Trong phiên làm việc chiều 7/6, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) khi đề cập tình trạng thiếu hụt nhân viên đăng kiểm, ùn ứ phương tiện đăng kiểm có một phần trách nhiệm quản lý khi chậm trễ phối hợp để kịp thời đưa ra phương án ứng phó thay thế.
Nữ đại biểu nhấn mạnh bài học trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm sao có cách làm khôn khéo để “đánh chuột không vỡ bình”, tức là phải giữ được sự ổn định, mà ở đây chính là sự ổn định trong thực thi công vụ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp, giữ được hoạt động bình thường.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh)
“Thông qua vụ việc đăng kiểm lần này rút ra bài học kinh nghiệm gì để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng thực chất, thực sự có hiệu quả, thay đổi về chất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu "đánh chuột không để vỡ bình" – đại biểu gửi câu hỏi tới Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Trả lời đại biểu trong phiên làm việc sáng nay 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, qua xử lý những công việc cụ thể có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vụ việc đăng kiểm diễn ra từ lâu, rộng và đối tượng vi phạm nhiều với khoảng 600 người bị khởi tố về nhiều tội danh. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã nhanh chóng điều tra, xử lý theo quy trình tố tụng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Qua vụ việc trên, ông Lê Minh Khái cho rằng, cần rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình đăng kiểm, tách bạch chức năng dịch vụ đăng kiểm. Bên cạnh đó cần chú trọng công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính phòng ngừa.
“Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, phát hiện sớm, xử lý nghiêm mới đáp ứng được yêu cầu “đánh chuột không vỡ bình” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
“Nhốt” quyền lực trong lồng cơ chế
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) đặt vấn đề tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực nên kiểm soát quyền lực được Đảng ta xác định là vấn đề côt lõi để PCTN, tiêu cực. “Đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?” – nữ đại biểu nêu câu hỏi với Phó Thủ tướng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)
Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tổng kết 10 năm công tác PCTN nêu ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh muốn PCTN, tiêu cực hiệu quả thì phải kiểm soát quyền lực.
Quyền lực luôn có xu hướng bị tha thoá nếu không kiểm soát nên kiểm soát quyền lực là biện pháp căn cơ, nhằm giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm.
Phó Thủ tướng cũng phân tích, sâu xa của tha hoá quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực nên phải kiểm soát quyền lực. Thực tiễn công tác PCTN vừa qua thấy rằng phải kiểm soát cho được cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước.
“Như Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu là thiết lập cho được cơ chế kiểm soát với người có chức vụ, quyền hạn, “nhốt” quyền lực trong lồng cơ chế” – ông Lê Minh Khái nói.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực, xác định chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan khi thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/6
Bên cạnh đó, đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn qua nhiều cơ chế như: tập trung dân chủ, công khai minh bạch, giải trình; người có chức vụ, quyền hạn tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình. Quan trọng phát huy vai trò của nhân dân qua tiếp cận thông tin, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết kiến nghị cử tri...để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt hơn./.