Bà Thuỷ mở đầu, hơn 10 năm trước đây trong số 10 công ty lớn nhất thế giới chỉ có duy nhất một công ty công nghệ là Microsoft, nhưng hiện nay có 9/10 công ty hàng đầu thế giới là công ty công nghệ.
Do đó, công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá của bất kỳ nền kinh tế nào. Bà Thuỷ cho rằng rất may mắn khi hiện nay Đảng và Nhà nước đã có chủ trương lấy công nghệ làm bàn đạp để tạo nên sự thay đổi bước ngoặt cho nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vingroup cho rằng vẫn còn nhiều rào cản khiến công nghệ chưa tạo đột phá như kỳ vọng, vì phát triển công nghệ không chỉ dựa vào ý chí và quyết tâm cao mà còn cần nguồn lực mạnh mẽ và cách triển khai hiệu quả từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Xác định đây vừa là tương lai của DN, vừa là trách nhiệm góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước, từ 2017 Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ, công nghiệp thông qua việc khởi công nhà máy ô tô, xe máy điện VinFast và chưa đầy 1 năm sau đó là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh VinSmart.
Tháng 8/2018 Vingroup đã chính thức chuyển đổi phát triển mô hình mới theo 3 trụ cột chính là công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu trong khu vực trong 10 năm tới.
Sau 8 tháng công bố chuyển đổi, Vingroup đã có một số bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghệ qua nhiều hướng khác nhau, thiết lập bộ phận nghiên cứu và đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao áp dụng luôn vào các sản phẩm của Tập đoàn.
Vingroup đã thành lập khối công nghệ với nòng cốt là công ty Vintech, VinSmart và VinFast, các viện nghiên cứu. Ngoài ra Vingroup đầu tư vào các start up có tiềm năng để thúc đẩy nghiên cứu công nghệ.
Theo bà Thuỷ, VinTech City tới đây sẽ là thung lung Silicon của Việt Nam, nơi ươm mầm công ty công nghệ.
Vingroup hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để học hỏi tiếp cận công nghệ lõi, rút ngắn thời gian, tiếp cận từ công nghệ mới nhất, với các đối tác mạnh nhất. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, VinFast hợp tác với các đối tác đứng đầu chuỗi giá trị như BMW, GM, Magna Steyr, AVL, Bosch, Siemens..
Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất điện thoại thông minh, Vingroup hợp tác với Google, Qualcomn, Mediatek, BQ đều là đối tác hàng đầu trong ngành mang tới cho Vingroup kinh nghiệm và công nghệ mới nhất.
Về nguồn nhân sự, Vingroup đã góp sức đào tạo nhân lực tinh hoa và thu hút nhân tài Việt thông qua việc kết hợp với 50 trường đại học trong nước, cung cấp học bổng, đào tạo nhân tài CNTT, đào tạo tinh hoa thông qua VinUni, thu hút chất xám Việt và thế giới.
Theo bà Thuỷ, có hàng chục tiến sĩ Việt trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ về Vingroup làm việc, ngoài ra Tập đoàn tuyển thêm nhiều chuyên gia cao cấp nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Không chỉ đầu tư trong nước, Vingroup còn mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển để dễ dàng tiếp cận và tận dụng lợi thế các quốc gia đi trước, như thành lập mạng lưới viện nghiên cứu VinTech toàn cầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc,Israel, Mỹ.
Với cách tiếp cận từ nhiều hướng như trên VinFast đã làm chủ công nghệ phức tạp, năm 2018 VinFast ra mắt 3 mẫu ô tô, cuối 2020, VinFast sẽ đưa 10 mẫu ô tô, xe máy đều do đội ngũ tự thiết kế.
VinSmart chỉ chưa đầy nửa năm đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoai vào năm 2018 và 2019 sẽ đưa ra thị trường 12 mẫu điện thoại nữa.
Thậm chí VinSmart đang khởi công nhà máy điện thoại 100 triệu máy/năm, giai đoạn đầu lắp đặt máy móc để sản xuất 30 triệu máy/năm, chuẩn bị sản xuất máy tính bảng và nghiên cứu sản xuất điều hoà tivi, tủ lạnh, camera, và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.
Vingroup cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, chuẩn đoán hình ảnh. Ông Trương Quốc Hùng, giám đốc công ty VinBrain (thuộc VinTech) nguyên là lãnh đạo cao cấp của Microsoft chủ trì ứng dụng AI kết hợp cùng công nghệ hình ảnh máy tính và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên giúp giảm tiểu sai sót trong chuẩn đoán.
Nếu thành công Vingroup sẽ tặng miễn phí ứng dụng này cho tất cả các bệnh viện trong toàn quốc để áp dụng rộng rãi vì mục đích nhân đạo.
Kết luận bài phát biểu, bà Thuỷ cho rằng các DN CNNT tham gia phát triển công nghệ cần các chính sách ưu tiên của Nhà nước.
Chính phủ có thể tổ chức mạnh hơn nữa các nghiên cứu đổi mới sáng tạo công nghệ, đầu tư tại các trường đại học, đầu tư các loại hình công nghệ mới công nghệ lõi. Chính phủ có thể động viên thúc đẩy và tạo động lực thậm chí là tạo áp lực để các DN chuyển đổi.
Phó Chủ tịch Vingroup cho rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, ngày càng có nhiều DN Việt chuyển mình tham gia vào lĩnh vực công nghệ, góp phần nâng tầm Việt Nam trên thị trường quốc tế.