Các con phố ngập rác sau mỗi ngày người dân kết thúc đi dạo. Dù tạo được nét mới cho đời sống người dân Thủ đô nhưng nhiều vấn đề phát sinh đã xảy ra.
Ghi nhận tại các bãi gửi xe quanh khu vực đi bộ Hồ Gươm tối 3/9, dù mới 18h tối nhưng một số bãi đỗ xe máy như: Bãi xe Cầu Gỗ (đoạn trước cổng số nhà 112 Cầu Gỗ), phố Hai Bà Trưng (đoạn số nhà 28 - 32), phố Hàng Gai… đều kín xe.
Đan xen giữa các bãi xe có phép là những bãi xe không phép. Như tại bãi xe đoạn từ 28 - 32 phố Hai Bà Trưng, có tới 3 bãi xe không phép. Mỗi xe máy ở đây bị thu 20.000 đồng/lượt (cao gấp 4 lần so với giá niêm yết).
Lực lượng trông xe đông đảo nhất "đóng quân" tại phố Hàng Bạc, từ số nhà 66, 68, 70, 72, 77, 79… với chật kín xe trên vỉa hè.
Người trông xe đứng hai hàng dưới lòng đường ngã tư Hàng Bạc - Đinh Liệt để mời chào, chèo kéo khách gửi xe gây ùn ứ cả con phố nhưng lực lượng chức năng có mặt tại đây không có động thái nhắc nhở nào.
Anh Nguyễn Chí Hiếu (trú tại Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) bức xúc: "Tôi lên đây đi bộ, ngồi uống cốc trà chanh chỉ 15 ngàn/cốc, ra đây thì bị hô giá gửi xe đến 30.000 đồng.
Gửi rồi phải chịu, chẳng lẽ cãi nhau vì vài chục nghìn?".
Đáng nói, báo Tiền Phong đã phản ánh về hàng loạt điểm trông giữ xe trái phép trên phố Cầu Gỗ nhiều năm nay nhưng đến nay khu vực này vẫn hoạt động.
Giá vé tối ngày 3/9 thậm chí lên đến 50.000 đồng/lượt/xe máy. Người trông xe ở đây còn nói trước với khách: "50 nghìn, gửi thì gửi không thì đi chỗ khác".
Tại điểm trông xe máy nằm dọc vỉa hè phố Hàng Bài chiều 4/9 có 3 nhân viên (2 nam, 1 nữ) mặc đồng phục của Cty Cổ phần 901 đứng ra nhận xe, thu tiền khách gửi xe với giá 5.000 đồng/lượt.
Dù có biển niêm yết giá 3.000 đồng/lượt xe máy ban ngày và đơn vị cấp phép là UBND quận Hoàn Kiếm, nhưng tại các điểm trông xe khác trên đường Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt… đều thu với giá 5.000 đồng/lượt.
Bãi xe có phép chỉ trông xe đến 21h?
Ghi nhận lúc 20h45 ngày 3/9, tại bãi gửi xe máy ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng của Cty Cổ phần 901. Trong khi bãi xe đối diện không còn chỗ trống thì bãi gửi xe này bắt đầu thưa xe.
Một nhân viên trông xe cho biết: "Bãi đã hết giờ trông". Khi được hỏi về lý do nghỉ sớm, nhân viên này nói: "Do quy định của công ty".
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, quan điểm của Ban chỉ đạo phố đi bộ là cương quyết đấu tranh, không để xảy ra tình trạng các bãi xe có phép thu quá giá quy định.
Về các bến xe tự phát, thường xuyên xảy ra "chặt chém", UBND quận Hoàn Kiếm đang xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể, kiên quyết xử lý nghiêm.
Đối với các bãi gửi xe có phép nhưng chỉ trông đến 21h tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, ông Quân khẳng định: Tất cả các đơn vị trông giữ xe phục vụ phố đi bộ phải có trách nhiệm trông xe đến 24h, sau 24h thì các cửa hàng đăng ký kinh doanh phải có chỗ để xe cho khách hàng.
"Sau khi báo có phản ánh, chúng tôi sẽ ghi nhận, kiểm tra và sớm có hồi âm", lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói.
Còn nhiều bất cập
Ủng hộ việc mở rộng phố đi bộ ra Hồ Gươm và vùng phụ cận, tuy nhiên, nhiều hộ dân nằm trong "vũng lõi" cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét lại việc cấm phương tiện cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Theo ý kiến của người dân, lượng khách đến phố đi bộ Hồ Gươm vào ban ngày không phải lúc nào cũng đông như dịp 2/9. "Việc cấm đường cả ngày và tối tôi cho là chưa phù hợp.Thực tế, chỉ buổi tối du khách mới đổ về nhiều.
Mặt khác, việc cấm đường liên tục có thể gây lãng phí lớn về mặt nhân lực, khi phải duy trì lực lượng lớn tham gia bảo vệ...", chị Dung, chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Khu đi bộ là khu thân thiện, chứ không phải tạo ra sự bất tiện cho người dân xung quanh.
Hơn nữa ở các tuyến phố Hà Nội không phải nhà mặt phố nào cũng kinh doanh.
Cần phải nhìn rõ việc phát triển du lịch ở đây, chứ không phải khách vào đông là chúng ta thu được nhiều tiền? Ngay cả vòng xe chạy một chiều xung quanh Hồ Gươm cũng là đặc sản du lịch của Hà Nội khi nhiều du khách đến Hà Nội rất thích điều này".
Trong kế hoạch, Cty CP Đồng Xuân có nhiệm vụ chuẩn bị xe điện vận chuyển khách từ các điểm trông giữ xe đến phố đi bộ.
Tuy nhiên, trong tuần đầu thí điểm, Cty CP Đồng Xuân chưa đưa xe điện vào vận chuyển khách, với lý do chưa xây dựng xong bảng vận chuyển từ điểm trông xe vào Quảng trường Ngân hàng, buộc người dân phải "tự thân vận động".
Một hạn chế nữa cần phải nhắc đến là tình trạng quá tải nhà vệ sinh xảy ra thường xuyên.
Ngoài 6 điểm vệ sinh công cộng thu phí, UBND quận Hoàn Kiếm đã thuyết phục thêm 10 cửa hàng, khách sạn cho du khách đi vệ sinh miễn phí, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 4/9, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc có những ý kiến trái chiều về việc cấm đường là điều không thể tránh khỏi khi bắt đầu thực hiện chủ trương.
Sau 4 ngày thí điểm, Sở GTVT sẽ rà soát lại, phân tích những mặt được và mặt chưa được để có đề xuất điều chỉnh cho phù hợp...
Phố đi bộ bị "bao vây" bởi rác và hàng rong
Dù đã được lắp đặt thêm hơn 50 thùng rác đặt quanh hồ, nhưng nhiều người dân vẫn xả rác ra đường. Hiện tượng ngập rác diễn ra nhiều nhất là tại các điểm ăn uống: kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, café phố Bảo Khánh, phố Hồ Hoàn Kiếm…
Dù Cty Môi trường Đô thị Hà Nội đã huy động công nhân hoạt động 24/24h, chia 5 ca làm việc liên tục nhưng vẫn không dọn xuể rác.
"Nhức mắt" không kém là tình trạng hàng rong trên phố đi bộ, bất chấp quy định cấm, càng cuối giờ chiều, các loại hàng rong: Bò bía, kẹo bông, hoa quả, nước giải khát… lại ùa ra bất chấp lệnh cấm.