"Hầu hết người Việt Nam chúng ta đều nghĩ rằng Việt Nam là nước nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển nên bất cứ lĩnh vực nào của kinh tế, chúng ta cũng đi sau, lạc hậu hơn các nước Âu, Mỹ vài chục năm, tối thiểu là 10-15 năm.
Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, chúng ta đã có và tương lai sẽ có một số ngành kinh tế có thể ngang bằng thế giới, kể cả các nước Âu, Mỹ nếu...", Chủ tịch FPT IS mở đầu bài viết với một câu trả lời để ngỏ.
Từ viễn thông đã ngang bằng thế giới nhờ "đi tắt đón đầu"...
Nhắc lại câu chuyện từng xảy ra ở Mỹ cách đây hơn 10 năm trong một chuyến công tác, Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo cho biết khi ấy đoàn ông gồm có 10 người, lưu trú tại Mỹ trong 10 ngày. "Để thuận tiện liên lạc và tiết kiệm chi phí, người hướng dẫn phát cho mỗi người 1 chiếc điện thoại đi động (ĐTDD) của một nhà mạng Mỹ.
Buổi sáng đầu tiên, để ăn sáng tập trung, trước khi vệ sinh cá nhân, tôi nhắn tin cho mấy anh bạn hẹn đúng 8h30 ở nhà ăn, nhưng có 3-4 anh bạn xuống muộn 15 phút, các anh giải thích "không nhận được tin nhắn".
Mãi đến khi ngồi vào bàn ăn, chúng tôi mới nghe tiếng tít tít, như vậy phải 30 phút tin nhắn mới đến nơi. Bực mình tôi lấy điện thoại Việt Nam (roaming) ra nhắn thì chỉ 1 giây là đến, tôi chợt buột miệng: "hoá ra ĐTDD Việt Nam hơn Mỹ à?".
Sau sự cố nhắn tin ở Mỹ tôi chợt phát hiện ra một điều: Ngành viễn thông Việt Nam đã ngang bằng với thế giới, kể cả các nước Âu Mỹ".
Ông Bảo cho rằng giờ đây, bất cứ người Việt nào cũng có thể kiểm chứng trải nghiệm về viễn thông tương tự như mình. Ngoài chất lượng kỹ thuật, sự đa dạng về dịch vụ khá tương đồng, Việt Nam còn có phần ăn đứt các nước khác ở tiêu chí thuận tiện khi mua sim, thẻ, thanh toán cước phí.
Từ thực tế này, người điều hành của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam phân tích, thị trường Việt Nam đã được các doanh nghiệp trong nước khai thác rất tốt, hoàn toàn không chịu gánh nặng của sự tụt hậu, mà nhờ "đi tắt đón đầu" nên đã có xuất phát điểm cùng với điện thoại di động, internet các nước Âu, Mỹ.
"Không một doanh nghiệp Viễn thông nước ngoài nào kiếm được tiền trực tiếp từ thị trường Việt Nam, ngược lại Viettel lại kiếm được nhiều tỷ USD từ thị trường quốc tế".
... đến nông nghiệp công nghệ cao và thành phố thông minh
Lưu ý đến việc muốn "đi tắt đón đầu" phải hiểu rõ 3 yếu tố then chốt là xu hướng công nghệ, mô hình quản trị và mô hình kinh doanh, dưới cái nhìn của người làm công nghệ thông tin, ông Đỗ Cao Bảo đề xuất đầu tư mạnh vào 2 hướng để Việt Nam có thể đuổi kịp và vượt các nước khác.
Đầu tiên là nông nghiệp công nghệ cao.
"Chúng ta đã biết Israel đã đi đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, họ phát hiện ra một điểm đặc biệt quan trọng là "thực chất cây cối không cần có đất" mà "cây cối cần nước, dinh dưỡng và ánh sáng";
Từ đó họ dùng hệ thống phần mềm tính toán, điều khiển hệ thống tưới thông qua những đường ống dẫn nước và dinh dưỡng trực tiếp đến tận rễ cây; hệ thống sẽ biết lúc nào cây hết nước, lúc nào cây cần bón loại phân gì và cần bao nhiêu, lúc nào thì cây cần ánh sáng, cần nhiều hay ít;
Với công nghệ chăm bón, tưới như vậy cây sẽ ra năng xuất rất cao, có thể gấp hàng chục lần, với chất lượng rất tốt".
Với việc nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh ở Israel, ở Nhật Bản cũng bắt đầu được dăm năm, nếu Việt Nam đi thẳng vào thì với tiềm năng con người, đất đai, nguồn nước thì ngành Nông nghiệp Việt Nam có cơ hội giống ngành Viễn thông, tức là bằng và có thể vượt nhanh hơn so với các nước phát triển.
Thứ hai là Thành phố thông minh, Giao thông thông minh, Lưới điện thông minh, IOT (Internet of Thing).
Theo vị này, các thiết bị, giải pháp thông minh sẽ thay đổi hoàn toàn xã hội, trong khi mới chỉ đang ở dạng phát triển sơ khai. Việt Nam, do đó, có thể vươn lên nắm lấy cơ hội trong tầm tay, "không chỉ làm cho Việt Nam mà còn xuất khẩu sang các nước khác".
"Các ngành kinh tế khác, tôi không nắm được xu thế công nghệ của ngành đó nên không dám đề xuất. Tôi mong các chuyên gia của mỗi ngành sẽ đề xuất lĩnh vực mà ngành mình "đi tắt đón đầu", chỉ có một điều là các bạn luôn nhớ "muốn đi tắt đón đầu thì phải biết rõ đường đi, biết rõ địa hình, biết rõ khúc cua".