Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 5. (Ảnh: AP)
“Cơ sở cho quan hệ kinh tế tốt hơn với Mỹ hiện nay là hợp tác quốc phòng”, Đại sứ Jose Manuel Romualdez nói. Ông cho rằng đây là sự “cân bằng rõ ràng” dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr so với giai đoạn trước.
“Nếu chúng tôi nhận được phần lớn hơn, hoặc ít nhất là một lát trong chiếc bánh Mỹ, điều đó sẽ rất có ý nghĩa với chúng tôi”, ông Romualdez nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 10/7. “Tôi chưa từng thấy sự nhiệt tình nào với Philippines như thế này từ các nhà đầu tư Mỹ. Đó là kết quả từ hợp tác quốc phòng tăng cường giữa hai bên”, ông Romualdez nói.
Rủi ro mà đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phải đối mặt là an ninh và chủ quyền, trong bối cảnh Trung Quốc có yêu sách với hầu khắp vùng biển trong khu vực và căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, Philippines cũng đang cạnh tranh với các nước láng giềng để thu hút những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la vào ngành công nghiệp chất bán dẫn, khi một số tên tuổi đang muốn chuyển khỏi Trung Quốc.
Theo Đại sứ Romualdez, Mỹ coi Philippines là một phần quan trọng trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc triển khai các hành động quân sự, đặc biệt là ở đảo Đài Loan. Ông cho rằng khả năng xảy ra một cuộc chạm trán nguy hiểm ở Đài Loan (Trung Quốc) “không cao nhưng nó có thể xảy ra”.
Ông Romualdez cho biết, các công ty Mỹ đang tìm cách khai thác Philippines để sản xuất chất bán dẫn. Ông nói rằng Manila được các công ty Mỹ coi là nơi mà họ có thể “tin tưởng” để hoạt động và mở rộng, sau khi Tổng thống Joe Biden ban hành luật nhằm nâng cao năng lực của Mỹ và cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Vị đại sứ cho biết, Mỹ có thể sẽ cử một phái đoàn thương mại và đầu tư cấp cao tới Philippines cuối năm nay.
Khi các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia cũng đang tìm cách thu hút đầu tư, Philippines sẽ phải giảm bớt các hạn chế về sở hữu nước ngoài và cho phép đặc quyền để thu hút các doanh nghiệp Mỹ, Đại sứ Romualdez cho biết.
Ông đáp trả những người chỉ trích chính sách đối ngoại của Tổng thống Marcos Jr., đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông cản trở ngư dân Philippines ra khơi.
“Một số người có thể nghĩ một cách sai lầm rằng tổng thống đang đứng về phía bên này để gây bất lợi cho bên kia. Không phải thế. Ông ấy đang cố gắng hết sức để cân bằng mối quan hệ của chúng ta giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Romualdez nói.
Vị đại sứ tuyên bố, Philippines không thể chỉ ngồi yên nhìn các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của mình.
Phát biểu được đưa ra vài ngày sau khi Philippines báo cáo về các cuộc chạm trán mới với nhiều tàu Trung Quốc.
Cuối tuần qua, một quan chức lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lên tiếng cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc gần khu vực giàu dầu khí trong vùng biển tranh chấp có thể là khúc dạo đầu cho hành động chiếm đóng.
Đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Marcos cho phép Mỹ tiếp cận thêm các căn cứ quân sự, bao gồm cả căn cứ nằm gần đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Đại sứ Romualdez cho biết, Mỹ đã đầu tư hơn 100 triệu USD để nâng cấp các cơ sở quân sự đó. Hai bên cũng đang làm việc với nhau về việc tuần tra chung trên Biển Đông, hy vọng có thể bắt đầu trong năm nay, và Mỹ cũng sẽ giúp Manila mua khí tài để tăng cường sức mạnh quân sự.
“Chính sách đối ngoại mà chúng tôi đang triển khai hiện nay theo tôi là đúng đắn. Chúng tôi không tìm kiếm rắc rối, chúng tôi chỉ đang tìm kiếm cơ hội kinh tế. Bây giờ, ai mới là người gây rắc rối?” Đại sứ Romualdez nói.
Theo Bloomberg