Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình Quốc hội tờ trình gia nhập Công ước 98

Hoàng Đan |

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước trình Quốc hội về tờ trình gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Sáng 28/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nhận ủy nhiệm của Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể trước Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong 8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Công ước đã được ILO thông qua năm 1949 và tính đến tháng 1/2019 đã có 165/187 quốc gia là thành viên của ILO thông qua.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội", Phó Chủ tịch nước nêu.

Trong đó, về pháp lý, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăpg cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế.

"Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thương lượng tập thể là công cụ, phương tiện quan trọng trong việc phân chia thu nhập, phân chia thành quả của sự phát triển công bằng hơn ở cấp độ xã hội, cơ chế thương lượng tập thể hiệu qủa sẽ góp phần làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hài hòa quan hệ lao động giữa các bên, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội", bà Thịnh thông tin.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc gia nhập Công ước sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; Bảo đảm lợi ích Quốc gia, dân tộc...

"Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản", bà Thịnh nói thêm.

Phó Chủ tịch nước cho biết thêm, Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể có 16 Điều.

Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6; từ Điều 7 đến Điều 16 là những quy định về thủ tục.

Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản như sau:

Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động

Công ước quy định người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến mọi khía cạnh việc làm của họ vì lý do tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp.

Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động

Công ước quy định các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng, chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những đại diện hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.

Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí

Công ước xác lập nguyên tắc tự nguyện và thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại