Philippines có thể trở thành trung tâm công nghiệp quốc phòng của khu vực Đông Nam Á sau khi một số cường quốc quân sự bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí và thiết bị quốc phòng của họ tại nước này.
Khu công nghiệp vũ khí đang thành hình
Báo Arab News ngày 27/9 dẫn lời ông Arsenio Andolong, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Philippines (DND) cho hay, có ít nhất ba quốc gia, gồm: Israel, Nga và Hàn Quốc quan tâm tới các dự án xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí và quốc phòng tại Philippines.
Dù chưa có thỏa thuận nào chính thức được ký kết và các đề xuất vẫn đang trong giai đoạn thăm dò nhưng theo các chuyên gia, khả năng thành công khá cao.
Ông Andolong cũng tiết lộ, các dự án đang thành hình như vậy sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 370ha ở Limay, Bataan của Government Arsenal (GA) - cơ quan phụ trách vũ khí - khí tài trực thuộc Bộ Quốc phòng Philippines, nơi chịu trách nhiệm sản xuất các loại vũ khí cơ bản và đạn dược cho các lực lượng vũ trang của Nhà nước và phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Với tên gọi, Khu Kinh tế công nghiệp quốc phòng GA (GADIEZ), khu vực này sẽ là nơi các công ty quốc phòng nước ngoài xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí tại Philippines.
Phát ngôn viên Andolong cho biết, các cuộc đàm phán với Nhà nước Do Thái Israel - quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, đang diễn ra. “Israel đã nhiệt tình và hào hứng hơn khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu thị trường cho những vũ khí mà chính Philippines đang đặt mua”.
Theo một quan chức cao cấp trong Chính phủ Manila, Israel thậm chí còn muốn hợp tác với Tập đoàn phát triển hàng không vũ trụ Philippines và kỳ vọng sẽ sớm có một nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV).
Những tiết lộ trên đây là chưa kể đến bản ghi nhớ mới ký kết giữa nhà sản xuất vũ khí và đạn dược hàng đầu Israel - Silver Shadow Advanced Security Systems (SASS) và Công ty Rayo Illuminar Corporation (RIC) của Philippines để phát triển các cơ sở sản xuất ở quốc gia Đông Nam Á trong tương lai gần.
Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Israel của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi đầu tháng 9, dự án ước tính trị giá 50 triệu USD.
Hãng thông tấn PNA của Philippines còn cho biết, trong tháng này, SASS và RIC đang cố gắng hoàn tất các thỏa thuận để lắp đặt thiết bị quan trọng cho nhà máy sản xuất và lắp ráp vũ khí, dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. SASS cũng cam kết đào tạo và sử dụng 160 nhân sự từ quốc gia Đông Nam Á.
Nga sẵn sàng hỗ trợ trong các dự án quốc phòng
Bên cạnh đó, theo ông Andolong, chính quyền Moscow, Liên bang Nga đã cử quan chức đến Manila để thảo luận về đề xuất thành lập chung một nhà máy sản xuất súng trường tấn công AK-47 ở tỉnh Bataan.
“Nhưng tại thời điểm này, đây vẫn là một lời đề nghị bằng miệng. Bộ Ngân sách và Quản lý (DBM) đã yêu cầu Moscow gửi một nghiên cứu về tính khả thi của dự án”, ông Andolong nói.
Phát ngôn viên của DND cho rằng, kế hoạch nêu trên còn chưa chắc chắn, nhưng Nga đang đưa ra nhiều đề xuất thiện chí, trong đó có một khoản vay mềm cho thương vụ tàu ngầm tấn công diessel-điện thuộc Đề án 636 lớp “Varshavyanka” do Nga sản xuất (NATO gọi là lớp Kilo); hay các gói tài chính để bắt đầu các dự án tại Philippines.
Bên cạnh đó, một công ty Hàn Quốc đã đưa ra một đề xuất khác để thiết lập các nhà máy vũ khí đầu tiên ở Philippines. Tuy nhiên, tạm thời kế hoạch này đang bị trì hoãn sau khi phía Seoul đưa ra các điều khoản yêu cầu ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ Manila.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng, lý do các nước này chọn Philippines là nơi thiết lập cơ sở sản xuất vũ khí “chủ yếu là vì họ (Nga và Israel) muốn tạo ra một trung tâm công nghiệp quốc phòng ở Đông Nam Á khi chưa có sự hiện diện nào ở đây”.
“Điều này cũng có thể là vì vị trí địa lý của Manila và chúng tôi cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực gợi ý về việc sản xuất vũ khí cung cấp cho thị trường đầy tiềm năng của Nga và Israel”, ông Andolong giải thích.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines ngày càng muốn tách rời khỏi ảnh hưởng của đồng minh lâu năm Hoa Kỳ, đặc biệt, trong các dự án mua vũ khí lớn.