“Tôi rất tiếc và buồn"
Sáng ngày 16/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khoá XV (tháng 10/2021) cho ý kiến lần đầu. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng dự án luật này. Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ Vũ Đức Thuận cho biết, ông được Bộ trưởng phân công đi tham dự hội nghị này.
Báo cáo tiến độ xây dựng luật, theo ông Thuận, Bộ Nội vụ đã nghiêm túc xây dựng dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) theo đúng trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông cũng nhấn mạnh, Bộ Nội vụ đang phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo luật để đến tháng 4/2021 trình Chính phủ cho ý kiến và để tháng 10/2021, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Ngay sau phát biểu của vị đại diện Vụ pháp chế, Phó Chủ tịch Quốc hôi Uông Chu Lưu nói: “Tôi rất tiếc và buồn”. Đây là hội nghị giữa Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội triển khai nghị quyết của Quốc hội. Thông báo, lịch trình đã gửi từ trước.
Ông Lưu cũng chia sẻ, khi hôm nay Chính phủ đang có hội nghị trực tuyến rất quan trọng về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị cử Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ tham dự hội nghị.
“Có thể có một số Bộ trưởng dự cuộc họp đó, nhưng Thứ trưởng rất nhiều, sao lại vắng, đặc biệt Bộ Nội vụ lại là cơ quan gác cổng của Chính phủ về vấn đề tổ chức, bộ máy, cải cách hành chính. Đồng chí nói Bộ Nội vụ thực hiện rất nghiêm túc quy định của luật nhưng đến bây giờ quy trình thủ tục thế này, ngay thẩm quyền cũng không bảo đảm.
Tôi đề nghị đồng chí về báo cáo đồng chí Lê Vĩnh Tân ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tôi đại diện cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê bình”, ông Lưu thẳng thắn.
Bộ trưởng Công an kiến nghị về xây dựng pháp luật
Trước đó, tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Bộ Công an luôn xác định, việc xây dựng pháp luật rất quan trọng.
Tuy nhiên, có 2 dự luật rất quan trọng Bộ đã báo cáo Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đã cho ý kiến, đặt ra lộ trình thực hiện, nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy có tên.
Thiết tha đề nghị đưa vào chương trình để làm sớm, theo Bộ trưởng, hiện nay hồ sơ đã cơ bản đủ điều kiện để trình, nhưng không biết vướng thủ tục hành chính ở đâu, ban soạn thảo cứ phải chờ đợi.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, đó là dự án luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Dự án này rất quan trọng, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự cơ sở cùng với lực lượng dân quân tự vệ để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng.
Luật Dân quân tự vệ đã được Quốc hội thông qua, nếu không thông qua dự án luật này thì không có sự tương thích, đồng bộ trong lực lượng ở cơ sở. Bộ trưởng đề nghị đưa dự án luật này vào xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.
Dự án thứ hai được Bộ trưởng nhắc đến là Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trên thực tế vấn đề trật tự ATGT là một bộ phận quan trọng trong trật tự an toàn xã hội, không thể tách rời. Ông thiết tha đề nghị thống nhất báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trình dự án luật này.
“Trong tổng kết Luật Giao thông đường bộ cũ, qua 10 năm thực hiện, hàng trăm nghìn người chết vì TNGT, hàng trăm nghìn người bị thương.
Vấn đề giao thông, ùn tắc, logistic ảnh hưởng cả hoạt động phát triển kinh tế bình thường. Quốc tế cũng nhìn chúng ta về vấn đề an toàn giao thông, để thu hút khách du lịch vào Việt Nam… Chúng ta không để người chết vì TNGT phát triển nhiều như vậy”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại lần họp Uỷ ban Thường vụ trước đây, Bộ trưởng đã có báo cáo vấn đề này. Khi xem xét dự án luật khác có liên quan, Uỷ ban Thường vụ cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công an phải trình hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Cho đến bây giờ các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội chưa nhận được hồ sơ về 2 dự án luật này. Khi Quốc hội thảo luận thông qua chương trình cũng đề nghị nếu có dự án luật này thì phải xem xét đồng thời với Luật Giao thông đường bộ sửa đổi”, ông Lưu nói.