Sau tác phẩm đầu tay nhiều lùm xùm Tấm Cám: Chuyện chưa kể, các khán giả yêu điện ảnh Việt và những người hâm mộ "đả nữ" hy vọng vào một tác phẩm chắc tay hơn và Ngô Thanh Vân đã không để người xem phải thất vọng.
Lui xuống khỏi ghế đạo diễn sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngô Thanh Vân lần này dồn tâm lực để chăm lo cho đứa con tinh thần Cô Ba Sài Gòn được hoàn hảo bằng vai trò Giám đốc sản xuất. Vẫn với tinh thần cầu toàn và làm nghệ thuật nghiêm túc, Ngô Thanh Vân đã mang đến cho khán giả một tác phẩm trọn vẹn về cả phần hình ảnh lẫn nội dung.
Qua những tấm poster và trailer phim mà nhà sản xuất đưa ra để quảng bá cho phim, Cô Ba Sài Gòn đã thực hiện một cú lừa hoàn hảo khiến khán giả tin rằng mình sẽ tới rạp để xem một bộ phim đầy hoài cổ lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 của thế kỷ trước.
Nhưng thực sự, Cô Ba Sài Gòn lại thuộc thể loại chick-flick (phim dành cho phụ nữ) mang yếu tố du hành thời gian.
Đây là một sự bất ngờ thú vị dành cho khán giả khi mọi thông tin có thể làm tiết lộ "cú lừa" này trước ngày công chiếu đều được đội ngũ nhà sản xuất và phát hành giấu nhẹm.
Poster phim đậm chất cổ điển đã đánh lừa được khán giả.
Cô Ba Sài Gòn là câu chuyện xoay quanh Mademoiselle Như Ý- ba năm liền đệ nhất thanh lịch Sài thành kiêm truyền nhân duy nhất của nhà may áo dài Thanh Nữ chín đời nức tiếng.
Tài năng nhưng bướng bỉnh, cô gái trẻ Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) phủ nhận giá trị chiếc áo dài để chạy theo mẫu mốt tân thời của thời trang Tây phương.
Ngay khi mâu thuẫn giữa Như Ý và mẹ (Ngô Thanh Vân) lên tới đỉnh điểm, cô đã được miếng ngọc gia truyền đưa tới Sài Gòn 48 năm sau để đối diện với số phận của nhà may Thanh Nữ và của chính cô trong tương lai.
Xét về tổng thể, Cô Ba Sài Gòn có kịch bản vừa vặn, không tham lam nhiều yếu tố, thể loại như người chị Tấm Cám.
Kịch bản phim tuy còn nhiều lỗ hổng tình tiết về dòng thời gian nhưng giữ trọn mạch truyện chính xoay quanh diễn biến tâm lý của cô Ba Như Ý từ một tiểu thư ngang ngược, kiêu kỳ trở thành truyền nhân xứng đáng biết yêu và giữ lửa cho áo dài truyền thống.
Các tuyến nhân vật chính được xử lý và phát triển tròn trịa qua phần thoại thông minh, có cá tính nhân vật rõ nét, nhất là những đối đáp giữa cô Ba thời trẻ Ninh Dương Lan Ngọc và cô Ba khi già Hồng Vân.
Khi mới xuất hiện, nghệ sĩ Hồng Vân khiến người xem hơi khó chấp nhận rằng bà là phiên bản 48 năm sau của Ninh Dương Lan Ngọc vì hai nữ diễn viên có ít điểm tương đồng về ngoại hình.
Tuy nhiên phần vênh này đã được cặp đôi đạo diễn Lộc Trần- Kay Nguyễn bù đắp bằng khéo léo trong dàn cảnh. Đệ nhất thanh lịch Như Ý xinh đẹp, tự tin trong quá khứ và Như Ý tương lai bê tha, say xỉn kết nối qua sự tương đồng về dáng điệu, biểu cảm khi cùng xuất hiện trong một khung hình.
Hồng Vân và Ninh Dương Lan Ngọc cùng sắm vai Cô Ba Như Ý.
