Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 68 điều, trong đó, quy định rõ việc kê khai nội dung đăng ký đất đai, tài sản gắn với đất, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận lần đầu, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất chưa đủ khả năng về tài chính; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong dừng thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm kịp thời ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản trong Luật Đất đai 2024 về điều tra cơ bản đất đai và hệ thống thông tin đất đai. Đây cũng là những nội dung có nhiều điểm mới tại Luật Đất đai năm 2024 so với Luật đất đai 2013.
Do vậy, việc quy định chi tiết trong Nghị định không chỉ bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất Luật đất đai mà còn bảo đảm các mục tiêu đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, đẩy mạnh phân cấp - phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Nêu góp ý cụ thể với nội dung về đo đạc, lập bản đồ địa chính, điều tra đất đai, PGS.TS Lê Thanh Khuyến - Hội Khoa học Đất Việt Nam, cho rằng dự thảo Nghị định vẫn còn những điều khoản trùng lặp, như trong trường hợp tiến hành thu hồi thì chỉ cần đo đạc bổ sung, thay vì đo đạc lại toàn bộ khu đất.
Về nội dung đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, PGS.TS Lê Thanh Khuyến cũng cho rằng, đang có rất nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp và đây là vấn đề liên quan đến người dân nhiều nhất. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đang rất quan tâm giải quyết thông qua cải cách thủ tục hành chính, để rút gọn, giảm bớt phiền hà cho người dân.
“Trong Luật quy định đăng ký lần đầu và đăng ký biến động. Trong đó, đăng ký biến động cần phải gắn liền với các giao dịch đất đai. Khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là được thực hiện giao dịch. Như vậy, toàn bộ thông tin thửa đất và tài sản đã được tích hợp vào giấy chứng nhận, nên việc cấp giấy không cần nặng nề về các thủ tục đăng ký. Khi có giấy chứng nhận, thủ tục đăng ký nên là một thủ tục kèm theo của hoạt động giao dịch đất đai. Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ đồng thời đăng ký biến động và không cần thêm hồ sơ. Từ đó sẽ giảm bớt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp”, ông Khuyến đề xuất.
Về xây dựng hệ thống thông tin đất đai, chuyên gia Hội Tin học Việt Nam cho rằng mỗi thửa đất, mỗi chủ sở hữu có một định danh riêng, nhưng đăng ký thửa đất và chủ sở hữu lại không duy nhất, bởi thực tế, một thửa đất có thể có rất nhiều chủ sở hữu và ngược lại mỗi chủ sử dụng có thể sở hữu nhiều thửa đất. Điều này gây khó dễ trong việc cập nhật dữ liệu, dẫn đến thất thoát hoặc thiếu thông tin. Theo đó các chuyên gia lưu ý bổ sung nội dung này khi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
“Đây là một hệ thống dữ liệu sẽ có đồng thời rất nhiều người truy cập và truy cập cùng lúc. Bộ TNMT và cơ quan quản lý phải ra một loạt các quy chế, quy định để đảm bảo thủ tục cập và sao lưu dữ liệu từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó là làm sao thực hiện đồng bộ hoá cùng lúc tại 63 tỉnh, thành với Trung ương, để đảm bảo tính nhất quán” - Hội Tin học Việt Nam nêu ý kiến.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Nghị định này đóng vai trò quan trọng và là căn cứ, cơ sở để điều tra đất đai, gắn với đánh giá chất lượng đất và vấn đề môi trường. Đồng thời, phải thay đổi tư duy về điều tra cơ bản đất đai, nhằm một mặt xác định rõ khu vực cần thiết thực hiện và một mặt xác định lại thông số điều tra để sát, đúng để phục vụ công tác quản lý và theo dõi biến động tài nguyên đất quốc gia.
Từ thực trạng thiếu thông tin chính xác, tin cậy về hồ sơ, bản đồ địa chính, trong khi dữ liệu đất đai biến động thường xuyên, Phó Thủ tướng cho rằng phải thực hiện số hóa, nhằm thiết lập hệ thống quản trị hiệu quả, giải quyết căn cơ những bất cập, hạn chế trong quản lý đất đai, giảm phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhất là trong xử lý những thửa đất chưa được đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất; miễn giảm các loại phí, hỗ trợ chi phí, cho nợ đối với người sử dụng đất; có chế tài về hoạt động giao dịch với những thửa đất chưa có giấy chứng nhận…
“Về đo đạc, lập bản đồ địa chính, hiện vẫn chưa có dữ liệu chính xác dù đã được quan tâm đầu tư rất nhiều. Biến động đất đai diễn biến rất nhanh, do vậy, dữ liệu cần được cập nhật liên tục. Dữ liệu sau một ngày có thể biến thành số “0”. Do vậy, lập bản đồ địa chính nhằm quản lý biến động và số hóa dữ liệu đất đai hiệu quả. Các thửa đất đã có dữ liệu, thông tin minh bạch, tọa độ, ranh giới rõ ràng sẽ được Nhà nước bảo hộ về mặt pháp lý. Đối với thửa đất đăng ký, cấp Giấy Chứng nhận lần đầu cần giải quyết dứt điểm các tranh chấp (nếu có) theo quy định pháp luật về khiếu nại tố cáo”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu quy định rõ, bảo đảm khả thi về thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với hoạt động điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực cơ sở vật chất, con người của cơ quan tư vấn, điều tra, đo đạc đất đai, và chế tài quản lý.
“Cần các chế định hợp lòng dân và công nhận các quyền pháp lý về đất đai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về cấu trúc hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng cần trả lời những câu hỏi lớn: Mô hình tập trung hay phân tán; Trung ương làm gì, địa phương làm gì; phần mềm nào dùng chung, phần mềm nào dùng riêng; cơ chế khai thác, vận hành sử dụng thông tin đất đai giữa địa phương, Trung ương, các bộ ngành, người dân, doanh nghiệp; phương thức kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác…
Phó Thủ tướng giao Bộ TNMT tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, huy động các chuyên gia khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định trong tháng 6/2024 để khi ban hành không bị vướng mắc, dễ hiểu, dễ thực hiện đối người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.