Nằm giữa mặt vách đá thẳng đứng cao tới 123 mét với mặt tiền được xây dựng từ những năm 1580 ở thời kỳ Phục hưng, từ "hùng vĩ" thậm chí còn không thể miêu tả hết được vẻ đẹp của tòa lâu đài này. Predjama đã ghi danh trong vô số kỷ lục từ năm 1202 và được Kỷ lục Thế giới Guinness vinh danh là lâu đài hang động lớn nhất thế giới.
Cận cảnh lâu đài Predjama – Lâu đài hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN.
Đối với một số người, tòa lâu đài có thể trông không nổi bật, nhưng câu chuyện đằng sau nó thì hoàn toàn không.
Vén bức màn quá khứ Predjama
Tên của tòa lâu đài, Lâu đài Predjama, mang ý nghĩa là "phía trước một hang động".
Câu chuyện phía sau toàn lâu đài Predjama đều hướng về nam tước Erasmus von Lueg, một anh hùng ‘Robin Hood địa phương’, người đã chạy trốn đến lâu đài này vào giữa những năm 1480 sau khi giết Bá tước Pappenheim, Thống chế của Tòa án đế quốc Habsburg trong một cuộc đấu tay đôi.
Để trả đũa, Hoàng đế Habsburg Frederick III đã ra lệnh bao vây lâu đài Predjama. Nhưng Erasmus vẫn hiên ngang đứng vững khi được yểm trợ bởi một mạng lưới đường hầm bí mật nằm sâu bên trong các tảng đá phía sau tòa lâu đài.
Ông đã chế nhạo đối thủ của mình bằng cách gửi cho họ những quả anh đào tươi được mang về từ Thung lũng Vipava, cách tòa lâu đài 21 km về phía Tây, sử dụng những lối đi ngầm đó. Tuy nhiên, cục diện đã hoàn toàn thay đổi sau chính xác 1 năm 1 ngày, khi Erasmus bị một người hầu phản bội.
Theo nhà sử học Vojko Jurca kể lại, khi Erasmus đi tới ngôi nhà phía trên sân thượng tầng ba, người hầu đã đốt một ngọn đuốc làm tín hiệu. Không lâu sau, một quả đại bác đã lao tới xé toạc bầu trời và giết chết Erasmus.
Từ Slovenia đến lục địa Westeros
Chủ nhân cuối cùng của lâu đài Predjama được biết tới là gia tộc Windisch-Grätz, một gia tộc mang trên mình huy hiệu một con sói, con dấu của nhà quý tộc Stark. Họ đã sử dụng lâu đài như một nhà nghỉ săn bắn cho đến khi kết thúc Thế chiến II.
Nhà văn George RR Martin – chủ nhân của bộ sử thi huyền thoại ‘Trò chơi vương quyền’ đã từng đến thăm tòa lâu đài vào một buổi tối tháng 6/2011, sau một sự kiện ký tặng sách ở thành phố Trieste, Italy.
"Trên đường về nhà, chúng tôi đã dừng chân tại tòa lâu đài tuyệt vời được xây dựng trong lòng một hang động tráng lệ. Chắc chắn tôi sẽ đưa Predjama đến Westeros, một công trình thật bắt mắt, đặc biệt là vào ban đêm", ông nói với ánh mắt rực rỡ.
Westeros được biết tới là một lục địa giả tưởng trong cuốn sử thi ‘Trò chơi vương quyền’ của nhà văn George RR Martin. Nằm ở phần viễn tây của thế giới, Westeros trải rộng từ vùng chỏm băng Bắc Cực xuống tận phương nam khoảng 5.000 km, hầu hết diễn biến trong ‘Trò chơi vương quyền’ đều xảy ra tại Westeros.
Tòa lâu đài ‘bất khả xâm phạm’
Truyền thuyết và lịch sử chỉ là một phần tạo nên sức hấp dẫn của lâu đài Predjama. Phải thực sự đặt chân đến nơi đây để có thể hiểu được sự gắn bó của con người với tự nhiên đã bền chặt như thế nào.
Cho dù tiếp cận lâu đài từ bất kỳ hướng nào, Predjama cũng gần như hoàn toàn bí ẩn. Phía bên trong, rõ ràng sự an toàn là mối quan tâm lớn nhất ở thời kỳ Trung cổ, chính vì thế Predjama được xây dựng trở thành một tòa lâu đài bất khả xâm phạm, lạnh và ẩm ướt đến mức khiến nó gần như không thể di chuyển được. Ngày nay, để vào được tòa lâu đài, người dân sẽ phải đi qua một cây cầu kéo. Lối vào ban đầu cao hơn, nơi có thể nhìn thấy hai cánh cửa mờ nhạt của Predjama.
Trở về thời Trung cổ, nơi đầu tiên con người đặt chân đến khi bước vào tòa lâu đài này chính là phòng xử án, nơi công lý hà khắc sẽ được phân xử. Rất ít thần dân của kẻ thống trị được phép đi xa hơn, trừ khi không may mắn.
Đằng sau cánh cửa gỗ dày có một phòng tra tấn độc nhất, nằm trong một hầm ngục thực sự. Hình phạt được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ tại đây chính là ‘giá đỡ’. Với hình phạt này, các tù nhân được cưỡi lên một thiết bị hình tam giác nhọn mà họ thường gọi là ‘con ngựa’.
Đi sâu vào phía trong sẽ là những không gian dễ chịu hơn như phòng ăn – được cách nhiệt bởi những bức tường dày gần 5 mét rưỡi và sưởi ấm nhờ căn bếp nhỏ nhưng tiện dụng, trong đó có một khe nứt đóng vai trò như chiếc máy hút mùi tự nhiên.
Đặt những bước chân sâu hơn nữa
Bước thêm vài bậc cầu thang sẽ lên đến tầng ba, nơi để lộ các vòng súng, các rãnh mũi tên và các lỗ giết người được sử dụng để đổ dầu sôi hoặc nhựa nóng chảy vào những kẻ bao vây lâu đài.
Đó là nơi có sân thượng rộng mở với tầm nhìn ra toàn bộ thung lũng, cũng như nhà nghỉ nổi tiếng nhất trong lịch sử Slovenia.
Ngay bên cạnh sân thượng là phòng ngủ, cũng chính là căn phòng ấm áp nhất, vì đây là căn phòng duy nhất trong lâu đài có lò sưởi. Những người bảo vệ lâu đài đã sống ở đây cho đến những năm 1980.
Căn gác xép ngay phía trên vừa làm doanh trại vừa làm nơi quan sát với tầm nhìn trực tiếp xuống Thung lũng Lokva tuyệt đẹp. Sau này, doanh trại đã chuyển thành một bảo tàng trưng bày các loại vũ khí thời Trung cổ như chiến mã, dây kiếm, nỏ và pháo bông.
Từ đây có một lối dẫn vào bên trong hang động, có thể đi sâu khám phá cho đến khi ánh sáng từ lối vào tắt dần chỉ còn lại một đốm sáng, khi đó con người sẽ có thể chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của tự nhiên.
Hệ thống hang động đá vôi rộng lớn ở miền nam Slovenia được gọi là ‘karst’, theo tên Latin Carsus được đặt cho cao nguyên phía trên thành phố Trieste. Vì đây là địa hình đá vôi nổi tiếng nhất trong nhiều thế kỷ, nên từ ‘karst’ đã trở nên chung chung, mô tả bất kỳ địa hình đá vôi nào có các hốc như miếng pho mát Thụy Sĩ.
Bên dưới lâu đài là một hang động lớn trải dài 15 km, chiều dài lớn thứ hai sau khu phức hợp Postojna gần đó.
Cây bồ đề theo dòng lịch sử
Rời khỏi lâu đài, nhà sử học Vojko đã chỉ đến một điểm dừng khác – một ngôi làng gần đó nơi có cây bồ đề ốm yếu đang được chữa trị trong nghĩa trang của Đức Mẹ Sầu Bi. Nhà thờ này được thánh hiến vào khoảng năm 1450 bởi giám mục Trieste, Giáo hoàng tương lai Pius II.
"Truyền thuyết kể lại rằng cây bồ đề này được trồng trên đỉnh mộ của nam tước Erasmus", Vojko nói.
Tuy cây bồ đề đã bị hư hại nặng do trận hỏa hoạn vào năm 2001, nhưng nhờ ý nghĩa rất lớn đối với dân làng cùng sự gắn bó vượt thời gian nên những người ‘phẫu thuật cây’ đã được gọi đến, tách thân cây ra và chữa lành.
Cây bồ đề vẫn hiên ngang tồn tại, giống như tòa lâu đài Predjama.