Vụ việc gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua chính là việc hàng loạt sinh viên ở các trường Đại học lớn trên cả nước bị đuổi học vì phát hiện ra tất cả đều được sửa điểm để trúng tuyển vào trường.
Cá biệt, nhiều thí sinh được nâng từ 15 đến 20 hoặc thậm chí 26, 27 điểm để trở thành Á khoa, Thủ khoa.
Dư luận vẫn đang đặc biệt quan tâm và đón chờ thông tin về các thí sinh gian lận thi cử ở các trường vì theo danh sách thí sinh được sửa điểm ở các tỉnh Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La thì số lượng sinh viên không đủ điểm vẫn theo học Đại học còn khá nhiều.
Một số trường lớn như Bách khoa, Xây dựng, Báo chí, Đại học Quốc gia... vẫn chưa có thông tin liệu trong trường có tồn tại thí sinh được sửa điểm hay không.
Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn nhanh với ông Trần Văn Tớp - phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội về vấn đề này.
Thưa ông, tại sao đến bây giờ trường Đại học Bách khoa vẫn chưa công bố thông tin trường có thí sinh gian lận thi cử hay không?
- Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản hay danh sách thí sinh được sửa điểm thi từ Sở Giáo dục các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang. Nhà trường sẽ thông tin trong vài ngày tới.
Đại học Bách khoa có đang rà soát lại sinh viên của trường không?
- Trường sẽ chủ động xem xét và đối sánh kết quả học tập của các thí sinh trúng tuyển vào các ngành ở trường, đặc biệt là thí sinh điểm cao.
Trường sẽ xử lý như thế nào nếu phát hiện thí sinh gian lận thi cử đang học tại trường?
- Giả sử có những sinh viên gian lận thi cử, điểm thi THPT Quốc gia quá thấp mà được sửa điểm để trúng tuyển Đại học Bách khoa thì tôi chắc chắn là những sinh viên này rất khó, rất khó, rất khó mà tốt nghiệp được để ra trường.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào Đại học Bách khoa năm 2018 thấp nhất là 18 điểm, nên kể cả có được nâng lên chục điểm vẫn không đủ điểm vào trường. Khi những sinh viên gian lận này vào học thì cũng rất khó để theo đuổi được chương trình học ở đây.
Còn về việc công khai danh tính thí sinh vi phạm?
- Quan điểm của chúng tôi là mọi việc đều phải dựa theo quy chế thi THPT Quốc gia 2018 và pháp luật. Nếu cán bộ, phụ huynh hay bất kỳ cá nhân nào vi phạm pháp luật thì chắc chắn sẽ được công khai và xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn đối với sinh viên, trong quy chế thi THPT Quốc gia không có điều khoản công khai danh tính thí sinh gian lận nên chúng tôi sẽ làm theo quy chế cũng như chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và các cơ quan ban ngành.
Ông Trần Văn Tớp - phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp. (Ảnh: CCPR HUST)
Trên thực tế, hàng năm có khoảng 700 - 800 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội bị buộc thôi học. Trường Bách khoa vốn nổi tiếng là rất khắt khe trong việc đào thải những sinh viên không nghiêm túc, không nỗ lực học tập để giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Trần Văn Tớp cũng từng chia sẻ rằng, sinh viên bị đuổi phần lớn do các em mải chơi, chưa ý thức được việc học tập. Ngoài ra, khi lên đại học, một số em được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý “xả hơi”. Lý do bị đuổi học không phải do chương trình học quá khó.
Các sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào không qua được cả.
Theo quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội: Những sinh viên chỉ đạt điểm trung bình học tập trong 2 năm đầu dưới 1 điểm sẽ nhận các mức độ cảnh cáo thôi học.
Cảnh cáo mức 2: điểm từ 0.6 – 0.8 sẽ bị hạn chế toàn bộ việc truy cập dữ liệu liên quan đến học tập. Điều này buộc các em phải gặp giáo viên chủ nhiệm hoặc cố vấn học tập để được định hướng, giúp đỡ.
Cảnh cáo mức 3: điểm từ 0.4 – 0.55 sẽ bị buộc thôi học vì không thể theo được chương trình tại trường.