Phó Thống đốc lên tiếng về quy định phá sản đối với Ngân hàng yếu kém

Hoàng Đan |

Theo ông Kim Anh, việc phá sản tổ chức tín dụng yếu kém sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xã hội nên khi xem xét chắc chắn ngành Ngân hàng cũng như Chính phủ phải làm hết sức cẩn trọng.

Lập Quỹ tích luỹ trả nợ để đảm bảo khả năng "gánh" nợ của nhà nước

Sáng 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo về việc công bố Luật Lâm nghiệp, Luật thủy sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Luật quản lý nợ công và Luật quy hoạch.

Về Luật Quản lý nợ công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính.

Luật cũng lần đầu quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong 5 năm, hạn mức bảo lãnh và cho vay lại hàng năm được quy định chi tiết.

Điểm mới khác của Luật, theo bà Mai là quy định về bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công và về Quỹ tích luỹ trả nợ.

Theo đó, để bảo đảm an toàn, bền vững nợ công, huy động vốn phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn nợ, chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn chỉ tiêu an toàn và khả năng trả nợ trung hạn.

Phó Thống đốc lên tiếng về quy định phá sản đối với Ngân hàng yếu kém - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi lễ công bố lệnh của Chủ tịch nước về các Luật.

Nội dung về Quỹ tích luỹ trả nợ quy định các yêu cầu quản lý quỹ, nguồn thu và sử dụng quỹ, việc quản lý nguồn vốn nhàn rỗi và bảo đảm nguồn ngoại tệ của quỹ, cơ chế xử lý khi quỹ tích luỹ trả nợ không đủ nguồn.

Trả lời thêm về vấn đề liên quan đến Luật quản lý nợ công, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết thêm, trước đây, chỉ có quy định về trần nợ công nhưng điểm mới trong Luật lần này là có đặt ra vấn đề ngưỡng vì nợ công đang sắp sát trần.

Cũng theo ông Long, theo thông lệ quốc tế, trước khi chạm trần thì có một ngưỡng đưa ra để cảnh báo trước và thực hiện các biện pháp cảnh báo. Vì vậy luật này đưa vào thêm với quy định là ngưỡng do Quốc hội đưa ra trong một thời kỳ.

Phá sản tổ chức tín dụng yếu kém không phải là vấn đề mới

Đối với Luật các tổ chức tín dụng được công bố, phóng viên đã đặt câu hỏi đề nghị thông tin rõ về việc quy định về thủ tục phá sản với các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho hay, vấn đề phá sản các tổ chức tín dụng đã được đề cập tại luật tổ chức tín dụng năm 1997 và 2010.

Tại Luật phá sản 2014 có 1 chương đề cập đến việc phá sản các tổ chức tín dụng và lần này tại Luật sửa đổi tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hơn biện pháp về phá sản tổ chức tín dụng.

"Vấn đề đặt ra về phá sản các tổ chức tín dụng không phải mới mà đã được đề cập từ rất lâu còn trong Luật sửa đổi này là một bước để hoàn thiện quy định pháp luật về phá sản tổ chức tín dụng", ông Kim Anh nói.

Phó Thống đốc lên tiếng về quy định phá sản đối với Ngân hàng yếu kém - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh (người đứng) trả lời.

Theo Phó Thống đốc, vấn đề phá sản các tổ chức tín dụng quy định trong Luật chỉ là một trong các phương án ở quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gồm: phương án phục hồi; phương án sát nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần góp vốn; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản.

"Như vậy, phương án phá sản là biện pháp cuối cùng trong các biện pháp khi mà không thể thực hiện được biện pháp nào thì Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc cho phá sản một tổ chức tín dụng.

Đối với việc phá sản tổ chức tín dụng yếu kém sẽ ảnh hưởng tới xã hội rất lớn nên khi xem xét việc này chắc chắn ngành Ngân hàng cũng như Chính phủ phải làm hết sức cẩn trọng.

Trong đó, nguyên tắc hàng đầu phải đảm bảo ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội và đặc biệt là quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền phải được đảm bảo", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại