Phim Tấm Cám: Khi Ngô Thanh Vân chơi dao và đứt tay!

Lâm Lê |

Cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: "Đàn bà dễ có mấy tay. Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan", tất nhiên là trong một văn cảnh khác, nhưng tôi mượn cụ để tặng cho cô ấy!

Nước mắt Ngô Thanh Vân

Sau hai suất chiếu đầu của "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" cho báo giới và các ngôi sao, độ lan tỏa của bộ phim trên mạng xã hội tăng chóng mặt.

Tiếc thay, những phản hồi về chất lượng bộ phim chỉ chiếm 10%, gần 90% còn lại tập trung đá xéo giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân trong cuộc họp báo khi chốt thông tin cuối cùng rằng Tấm Cám không được chiếu tại hệ thống CGV.

Lúc đó thì tôi đã về rồi nên không được chứng kiến khoảnh khắc này, dù trước đó, trong phần giới thiệu đầu phim, tôi đã nghe giọng Vân đã nhuốm mùi... nghẹn nghẹn từ trong cuống họng.

Từ bao giờ, sự xúc động của một người nghệ sĩ, nhà sản xuất bị lôi ra phán xét và suy diễn nhiều đến vậy?

18 tháng làm bộ phim này là một thử thách rất lớn cho bất cứ anh đàn ông sức dài vai rộng nào, huống chi là phận nữ nhi thường tình, lại là gái đẹp chuyên đi thảm đỏ?

Phim Tấm Cám: Khi Ngô Thanh Vân chơi dao và đứt tay! - Ảnh 1.

Mà tôi thấy cái làng điện ảnh Việt Nam này, tính đến thời điểm này, có anh đạo diễn, nhà sản xuất đàn ông con giai nào dám chơi tới bến như cô Vân?

Mang nặng đẻ đau, của đau con xót, cái tâm lý chăm chút cho sản phẩm của mình đến ngày ra mắt, ai chẳng muốn mang đứa con của mình đi trình diện bá quan văn võ, làng trên xóm dưới?

Nên khi nghe một lời kết án được xác nhận vào phút chót, dù trước buổi chiếu cuộc thương thảo vụ chiếu rạp vẫn còn diễn ra, thì cái phản ứng tức thì, cái cảm xúc bị dồn nén không ngăn được phải vỡ ra là chuyện lẽ ra rất thường tình.

Sao các bạn dễ dàng khóc vì mấy câu chuyện ngôn tình vớ vẩn phim Hàn phim Trung Quốc, mà một người phụ nữ khóc vì đứa con của mình mang nặng đẻ đau, các bạn lại dễ dàng suy diễn, bóp méo và đưa ra đủ các thể loại thuyết âm mưu đến vậy?

Tôi chấm dứt vụ "giọt nước mắt" ở đây. Chuyện cuộc chiến phim chiếu rạp BHD - CGV tôi cũng không muốn lạm bàn, khi chưa có đầy đủ thông tin, hoặc giả, với tôi đó là cuộc chiến thương mại giữa các nhà phát hành, tôi cũng không quan tâm lắm.

Lắm lúc Ngô Thanh Vân bị đứt tay!

Điều đầu tiên và cuối cùng tôi quan tâm đến bộ phim này - là chất lượng của nó, là tác phẩm đầu tay của một đạo diễn, lại là đạo diễn nữ, lại là phim hành động giả tưởng của một đạo diễn nữ - ngay cả trên thế giới và Hollywood cũng không nhiều - thì nó như thế nào?

Nó hoàn toàn không tệ - trong khi từ đầu năm tới giờ tôi toàn xem hầu hết phim từ tệ đến rất tệ của các đạo diễn nam nhiều kinh nghiệm hơn.

Nó là một phim đầu tay ổn về nhiều mặt, và tất nhiên, nó cũng còn rất nhiều điểm khiếm khuyết. Bộ phim này, nếu nói về vai trò nhà sản xuất, tôi chấm Vân điểm 8/10. Nếu nói vai trò đạo diễn, tôi chấm bộ phim 6/10.

Tấm Cám là câu chuyện cổ tích quá kinh điển mà gần như người Việt nào cũng thuộc lòng. Cái chất liệu của câu chuyện cổ tích đó được giữ khá trọn vẹn trong phim, nhưng thực ra nó chỉ chiếm khoảng 3/10 dung lượng của bộ phim.

Việc sử dụng cấu trúc "chuyện đã biết" chiếm 3/10 và "chuyện chưa kể" đến 7/10 trong bộ phim này thực ra là con dao hai lưỡi, và lắm lúc Vân bị đứt tay!

Đứt tay là bởi vì cái chất liệu của truyện cổ tích được kể một cách minh họa và sơ sài quá.

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích rất đậm chất dân gian của đồng bằng Bắc Bộ, nó có rất nhiều thứ để khai thác, để đào sâu, để tìm ra một cách kể khác, cách lý giải khác về cái khù khờ chiến thắng cái gian ác, cái khôn ngoan không lại được với mệnh giời.

Chứ nó không thể thẳng tưng vào phim một cái là Mẹ Cám và Cám rất ác và Tấm thì hiền lành đùn đụt như thế.

Ngay cả cái ác của mẹ con Cám nó chứa cả sự điêu ngoa, cái lọc lõi bày mưu tính kế, chứ không nên một chiều mà bất cứ ai cũng nghĩ đến trong cái suy nghĩ đầu tiên của nhân vật như thế.

Thành ra, dù Ngô Thanh Vân đóng vai dì ghẻ rất sắc sảo, dù Lan Ngọc biến hóa với Cám, nhưng đó là hai cái ác bị đóng khung khá nhạt nhòa, hai cái ác "gồng lên cho ác", cùng với đó là cô Tấm của Hạ Vi còn non nghề, với vẻ ngây ngô khù khờ mà thiếu cái vẻ trong sáng thuần khiết để chinh phục người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Phim Tấm Cám: Khi Ngô Thanh Vân chơi dao và đứt tay! - Ảnh 2.

Ê kíp biên kịch của bộ phim này, nếu dành thêm công sức để xử lý chất liệu của ba nhân vật này, tôi hoàn toàn tin, nó sẽ giữ cho bộ phim một cái đế rất chắc để đạo diễn bung phá sáng tạo cho những chuyện chưa kể.

Ví dụ như nếu như có thêm một hồi ức về thời Tấm và Cám còn nhỏ ở cái làng quê Bắc Bộ đẹp như tranh mà Vân đã cất công chọn cảnh, nếu như chi tiết gian xảo Cám đánh cắp giỏ tôm của Tấm, bắt con cá bống của Tấm... được kể một cách chi tiết hơn.

Đây là những chi tiết rất kịch tính và nhiều chất liệu điện ảnh chứ không phải minh họa sơ sài hoặc chỉ được kể lại như trên phim, thì chắc chắn, cá tính, cảm xúc và chemistry giữa ba nhân vật này sẽ rõ nét hơn nhiều.

Tấm, Cám và dì ghẻ, vì vậy hầu như không đem đến cho tôi có thêm một cái nhìn mới nào về họ, một điều gì đó duyên dáng, hài hước, trào lộng mà tôi chờ đợi ở một câu chuyện cổ tích được kể lại ở thời điểm này.

Bù lại cho 30% câu chuyện cổ tích được kể khá sơ sài, 70% sáng tạo còn lại của Vân và bộ sậu dành cho chuyện chưa kể. Những chuyện chưa kể này khá bất ngờ với tôi, cho thấy sự dụng công đáng kể và tham vọng kể một câu chuyện lớn ôm vào một câu chuyện cổ tích quen thuộc.

Giờ thì tôi hiểu, khi thực hiện bài phỏng vấn Vân trước đây, tôi có nhận xét, Tấm Cám là một dạng phim chick-flick (nôm na theo nghĩa đen là phim "gà mái", dùng để chỉ dòng phim dành cho phụ nữ) điển hình, Vân có vẻ sửng cồ: "Sao anh biết, dựa vào đâu mà anh nói đây là phim chick-flick?".

Tôi nói, tôi nhận xét qua chất liệu thôi và nói thêm, chick-flick không có gì là "yếu ớt" hay "gái" cả, kể được một câu chuyện hay, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và tài năng, để chinh phục được khán giả nữ thì Vân mới có vẻ dịu xuống.

Hôm qua xem phim thì tôi hiểu, Vân muốn vượt qua dòng phim chick-flick để tham vọng chạm đến một dòng phim mạnh mẽ hơn, vừa có giả tưởng thần thoại vừa có cổ tích, vừa có hành động lại vừa có hình sự (những âm mưu tranh ngôi đoạt vị trong cung), vừa có tí cổ trang lại có chút dã sử, lại còn có cả quái vật biến hình nữa (cái này thì khi xem trailer 2 tôi đã hơi hoảng)...

