettel làm sao có thể thực hiện được hết?
Chúng tôi xác định mình không thể làm tất cả mọi việc, nhất là với khối lượng công việc, dự án khổng lồ sẽ thực hiện cho Chính phủ, tỉnh thành, doanh nghiệp và người dân. Viettel sẽ chỉ đảm đương 20-30% lượng công việc, 70% còn lại chúng tôi sẽ kết hợp với các đối tác, các nguồn lực có chung định hướng phát triển với Viettel.
Trong 30% đó, Viettel sẽ làm những phần việc lớn như thực hiện các IoT Platform, khung kiến trúc của smartcity để thuận lợi cho quá trình kết nối các địa phương hay thực hiện việc tích hợp trên các nền tảng lớn của Microsoft, IBM hay chính những doanh nghiệp của Việt Nam, công ty khởi nghiệp.
Đó là lý do Viettel tham gia sâu hơn vào các cuộc thi tìm kiếm những người đi cùng. Với cách mạng 4.0, không ai muốn đi một mình cả. Chúng tôi hi vọng Viettel sẽ trở thành 1 trong những hạt nhân, tổ chức đi đầu và kéo lực lượng đi cùng để làm sao Việt Nam không tụt hậu so với thế giới, bỏ lỡ những cuộc cách mạng công nghiệp như 3 lần trước đây.
- Bức tranh xã hội 4.0 trong tương lai đó rất đẹp, nhưng với những người thực hiện chắc hẳn sẽ có nhiều thách thức thưa ông?
- Thách thức lớn nhất là chúng ta còn thiếu những trưởng dự án có kinh nghiệm, năng lực, bởi Việt Nam lâu nay đã quen với việc chỉ đi làm gia công, chưa thực hiện phần việc dẫn dắt, thiết kế, phân công và tích hợp.
Sự thay đổi mạnh mẽ trong xã hội trong cách mạng 4.0 cũng sẽ tạo ra những thách thức đối với các khách hàng của chúng tôi. Ví như với ngành điện, họ quyết tâm thực hiện thu phí qua phần mềm, nhưng sẽ giải quyết thế nào với lực lượng cả chục nghìn nhân viên đang thực hiện công việc thu tiền điện trực tiếp hàng tháng. Đó là những vấn đề rất lớn về xã hội cần phải đối mặt.
Ngoài ra, với những dự án lớn cho Chính phủ, bộ ngành, Viettel cũng sẽ gặp rất nhiều áp lực về thời hạn thực hiện. Vậy nên chúng tôi đặt mục tiêu với các dự án chỉ thực hiện rốt ráo trong vòng 2 năm, và từng 6 tháng sẽ phải có những kết quả rõ nét.
Bên cạnh đó, quyết tâm thực hiện của các tổ chức là Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp cũng là một vấn đề lớn bởi khi đưa công nghệ mới vào sẽ làm thay đổi tổ chức và cách vận hành tổ chức. Trong đó sẽ có nhiều thứ không dễ tiếp nhận, nhất là việc liên quan đến nhân sự, quy trình quản lý cũng phải thay đổi. Theo đó, nhiều nhân sự cũ nếu không được trang bị kiến thức sẽ bị tụt lại phía sau. Nếu không kiên định, quyết tâm cao thì sẽ khó thực hiện được và điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý chí của người đứng đầu tổ chức.