Toàn bộ dàn nữ diễn viên của Cô Ba Sài Gòn, bao gồm cả nghệ sĩ ưu tú Hồng Vân với vai trò nhân tố hài của phim đều diễn tròn vai, nếu không nói là khá xuất sắc.
Ninh Dương Lan Ngọc đóng Như Ý điệu đà mà không lố, Diễm My 9x diễn nhà thiết kế Helen lạnh lùng đầy sắc sảo, Ngô Thanh Vân trong vai bà chủ nhà may Thanh Nữ thì giữ trọn nét truyền thống và sang trọng.
Bộ phim thuộc thể loại dành cho nữ giới, do "đả nữ" Ngô Thanh Vân cầm chịch cùng dàn diễn viên toàn nữ nên tính nữ được đề cao một cách đầy duyên dáng trong Cô Ba Sài Gòn. Mỗi nhân vật nữ trong phim đều xứng đáng là một "Cô Ba Sài Gòn" mạnh mẽ và đầy tài năng theo cách của riêng mình.
Bên cạnh đó, bộ phim cũng truyền tải được thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình và giá trị cao quý của tà áo dài truyền thống qua bao thăng trầm đổi thay của thời trang.
Là tác phẩm nói về áo dài và nghề may áo dài, phần kiến thức về thời trang trong phim cũng đầy đặn, cộng thêm động cơ cốt lõi của tình huống phim cũng dựa trên quy luật xoay vòng lặp lại của mốt thời trang, nên trên nhiều khía cạnh Cô Ba Sài Gòn có thể được coi là thuộc dòng phim có chủ đề thời trang tương tự như Funny face (1957) hay The Devil wears Prada (2006).
Trailer phim Cô Ba Sài Gòn
Tuy nhiên nếu xét như vậy, trang phục trong phim, nhất là bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Thủy Nguyễn chưa thực sự gây ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Những thiết kế cuối cùng của Như Ý chưa thể hiện được lịch sử kế thừa và phát triển gần 50 năm của chiếc áo dài từ thời cực thịnh đến cách tân cho phù hợp với xã hội hiện đại.
Tạo hình trong phim phần "cổ" tốt hơn phần "tân" khi mới đầu phim Như Ý đã gây ấn tượng bằng dáng dấp tựa siêu mẫu Jean Shrimpton trong bộ đầm suông đậm chất thập niên 60.
Nhưng đến thời hiện đại, phong cách thời trang của cô đôi lúc lại diêm dúa, bánh bèo quá đà khiến cô Ba có phần "mất chất".
Cô Ba Sài Gòn đẹp hơn với tạo hình cổ điển.
Ngay từ trước khi công chiếu tại Việt Nam, Cô Ba Sài Gòn đã gặt hái được nhiều thành công.
Tại Liên hoan phim Busan, Hàn Quốc, Ngô Thanh Vân trong lần thứ hai đem tác phẩm ra nước ngoài đã giới thiệu bộ phim tới 1000 khán giả của liên hoan phim còn nữ diễn viên chính Ninh Dương Lan Ngọc được trao giải Gương mặt châu Á (Face of Asia) ở giải thưởng Asia Star Awards do tạp chí Marie Claire tổ chức.
Dù còn đôi điều chưa hoàn thiện nhưng Cô Ba Sài Gòn xứng đáng được khán giả yêu điện ảnh đón nhận nồng nhiệt bởi cả tính giải trí của phim lẫn nỗ lực khơi dậy khơi dậy niềm tự hào áo dài qua một kịch bản chick-flick dễ thương dễ yêu.
Với Cô Ba Sài Gòn, Ngô Thanh Vân một lần nữa đánh một canh bạc điện ảnh và lần này cô đã thành công. "Đả nữ" đã khẳng định được cái tâm và cái tầm của một nữ nhà làm phim Việt qua sự đầu tư nghiêm túc cho tác phầm mà kể cả những đồng nghiệp nam nhiều kinh nghiệm cũng ít ai làm được.