Rất nhiều chất liệu, rất tham thể loại. Và với một bộ phim đầu tay, lại là tư duy của phụ nữ, tôi ít nhiều ngạc nhiên là Vân kể khá trôi chảy, có gài cắm, có nuôi kịch tính, có đẩy cảm xúc, có chèn chất liệu chuyện cổ tích khá hợp lý.

Chi tiết bà cụ do Ngọc Giàu đóng, vừa nói "Thị ơi Thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn", quả Thị, như câu chuyện cổ, tất nhiên rơi xuống. Không có gì bất ngờ, tất nhiên rồi, thì bịch thêm phát nữa, bà cụ được tặng kèm thêm quả Hoàng tử từ trên cây Thị rơi xuống sau trận chiến trước đó với một kẻ phản loạn.

70% chuyện chưa kể này cũng cố gắng để tạo ra một thông điệp, một "sứ mệnh" dân tộc khá thiêng liêng dễ tạo được đồng cảm trong giai đoạn này.

Nhân vật hoàng tử được xây dựng khá kỹ, có ít nhiều phẩm chất của người hùng. Tiếc là anh chàng Isaac, dù mặt mũi đẹp trai khá hợp với phim cổ trang, và anh rất hợp với nhân vật như trong câu chuyện cổ tích nếu làm theo kiểu chick-flick, tức là làm nền thôi thì vừa đẹp.

Tiếc là anh phải gánh trọng trách người hùng đem mười vạn quân ra đánh giặc Chinh La ngoài biên ải, rồi còn phải đối mặt với âm mưu phản loạn trong Hoàng cung, thành ra nó hơi quá sức với anh.

Dù mỗi lần anh Isaac lên giọng hiệu triệu quần thần, nghe cũng vang rền nền nảy lắm, nhưng nó vẫn thiếu cái khí phách hiên ngang của một người anh hùng mạnh mẽ trước ba quân.

Dàn diễn viên nam phụ hỗ trợ, được Vân tận dụng tối đa từ gà nhà, cũng một người có một danh phận không quá mờ nhạt, nhưng để gây ấn tượng thì chưa.

Phim Tấm Cám: Khi Ngô Thanh Vân chơi dao và đứt tay! - Ảnh 3.

Dàn diễn viên của bộ phim này, bao gồm cả 3 thế hệ, cũng là một lựa chọn khôn ngoan của Vân. Cô dồn hết tâm huyết cho đám trẻ 9X cho những vai quan trọng, thế hệ 7X có cô, đảm trách một vai phụ nhưng thuộc loại chìa khóa, thế hệ 5X, 6X có bộ ba diễn viên kỳ cựu của sân khấu: Ngọc Giàu, Hữu Châu, Thành Lộc.

Ngọc Giàu là một bà cụ rất duyên, cái đoạn xin Thị được tặng thêm anh Hoàng tử ấy, bà một tay giữ giỏ, một tay túm cẳng anh Hoàng tử kéo lê về nhà, xem rất duyên dáng đáng yêu.

Thành Lộc xuất hiện 3 phân đoạn khá đáng nhớ (sau hai bộ phim thảm họa có anh đóng mà tôi phải đi về sớm trong năm nay).

Vai nặng ký nhất, tất nhiên thuộc về Hữu Châu. Dù tôi không xem kịch Sài Gòn nhiều, nhưng với vài vở đã xem thì anh Hữu Châu thuộc hành thượng thặng, đóng mấy vai lịch sử cổ trang chắc không ai qua được, kể cả diễn viên sân khấu miền Bắc.

Anh có cái đài từ của một diễn viên sân khấu đóng bi cũng ngọt mà đóng hiểm cũng hay, vào vai tay thừa tường phản loạn Hoắc Hoắc gì đấy rõ ràng là vẫn nhẹ ký với anh.

Đây có lẽ là nhân vật tốt nhất phim, nhưng cũng đáng tiếc là không được khai thác theo hướng tốt hơn, chứ không phải biến hình thành quái thú có cái đuôi như đuôi con thạch sùng trong phim.

Nói chung, kịch bản của bộ phim này rơi vào hai trường hợp mà rất nhiều kịch bản của những bộ phim lớn có tham vọng của Việt Nam mắc phải: hời hợt ở những chất liệu "ăn tiền" và có thể lấy được cảm xúc của khán giả, nhưng lại tham vọng "trưng trổ" những chất liệu lạ lẫm của phương Tây nhưng Việt Nam vẫn chưa đủ sức và đủ tư duy để xây dựng.

Dù bộ phim không để lại nhiều cảm xúc, một vài nhân vật khiến ta nhớ và lưu luyến về họ (như sau khi xem xong một bộ phim hay), nhưng tại sao phim này vẫn có yếu tố giải trí khá tốt và tôi tin là hoàn toàn ăn khách?

Bởi như đã nói, nó có nhiều chất liệu, nó được sắp xếp với một cấu trúc khá vững vàng, nó cố gắng xây dựng một thông điệp "ưu thời", nó có một dàn diễn viên đẹp. Và quan trọng hơn, nó là một bộ phim "nịnh mắt".

Bối cảnh là cái "nịnh mắt" đầu tiên. Cái màu xanh của thiên nhiên ở vùng Ninh Bình lên phim chưa bao giờ phản chủ, nó đẹp và kì vĩ.

Có cảnh anh hoàng tử chạy qua một cái hẻm núi, đẹp như trong phim cao bồi viễn Tây, dù con ngựa của anh hoàng tử chỉ là anh ngựa chó (là từ là chị Phạm Thị Hoài dùng để chỉ giống ngựa bé nhỏ của Việt Nam).

Cái hoàng cung nằm giữa "non xanh xanh nước xanh xanh" ấy nó hữu tình và "nịnh mắt" lắm. Ê kíp của bộ phim này cũng khá kỹ ở bối cảnh, chỉ đạo nghệ thuật đều có sự dụng công.

Hoàng cung thì thôi không bàn, nhưng đến ngôi nhà tranh giữa rừng núi của bà cụ Ngọc Giàu thì tôi rất mê, dù biết đó là sản phẩm dàn dựng.

Kỹ xảo CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) của bộ phim này, với mức kinh phí đó, là một bước tiến lớn. Đưa ra một chút so sánh để thấy đôi khi cái nghèo đi với cái eo, lực bất tòng tâm mà hiểu cho những người làm phim Việt.

Cái phim Ben-Hur kinh điển làm năm 1959 ấy, đạo diễn huy động 3000 con ngựa đẹp nhất, nhập từ các nước, rồi chọn lên chọn xuống, huấn luyện ngày đêm, để chọn ra mấy chục con ngựa đẹp cho cảnh phim cuộc đua ngựa Chariot 9 phút kinh điển cuối phim.

Và riêng cảnh này đã quay mất 3 tháng. Còn cái phim của cô Vân, làm sau gần 60 năm sau, cũng quay cảnh đánh nhau trên lưng ngựa, mà cả đoàn phim chỉ được có 3 con ngựa chó thuần chủng Việt Nam.

Trong buổi họp báo hôm qua cô Vân cũng kể là có phân đoạn ông sản xuất chỉ cấp được 1 con ngựa chó cho anh hoàng tử Isaac, nên hai anh còn lại phải diễn cảnh chạy bộ).

Bước vào rạp xem bộ phim này, tôi xem với một tâm thế thoải mái, ít soi mói về CGI, kỹ xảo hay những cảnh hành động (nhiều cảnh cận chiến cũng ngon mắt lắm, mà cảnh toàn giữa phe Việt với phe Chinh La đánh nhau thì cứ như các cụ tập dưỡng sinh. Mà thôi đã nói không soi mói).

Bộ phim này, nếu là một tác phẩm điện ảnh đơn thuần thì nó không chinh phục được tôi, chủ yếu là do kịch bản và xử lý đạo diễn.

Nhưng nếu coi đây là một tác phẩm đầu tay của một đạo diễn nữ, của một ê kíp làm việc nghiêm cẩn, đam mê, giàu tham vọng (tôi luôn thích những người tham vọng hơn người), thì tôi ngưỡng mộ và đánh giá cao Ngô Thanh Vân và ê kíp này.

Không phải ai, ngay cả các anh con giai cũng có cái tham vọng, cái khí chất phải chinh phục, phải vượt qua giới hạn như vậy, cho dù đó là cái giới hạn mà thiên hạ đã đi qua lâu rồi.

Cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: "Đàn bà dễ có mấy tay. Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan", tất nhiên là trong một văn cảnh khác, nhưng tôi mượn cụ để tặng cho cô ấy!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại