Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập

Hoàng An |

Sau một thời gian dài bị tạm giam, 2 bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương trông tiều tụy, mệt mỏi được lực lượng an ninh áp giải đến tòa bằng hai xe đặc chủng.

Sáng sớm nay (18/9), TAND tỉnh Hà Giang mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại tỉnh này.

Năm bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT); Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí); Triệu Thị Chính (PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang); Phạm Văn Khuông (PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang); Lê Thị Dung (Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang).

Các bị cáo bị truy tố các tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Luật sư đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập

9h30: Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho các bị cáo, người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, chủ tọa Vương Thị Thu Hà hỏi đại diện VKSND tỉnh Hà Giang và các luật sư có đề nghị triệu tập thêm ai không, có yêu cầu đưa vật chứng thu được trong vụ án ra xem xét tại tòa? 

Đại diện VKSND tỉnh Hà Giang cho hay, trong vụ án này, TAND tỉnh Hà Giang triệu tập tổng cộng 177 người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhưng tại phiên tòa hôm nay có 60 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 62 người vắng mặt không có lý do, chỉ có 55 người đến phiên tòa. 

Việc vắng mặt của 122/177 người, theo quan điểm của VKSND tỉnh Hà Giang “ảnh hưởng đến quá trình xét xử” cho nên VKSND tỉnh Hà Giang đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. 

Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 1.

HĐXX vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang

Đại diện VKSND tỉnh Hà Giang cũng đề nghị HĐXX triệu tập thêm 2 người, đó là bà Nguyễn Thị Kim Chung - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Giang, tỉnh Hà Giang và bà Tống Thị Phương - là cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương.

 Còn luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính) quan ngại việc chỉ có 55 người làm chứng trên tổng số 177 người được triệu tập đến phiên xử có đảm bảo sự thật khách quan của vụ án và việc 62 người vắng mặt không có lý do là do họ không đến hay thông tin tố tụng đến những người này không hợp lệ ? 

Luật sư Hướng đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập đã gửi đến những người này. “Nếu thông tin triệu tập những người này hợp lệ thì vẫn có thể tiến hành phiên tòa được, còn thông tin tố tụng đến họ không hợp lệ thì phiên tòa không thể diễn ra. Còn việc hoãn phiên xét xử hay không là do HĐXX quyết định”, luật sư Hoàng Văn Hướng nói. 

Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang)

Giải đáp thắc mắc này của luật sư Hoàng Văn Hướng, chủ tọa Vương Thị Thu Hà cho hay, trong số 62 người vắng mặt không có lý do, tòa đã chuyển thông tin triệu tập họ qua Fax. Tuy nhiên, có một số trường hợp được báo lại thư chuyển đi không có người nhận. 

“Còn địa chỉ, chúng tôi đã kiểm tra và xác nhận hoàn toàn đúng với thông tin cơ quan điều tra cung cấp”, chủ tọa nói. Sau ý kiến của đại diện các bên tố tụng, HĐXX xin phép hội ý. Lúc 10h30 chủ tọa phiên tòa - bà Vương Thị Thu Hà thay mặt HĐXX ra quyết định tạm hoãn phiên tòa. Dự kiến phiên xử được mở lại vào ngày 14/10.

Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài

8h45: HĐXX kiểm tra nhân thân bị cáo, nhân chứng và người có liên quan tham gia buổi tố tụng.

Còn bị can Vũ Trọng Lương nói, trình độ văn hóa của Lương 12/12, trước khi bị bắt bị cáo giữ chức Phó Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.

Trước khi bị khởi tố, bị cáo Triệu Thị Chính - PGĐ Sở GD&ĐT đã bị đình chỉ chức vụ PGĐ,  đình chỉ sinh hoạt Đảng.

Bị cáo Phạm Văn Khuông PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và Lê Thị Dung - cựu Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang đứng dậy trả lời trong hơn 3 phút với thái độ thành khẩn.

Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 4.

Các bị cáo tại phiên xử sáng 18/9 (Ảnh: Hoàng An

8h05: Chủ tọa đọc quyết định khai mạc phiên xét xử.

Phiên xử này, ngoài các nhân chứng vụ án bị Tòa triệu tập còn có đại diện các đơn vị liên quan như Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và ông Trần Đức Qúy, Phó Chủ UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang có mặt tham dự.

Ngày 18/6, Tỉnh ủy Hà Giang đã kỷ luật Đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý do liên quan đến vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018.

Ngoài ra, có mặt ông Vũ Văn Sử nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang (vừa nghỉ hưu).

Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 5.

Bị can Nguyễn Thanh Hoài được áp giải đến tòa. Ảnh: Hoàng An.


Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 6.

Bị can Vũ Trọng Lương đến tòa

 7h20: Các bị cáo bắt đầu tới tòa án

Theo ghi nhận của PV từ 7h10 hàng chục cán bộ công an được phân công nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xung quanh tòa án.

Bị cáo Triệu Thị Tuyết Chính - cựu PGĐ Sở Giáo dục &Đào tạo tỉnh Hà Giang trước đó được tại ngoại đã đến tòa.

Hai bị can Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương được lực lượng an ninh áp giải đến tòa bằng hai xe đặc chủng. Theo quan sát của phóng viên, hai bị can này khá tiều tụy sau một thời gian dài bị tạm giam.

Được biết, trong 197 người được triệu tập thì có hơn 100 người vắng mặt.

Hà Giang xét xử gian lận điểm thi THPT 2018: Vắng 122 người, LS đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập - Ảnh 7.

Khá đông pv các báo tập trung từ sáng sớm

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất rồi đưa danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương sửa kết quả bài thi để nâng điểm. Ngoài ra, Lương còn trực tiếp nhận nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Sau đó, một mình vị Phó trưởng phòng Khảo thí đã sửa kết quả 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Bị can Phạm Văn Khuông đã cung cấp thông tin của con ông này để nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng thêm 13,3 điểm.

Cựu công an Lê Thị Dung có mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Sau đó, 20 em này đều được nâng điểm.

Riêng bị can Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.

Cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.

Bên cạnh đó, 2 bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do quen biết, bạn bè, người thân.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại