Câu chuyện trên được ông Đỗ Quang Vinh - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) kể lại trong chương trình Bước Ngoặt Cuộc Đời phát sóng trên kênh BTV9 mới đây.
Được biết đến là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) – Chủ tịch SHB, vị lãnh đạo sinh năm 1989 thừa nhận "chắc chắn có áp lực" khi cha của mình là một doanh nhân nổi tiếng. Để vượt qua thách thức, ông Vinh quyết định lấy áp lực làm động lực.
Khi được hỏi về bước ngoặt cuộc đời đầu tiên, Phó Chủ tịch SHB cho biết đó là việc lựa chọn đi du học từ năm 15 tuổi.
"Ngày đó, tôi quyết định đi du học chỉ trong 2 tháng, không hề chuẩn bị về ngoại ngữ mà bước thẳng vào việc học tất cả các môn bằng tiếng Anh. Tôi từng trải qua khoảng thời gian không đủ tự tin nói chuyện với bất cứ người bạn nào, ngồi ngoài thư viện ăn cơm một mình mỗi buổi trưa. Tuy nhiên, sau 2 tháng, với sự động viên từ gia đình, tôi đã vượt qua được trở ngại", ông Đỗ Quang Vinh chia sẻ.
Phó Chủ tịch SHB kể thêm rằng gia đình đã rất lo lắng bởi ngày trước ông không tự tin, luôn được gia đình bao bọc, che chở. Nhưng tới khi đi du học, mọi thứ đều phải tự bươn chải, tính toán, tự quản lý tài chính.
"Rất nhiều người cũng nghĩ rằng gia đình tôi có điều kiện, nhưng câu chuyện ở đây là đến khi học thạc sĩ, tôi mới biết gia đình mình có điều kiện như thế nào. Bên cạnh đó, ngay từ nhỏ hai anh em tôi đã được dạy phương châm sống tiết kiệm, trân trọng đồng tiền.
Tôi không "ngậm thìa vàng" từ nhỏ. Tôi nghĩ gia đình mình cũng chỉ xuất phát từ cơ bản. Cha mẹ tôi là công chức nhà nước sống rất giản dị", ông Vinh cho biết thêm.
Ông Đỗ Quang Vinh chia sẻ trên chương trình của kênh BTV9. Nguồn: BTV9.
Sau khi hoàn thành chương trình học cấp 3 tại Singapore, ông Vinh sang Anh học bậc đại học và thạc sĩ, sau đó sang Mỹ để làm việc. Khi được hỏi trong thời gian học tại Anh ông hoàn toàn tập trung vào việc học, kinh tế được gia đình hỗ trợ, hay bản thân cũng phải tự bươn chải, Phó Chủ tịch SHB kể lại kỷ niệm từng đi làm bồi bàn.
"Ở độ tuổi còn khá trẻ, tôi có nhờ sự trợ giúp của gia đình để trang trải học phí, cũng như việc sinh sống ở nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó, tôi đã chọn một công việc làm thêm là bồi bàn. Tôi nghĩ việc tự tạo ra đồng tiền mang ý nghĩa rất lớn, giúp mình cảm thấy có ích hơn, đồng thời sử dụng số tiền đó để trang trải thêm, giảm bớt phần nào việc trợ cấp từ phía bố mẹ
Trải nghiệm này còn đem lại cho mình kỹ năng sống tốt. Ngoài việc tăng khả năng giao tiếp với các khách hàng khác nhau, tôi cũng có cơ hội làm những việc mà tôi chưa từng nghĩ sẽ làm.
Bản thân tôi không phải người quá giỏi trong việc bưng bê, nên cũng có kỷ niệm là từng làm đổ vào người khách. Làm sao để xử lý những tình huống như vậy là bài học giúp mình áp dụng được vào cuộc sống bây giờ, khi gặp những khách hàng khó tính hoặc khách có nhu cầu cao hơn, để mình biết phải giải đáp, thuyết phục họ như thế nào", vị lãnh đạo chia sẻ.
Trước khi làm việc tại SHB, ông Đỗ Quang Vinh cho biết đã có một khoảng thời gian ông Nam tiến, làm việc cho một ngân hàng Hàn Quốc ở vị trí chuyên viên. Đến khi về SHB, ông cũng bắt đầu từ vị trí chuyên viên, trải qua tất cả các nghiệp vụ của ngân hàng.
"Chỉ khi làm chuyên viên mình mới hiểu được sự vất vả của tất cả những con người phía dưới, mới trở thành người sếp có khả năng thấu hiểu và thông cảm cho nhân viên, nắm bắt được mọi hoạt động của ngân hàng", ông Đỗ Quang Vinh nêu quan điểm.