Phiên đấu giá 7.000 tỷ của Điện lực Dầu khí có gì hấp dẫn?

Ngọc Anh |

Nhà nước dự kiến thu về tối thiểu gần 7.000 tỷ đồng từ phiên IPO lớn hàng đầu trong lịch sử thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước...

Ngày 8/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chính thức phê duyệt phương án cổ phần hoá Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).

Theo kế hoạch cổ phần hoá, PV Power có vốn điều lệ 23.418 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) nắm giữ 51% tương ứng 1.194.354.516 cổ phần; cổ phần bán đấu giá công khai là 20%, tương ứng 468.374.320 cổ phần; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 676.385.364 cổ phần, chiếm 28,882% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2.757.400 cổ phần, chiếm 0,118% vốn điều lệ.

Phiên IPO (lần đầu bán cổ phần ra công chúng) của PV Power sẽ chính thức diễn ra ngày 31/1/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giá khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phần.

Phiên IPO lớn chưa từng có

Theo quyết định phê duyệt cổ phần hoá được phê duyệt, quy mô phiên IPO lên tới 20% vốn điều lệ, tương ứng 6.745 tỷ đồng. Xét lịch sử doanh nghiệp nhà nước thoái vốn chưa có doanh nghiệp nào có tỷ lệ chào bán IPO lên tới 20% vốn điều lệ, quy mô lớn như vậy.

Đây là nét hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, muốn đầu tư dài hạn, sát cánh cùng doanh nghiệp hơn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo giới tài chính, phiên IPO của PV Power sẽ hấp dẫn giới đầu tư bởi nó được diễn ra ngay đầu năm 2018, khi thị trường chứng khoán đang lập kỷ lục trong một thập kỷ qua. Chốt phiên giao dịch ngày 9/1, chỉ số VN - Index đã tăng 10,7 điểm lên mức 1.033 điểm.

Với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế trong giai đoạn tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) năm 2018, cho biết thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đón nhận các "bom tấn như Lọc hoá dầu Bình sơn, PV Oil, PV Power. Đây đều là các doanh nghiệp đầu ngành, các cổ phiếu thu hút sự quan tâm rất lớn đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng PV Power, nếu IPO thành công, nhà nước có thể thu về tối thiểu gần 7.000 tỷ (giá tham chiếu). Sức hút của đại gia Điện lực Dầu khí này không chỉ đến từ yếu tố khách quan mà còn xuất phát từ nội tại doanh nghiệp, từ kinh doanh đặc thù, kết quả kinh doanh nổi bật và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Điện lực là ngành thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Ngành điện hấp dẫn đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao.

Sản lượng điện năng tại Việt Nam từ 101,5 tỷ kWh lên 157,6 tỷ kWh năm 2015, bình quân tăng khoảng 11,6%/năm. Đặc biệt, PV Power có thế mạnh về điện khí, đây là xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới bởi yếu tố bảo vệ môi trường. Đây là ưu điểm hút nhà đầu tư nước ngoài.

Lãi hàng nghìn tỷ từ bán điện

PV Power là một trong 3 nhà cung cấp điện lớn nhất cả nước cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV).

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, 2015, 2016 doanh thu PV Power lần lượt là 25.489 tỷ, 23.767 tỷ, 28.691 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện đóng góp từ 93-98% tổng doanh thu của tổng công ty. Năm 2017, báo cáo kinh doanh của PV Power cũng ghi nhận doanh thu ước 30.987 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6%.

Doanh thu chính từ bán điện, PV Power kinh doanh có lãi, tuy chưa ổn định do nhiều yếu tố khách quan. Năm 2014, công ty lãi 2.913 tỷ, năm 2014 lên tới 2.560 tỷ đồng, năm 2016 số lãi giảm xuống 1.517 tỷ đồng.

Lãnh đạo công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm trong năm này là do năm 2014 và 2015 có các yếu tố thu nhập bất thường từ các năm trước chuyển sang tương đương là 1.208 tỷ đồng và 1.044 tỷ đồng. Nếu loại bỏ yếu tố bất thường này thì lợi nhuận 3 năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016 là ổn định.

Ngoài ra, lợi nhuận 2016 giảm do hạch toán thêm chi phí khấu hao và lãi vay của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, đây là công trình đầu tư rất lớn mới đi vào hoạt động. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của PV Power ước 2.503 tỷ đồng. Một điểm sáng đối với PV Power là công ty không có một khoản nợ quá hạn nào.

Theo báo cáo đã kiểm toán, tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của cố định của PV Power đạt 69.000 tỷ. Lượng tiền và tương đương tiền của PV Power lên tới 4.671 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn và dài hạn lên tới trên 30.000 tỷ đồng.

Theo công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc vay nợ của PV Power và các công ty con chủ yếu là để tài trợ cho việc đầu tư các dự án nhà máy điện.

Hiện công ty đang quản lý và sử dụng khoảng 1,92 triệu m2 đất gồm Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch, Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh. Đây chủ yếu là đất của nhà nước giao và đất nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.

Từ con số 0 thành công ty điện lực lớn thứ 2 cả nước

Thành lập theo định hướng phát triển của Petro Vietnam từ năm 2007, PV Power được phát triển nhằm mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm lĩnh vực dầu khí, năng lượng. Trải qua 10 năm phát triển thần tốc, PV Power trở thành nhà cung cấp điện lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Hiện PV Power đang quản lý và vận hành 8 nhà máy điện trong đó có 4 nhà máy điện khí (Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch), 3 nhà máy thuỷ điện (Hủa Na, Đakdrinh, Nậm Cắt), một nhà máy nhiệt điện than (Vũng Áng 1).

Từ 5 thành viên ban đầu với vốn điều lệ 7.600 tỷ đồng đến năm 2015, PV Power đã tăng vốn lên 21.776 tỷ với 10 đơn vị thành viên, 14 công ty liên kết.

Doanh thu và lợi nhuận của PV Power cũng tăng trưởng nhanh chóng, từ năm 2007 đến hết 2017, PV Power đạt tổng doanh thu trên 202.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận vượt 11.650 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm.

Về sản lượng điện, năm 2011 công ty chỉ có 13,352 tỷ kWh, chiếm 13,1% sản lượng điện cả nước, đến các năm tiếp theo sản lượng hàng năm đã tăng lên gần 21 tỷ kWh, chiếm 11,9% sản lượng điện cả nước.

VCSC cho rằng trong xu thế phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh sắp tới, PV Power rất có lợi thế. Các nhà máy của PV Power đều có công suất lớn, nhiên liệu ổn định, nằm trong khu vực có nhu cầu điện cao… Đây vẫn là đối tượng ưu tiên và có nhiều tiềm năng để giao dịch với các hộ tiêu thụ và ngay cả trong khâu bán lẻ.

"Phần lớn công suất phát điện của PV Power thuộc các nhà máy tại khu vực phía Nam là nơi nhu cầu phụ tải điện rất lớn và công suất còn thiếu hụt.

Do đó các nhà máy của PV Power tại khu vực này được huy động phát điện tần suất cao", VCSC khẳng định khu vực phía Nam sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn điện nên ưu thế của doanh nghiệp điện này rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại